Tăng tốc điện mặt trời
Tăng tốc điện mặt trời
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC), đã khẳng định điều trên trong hội thảo “Các giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM” do EVNHCMC tổ chức hôm qua (11.6).
Nhiều ưu đãi cho điện sạch
Với lợi thế có nắng quanh năm, lượng bức xạ lớn, số giờ nắng trung bình trong tháng từ 150 – 300 tiếng đồng hồ, ngành điện lực TP.HCM đặt kế hoạch đến hết năm nay, đầu tư điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phải đạt công suất 200 MWp. Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC, thông tin tính đến hết tháng 5, toàn TP.HCM đã có 7.341 công trình ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt 94,49 MWp (1 MWp = 1.000 kWp, kWp là mức công suất tối đa của một bảng pin hoặc hệ thống năng lượng mặt trời – PV). “Các dự án ĐMTMN đang bước vào giai đoạn “tăng tốc” với nhiều ưu đãi lớn và sự vào cuộc quyết liệt từ chủ đầu tư và điện lực thành phố. Ngành điện luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho phát triển ĐMT và khi các cơ chế chính sách phù hợp đi vào hoàn thiện thì theo tôi, ĐMTMN sẽ phát triển rất nhanh, mạnh trong thời gian tới”, ông Bùi Trung Kiên nhấn mạnh và thông tin thêm, chỉ trong thời gian 2 – 3 tháng xây dựng, hệ thống sẽ được đưa vào sử dụng ngay và thời gian hoàn vốn từ 5 – 6 năm. Đây là yếu tố gây “hấp lực” nhà đầu tư cũng như nhà sản xuất đang có mái nhà xưởng bỏ không.
Theo biểu giá mới (FIT-2), ĐMTMN được áp dụng từ nay đến hết ngày 31.12.2020 là 8,38 US cent/kWh (tương đương 1.934 đồng/kWh). Một số ý kiến cho rằng cuộc “chạy đua” đầu tư ĐMTMN một phần do thời gian hiệu lực giá mua ĐMT chỉ áp dụng với các dự án đã được đầu tư và đưa vào sản xuất trước ngày 31.12 năm nay.
Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, quản lý dự án của Công ty SolarBK, thời hạn về giá mua ĐMT, nếu có ảnh hưởng, chỉ xảy ra đối với các nhà đầu tư hoặc hộ gia đình đầu tư để bán. Chẳng hạn, các hộ gia đình đầu tư ĐMT nhưng nhu cầu sử dụng điện không cao, hoặc doanh nghiệp (DN) sản xuất trong ngành dệt may, da giày đang hoạt động “cầm chừng” do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hai ngày cuối tuần không sản xuất thừa điện bán lại… Nếu để sau ngày 31.12.2020, chưa có quy định giá mới, muốn bán phải chờ bảng giá mới. “Còn với các trung tâm thương mại có nhu cầu sử dụng điện gần như 24/7 thì không quan tâm giá FIT-2, vì họ sản xuất ĐMT để sử dụng”, ông Thịnh nhấn mạnh. Hiện tại, SolarBK đã đầu tư khoảng 10MWp, khách hàng chủ yếu là các trung tâm thương mại. “Thực tế, với các nhà đầu tư tòa nhà có tầm nhìn dài hạn, chiến lược phát triển năng lượng xanh sẽ lưu ý vấn đề đầu tư làm ĐMT ngay khi họ xây tòa nhà, Vingroup là một trong những nhà đầu tư như vậy”, ông Thịnh bổ sung. Hiện SolarBK cũng đang triển khai mô hình đầu tư ESCO, tức là góp 70 – 100% vốn đầu tư, công ty chịu mọi trách nhiệm về thiết kế, thi công, lắp đặt toàn bộ hệ thống và bảo trì.
