Mỹ cảnh báo Trung Quốc không được có thêm ‘trường thành bí mật’ về vũ khí hạt nhân
Mỹ cảnh báo Trung Quốc không được có thêm ‘trường thành bí mật’ về vũ khí hạt nhân
Phía Mỹ nói rằng Trung Quốc không được có thêm ‘trường thành bí mật’ về vấn đề phát triển hạt nhân và cần tham gia đàm phán với Mỹ, Nga. Nhưng liệu Trung Quốc sẽ nghe theo lời thúc giục của Mỹ?
Kiểm soát vũ khí hạt nhân có thể sẽ trở thành một “chiến trường mới” trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia các cuộc đàm phán với Washington và Matxcơva để gia hạn một hiệp ước quan trọng, báo South China Morning Post (SCMP) ngày 11-6 bình luận.
Đặc phái viên của Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea hôm 10-6 đã thúc giục Bắc Kinh cân nhắc lại về quyết định trên ngay trước cuộc đàm phán cuối tháng này.
Dự kiến ông Marshall Billingslea sẽ gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ở Vienna (Áo) vào ngày 22-6 để thảo luận về việc gia hạn New START – một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân được đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và dự kiến hết hạn vào đầu tháng 2-2021.
“Trung Quốc nói rằng họ không có ý định tham gia đàm phán ba bên. Họ nên cân nhắc lại. Việc đạt được vị thế cường quốc đòi hỏi phải hành xử đúng với trách nhiệm của cường quốc. Không được có thêm ‘trường thành bí mật’ về vấn đề phát triển hạt nhân của họ. Đợi Trung Quốc tại Vienna!” – ông Marshall Billingslea cho biết, một ngày sau khi xác nhận đã mời Bắc Kinh tham gia đàm phán.
Khi sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh tăng lên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc giục đưa Trung Quốc vào một thỏa thuận trong tương lai thay thế hiệp ước New START có từ năm 2010 – vốn yêu cầu Mỹ và Nga chỉ được phép triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược.
Theo SCMP, Washington cho rằng năng lực hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc – đang được mở rộng và hiện đại hóa – đặt ra mối đe dọa ngày càng lớn với Mỹ và các đồng minh của Washington.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc không muốn tham gia đàm phán hạt nhân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Mỹ và Nga, với kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, có “trách nhiệm đặc biệt và ưu tiên cao trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân”.
Tháng 12 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn cáo buộc Mỹ đang tìm cách “làm chệch trách nhiệm sang các bên khác”.
Việc chính quyền ông Trump muốn Trung Quốc đàm phán hạt nhân được xem là một phần trong nỗ lực của Washington để đối phó Bắc Kinh khi căng thẳng giữa hai bên gia tăng trên nhiều mặt trận, từ thương mại và công nghệ cho tới an ninh và hệ tư tưởng.
“Đây là một chiến trường mới trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung, với việc Mỹ tìm cách đưa Trung Quốc vào một trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu về vấn đề vũ khí hạt nhân. Nhưng vì năng lực hạt nhân còn nhỏ nên Trung Quốc cần tăng năng lực” – ông Tống Trung Bình, một nhà phân tích quân sự ở Hong Kong, nhận định và cho rằng Trung Quốc sẽ từ chối tham gia đàm phán.
Trung Quốc thử thành công bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964, là một trong 5 cường quốc hạt nhân trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, chương trình hạt nhân của nước này vẫn còn là bí mật.
Theo một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu về xóa bỏ vũ khí hạt nhân của Đại học Nagasaki (Nhật Bản), kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ước tính có khoảng 320 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, con số này của Pháp là 290. Còn Nga có 6.370 và Mỹ có 5.800.