Thay vì đổ xô tới lò luyện đắt tiền, tự ôn thi IELTS thì đã sao?
Thay vì đổ xô tới lò luyện đắt tiền, tự ôn thi IELTS thì đã sao?
Sau những bê bối, lùm xùm gần đây về các trung tâm luyện thi IELTS bị tố lừa đảo, nổi lên câu chuyện có những người tự học, tự thi IELTS hiệu quả thay vì cứ phải đổ xô tới các lò luyện đắt tiền.
Những người này đồng tình rằng IELTS chỉ là thước đo phản ánh trình độ thực của người thi vào thời điểm đo và năng lực tiếng Anh là kết quả của một quá trình trau dồi chứ không phải của vài tháng “tu luyện” chiêu trò, kỹ xảo làm bài thi.
Bài kiểm tra IELTS giống như thước đo “độ cao” tiếng Anh của người học theo những tiêu chí của bên tạo ra cái thước. Bởi vậy vấn đề của bạn là phải làm sao “tăng chiều cao” cho mình chứ không phải bẻ cái thước cho ngắn lại.
Hoàng Minh Thông
Không có chuyện trượt hay đỗ
Hoàng Minh Thông là người đã tự ôn thi IELTS và đã thi hai lần cách nhau 3 năm, với số điểm lần lượt là 8.0 (2013) và 8.5 (2015). Thông dùng hình ảnh “thước đo” để ví von với IELTS bởi theo anh, đây thực sự là một bài kiểm tra đánh giá (test) chứ không phải một kỳ thi (examination). Điều này có nghĩa không có khái niệm “trượt” hay “đỗ” khi thi IELTS, chỉ có khái niệm kết quả thi (các band điểm) có đạt được mục tiêu người thi đặt ra (đủ điểm đi du học, đạt tiêu chuẩn hồ sơ ứng tuyển…) hay không.
Sau quá trình tìm hiểu về các kỳ thi TOEFL, TOEIC và IELTS, Thông nhận ra các bài thi là “thước đo” cho trình độ tiếng Anh, và cốt lõi của chuyện điểm cao hay thấp đến từ hai việc: bạn có năng lực tiếng Anh đủ tốt và bạn đã đủ quen thuộc với cách thức và yêu cầu của bài thi tới mức nào. Cũng từ đó, anh nhận ra có vẻ nhiều người còn nhầm lẫn giữa việc nâng cao trình độ tiếng Anh và luyện tập cho bài thi, do đó không thể có kết quả tối ưu cho từng việc.
Trên thực tế đã có những người bỏ cách quãng vài năm mới thi lại, nhưng vì trong suốt thời gian cách quãng đó vẫn tiếp tục học, làm việc với tiếng Anh học thuật nên khi thi lại IELTS, dù không hề luyện, band điểm vẫn tăng cao. Đó là trường hợp của Nguyễn Cao Luân – hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành liệu pháp miễn dịch, Trung tâm nghiên cứu ung thư Lowy, ĐH New South Wales, Sydney (Úc).
Trước khi đi học thạc sĩ ở Nhật, Luân thi IELTS ba lần, mỗi lần cách nhau 3 tháng và điểm từ 5.0 lên 6.0 rồi 6.5. Tuy nhiên sau khi học xong thạc sĩ ở Nhật về, Luân tự học và thi IELTS để chuẩn bị hồ sơ xin học bổng tiến sĩ tại Úc thì điểm thi vẫn giữ ở mức 7.5, không kỹ năng nào dưới 6.0 dù không tập luyện thêm gì nữa với bài thi. Câu chuyện “độ cao thực” và cái thước đo ở đây là rất rõ.
Học IELTS “trong 1 tháng”: đúng nhưng chưa đủ
Không ít trung tâm luyện thi IELTS hiện nay quảng cáo có thể giúp học viên đạt được điểm IELTS cao nhất trong thời gian ngắn nhất. Điều này có thể đúng, nhưng chỉ với điều kiện người học đó đã có sẵn một nền tảng kiến thức tiếng Anh rất vững và họ tới trung tâm “học IELTS” chỉ là để làm quen với dạng thức (format) bài thi.
Tuy nhiên cũng phải nói thêm, format bài thi IELTS lại là thông tin được công bố rõ ràng ngay trên trang web chính thức của bài thi là www.ielts.org, chưa kể còn rất nhiều trang web tiếng Việt cũng đã giới thiệu tỉ mỉ về nó. Bởi vậy, nếu đã có kiến thức, lại hiểu rõ về format bài thi, không có lý do gì để một người học chủ động không thể tự ôn thi IELTS hiệu quả. Đây là lộ trình đã được chứng minh từ thành công trên thực tế của nhiều người học.
Ba năm trước, Huỳnh Ngô Uyển Dung, cựu thủ khoa đầu vào Trường ĐH Kinh tế – luật (2014) và top 3 đầu ra ngành kinh doanh quốc tế của trường này, đã quyết định tự ôn thi IELTS để được chủ động học, không bị áp lực phải cuốn theo tốc độ của số đông khi tới các trung tâm. Để chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển cho chương trình học bổng Erasmus của châu Âu, Dung phải đạt mục tiêu có điểm IELTS trong khoảng từ 7.5-8.0. Với nhiệm vụ phải tăng thêm 1.5-2.0 band điểm IELTS trong 3 tháng, Dung đã tập trung cao độ và liên tục cho việc ôn thi. Cô lên kế hoạch trong 2 tháng đầu học đều đặn về IELTS từ 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày với nội dung, kiến thức trải dài và bao quát nhiều chủ đề như xã hội, kinh tế, sức khỏe, học đường, gia đình…
Trong tháng cuối, cô ôn tập chọn lọc và tham khảo các đề thi từ thông tin chia sẻ của cộng đồng người học IELTS trên mạng, làm các bài thi viết trong khoảng thời gian quy định của bài thi chính thức để nắm được format và định hướng ra đề. Cuối tuần, Dung dành thời gian từ 9h-12h sáng để làm trọn vẹn một bài thi IELTS, rèn tinh thần làm bài nghiêm túc như thi thật.
Với kế hoạch ôn luyện khoa học, Dung chỉ thi IELTS một lần vào cuối tháng 8-2017 thì đạt 7.5, đủ để nộp hồ sơ và đã giành được học bổng Erasmus và du học tại Trường ĐH Kinh tế Cracow (Ba Lan) trong cùng năm đó.
Kết quả của một quá trình
“Tự học IELTS” trong ngắn hạn mà vẫn có thể đạt mục tiêu đặt ra trên thực tế chỉ có thể là kết quả của một quá trình học tập tiếng Anh bền bỉ trước đó nhiều năm. Câu chuyện này cũng là trải nghiệm từ 10 năm trước với Lưu Dịu Khuê, hiện là nghiên cứu sinh năm 3 ngành kỹ thuật y sinh tại ĐH Minnesota, bang Minnesota (Mỹ).
“Tôi đã thi TOEFL 2 lần và thi IELTS 1 lần. Trong đó, lần thi TOEFL thứ hai chỉ giúp tôi tăng thêm một điểm so với lần đầu. Điều này càng khiến tôi hiểu rõ việc trình độ tới đâu thì điểm số tới đó” – Khuê chia sẻ.
Vậy là dù chỉ làm quen với format bài thi IELTS trong 3 tuần và chỉ thi lần duy nhất nhưng Khuê vẫn đạt 7.0 IELTS, đủ điều kiện để giành được học bổng ngành kinh tế tại ĐH Quốc gia Singapore từ 10 năm trước, và hiện cô đang tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu chuyên ngành kỹ thuật y sinh ở Mỹ.