Các dự án ĐMTMN đang bước vào giai đoạn “tăng tốc” với nhiều ưu đãi lớn và sự vào cuộc quyết liệt từ chủ đầu tư và điện lực thành phố
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC
Ông Đặng Trọng Ngôn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty KTG, cho biết DN chuẩn bị ký kết với EVNHCMC để thực hiện một số dự án ĐMTMN. Diện tích mái nhà xưởng công ty sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư tối thiểu 5.000 m2 mái với số tiền đầu tư khoảng 6 tỉ đồng. “Chúng tôi đang dồn lực ưu tiên đầu tư các dự án ĐMTMN lớn, có dự án lên đến 8 MWp, 15 MWp. Điện sẽ thiếu, chúng tôi muốn tăng lực đầu tư trong giai đoạn này vì đây là cơ hội và cũng là giải pháp đồng hành với ngành điện, đặc biệt điện sạch”, ông Ngôn nhấn mạnh. Giá ĐMT mà DN dự kiến bán lại cho khách hàng dùng điện kinh doanh và sản xuất sẽ thấp hơn giá điện của EVN. Chẳng hạn, rẻ hơn 30% với điện kinh doanh và rẻ hơn 10% cho khách hàng sản xuất so với mức giá điện DN đang mua của EVN. Sau thời gian khai thác 20 năm, toàn bộ hệ thống sẽ được tặng lại cho DN cho thuê mái nhà xưởng hoặc nếu được yêu cầu, nhà đầu tư sẽ dọn sạch các tấm pin mang đi tái chế để trả lại mái như ban đầu cho DN.
Tái chế đến 96%
Theo PGS-TS Võ Viết Cường (Khoa Điện – Điện tử, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), năm 2017, công suất ĐMT tại Việt Nam đã đứng đầu các loại nguồn lắp đặt mới khác, cao gần gấp đôi điện gió. Cách đây 10 năm, chúng ta hào hứng nói điện gió, ĐMT chưa được nhắc tới. Khi đó, đầu tư ĐMT 5 USD/W, còn bây giờ chỉ 0,21 – 0,23 USD/W, chi phí đầu tư giảm hơn 20 lần. 80 năm nữa, ĐMT thay thế đến 70 – 80% nhu cầu điện thế giới.
|
Ông Võ Viết Cường phân tích ĐMT có khí thải, nhưng so với nguồn năng lượng chúng ta đang dùng, nó giảm đến 90%, chỉ có 10% khí thải. Ông Trịnh Quang Dũng, chuyên gia ĐMT bổ sung, nghiên cứu của thế giới, cho thấy vật liệu ĐMT là nguồn năng lượng duy nhất được tái chế để cho ra tấm mới, 96% nguyên vật liệu từ tấm này được dùng để sản xuất tấm mới, chỉ có 4% là rác thải. Đặc biệt, SolarBK tiết lộ thông tin công ty đã làm được phần mềm quản lý. Ông Trịnh Quang Dũng cho rằng đây là tin vui cho ngành ĐMT nước nhà.
PGS-TS Võ Viết Cường nói: “Đâu đó có những lo ngại việc những tấm panel hư bỏ vứt ra bãi rác sẽ gây ô nhiễm môi trường. Tôi khẳng định là không. Thế giới có đầy đủ công nghệ để bóc tách tái chế, xử lý đến tận cùng những gì khoa học đã tạo ra. Nhà cung cấp tấm panel phải có trách nhiệm thu về và xử lý, nếu không thu về sẽ bị phạt. Việt Nam cần tham khảo cách làm của các nước để đưa ra quy định chuẩn bị cho tương lai xa hơn. Nhà máy tái chế tấm panel này hiện đang hoạt động 4 – 14% tổng công suất lắp đặt, nhưng nó sẽ tăng mạnh trong tương lai gần vì tốc độ phát triển ĐMT”. Theo quy định của một số nước làm ĐMT tại EU, ít nhất 65% tấm panel được nhà cung cấp thu về tái chế.
NGUYÊN NGA -CÔNG SƠN
TNO