01/11/2024

Quốc hội Nepal thông qua bản đồ mới gây tranh cãi với Ấn Độ

Quốc hội Nepal thông qua bản đồ mới gây tranh cãi với Ấn Độ

Quốc hội Nepal bỏ phiếu thông qua đề xuất đưa phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ vào bản đồ quốc gia.
Lực lượng cảnh sát vũ trang Nepal tuần tra gần khu vực tranh chấp với Ấn Độ /// Ảnh chụp màn hình Kathmandupati
Lực lượng cảnh sát vũ trang Nepal tuần tra gần khu vực tranh chấp với Ấn Độ ẢNH CHỤP MÀN HÌNH KATHMANDUPATI
Tờ South China Morning Post ngày 14.6 đưa tin Quốc hội Nepal vừa bỏ phiếu thông qua hiến pháp sửa đổi nhằm thay đổi bản đồ của quốc gia này, bổ sung thêm phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ.
Chủ tịch Hạ viện Agni Kharel cho biết tất cả 258 nghị sĩ có mặt đều bỏ phiếu ủng hộ đề xuất, trong khi chỉ cần 2/3 trong số 275 nghị sĩ ủng hộ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết quan điểm của New Delhi về vấn đề này rất rõ ràng.
“Sự mở rộng nhân tạo đối với các tuyên bố không dựa trên chứng cứ lịch sử và không thể biện hộ. Đó cũng là sự vi phạm hiểu biết hiện nay của chúng tôi về việc đối thoại các vấn đề biên giới”, theo ông Srivastava.
Tranh cãi mới nhất giữa 2 nước xảy ra sau khi Ấn Độ vào tháng trước đã khánh thành một tuyến đường ở dãy Himalaya tại khu vực tranh chấp nằm gần biên giới 2 nước với Trung Quốc.
Tuyến đường dài 80 km được khánh thành với sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, cắt qua đèo Lipu Lekh và được xem là một trong những tuyến đường khả dĩ và gần nhất để kết nối thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Nepal phản đối tuyến đường trên và cho rằng đó là sự bắt nạt từ quốc gia láng giềng, trong khi chính quyền New Delhi tuyên bố “con đường hoàn toàn nằm trên lãnh thổ của Ấn Độ”. Cũng trong tháng 5, Nepal đã công bố bản đồ mới trong đó bao gồm khu vực chiến lược đang tranh chấp với Ấn Độ.
Những khu vực được bổ sung chiếm diện tích hơn 300 km2, và được đánh giá cao về khía cạnh vị trí chiến lược vì đây là điểm giao biên giới giữa Nepal, Ấn Độ và Trung Quốc.
Nepal lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền đối với vùng Kalapani, vốn tiếp giáp Lipu Lekh, dù Ấn Độ đã đóng quân tại đây kể từ cuộc chiến biên giới Ấn – Trung vào năm 1962.
Trước đó, Ấn Độ và Nepal đều thể hiện Kalapani và Lipu Lekh trong bản đồ, nhưng đây là lần đầu tiên Nepal quyết định bổ sung Limpiyadhura.
KHÁNH AN
TNO