27/12/2024

Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ

Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ

Có một ‘cuộc đua’ vô hình diễn ra khắp nơi và tại Đông Nam Á nói riêng: đón làn sóng đầu tư từ các công ty Mỹ dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

 

Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ - Ảnh 1.

Công nhân tại một nhà máy của Mitsubishi ở Bekasi, tỉnh West Java, Indonesia – Ảnh: Reuters

Từ lâu doanh nghiệp và chính phủ nhiều nơi, bao gồm doanh nghiệp Mỹ, đã nhận ra bất lợi trong việc chuỗi cung ứng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 bùng phát đã bộc lộ thực tế này rõ rệt hơn. Các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các nước Đông Nam Á, đang nỗ lực đón luồng dịch chuyển.

Tất nhiên chúng tôi không còn cần các ngành công nghiệp phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Chúng tôi tìm kiếm các ngành công nghệ cao vì nó cung cấp cho lao động, đặc biệt người trẻ, cơ hội để có công việc và thu nhập tốt hơn.

Mohahem Azmin Ali (bộ trưởng Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia)

Indonesia tích cực tuyên truyền

Mới nhất, Nikkei Asian Review ngày 9-6 cho biết Indonesia đang đối thoại cùng Chính phủ Mỹ về khả năng di dời hoạt động của một số công ty Mỹ từ Trung Quốc đến Indonesia.

Bộ trưởng điều phối vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia Luhut Panjaitan khẳng định Chính phủ Indonesia đã đề nghị dành một số vị trí trong các khu công nghiệp của nước này để công ty Mỹ chuyển sang.

Bất động sản cho sản xuất này bao gồm Khu công nghiệp Kendal tại Central Java – một đặc khu kinh tế với nhiều ưu đãi thuế. Một đề cử khác của Indonesia là Khu công nghiệp Brebes, một trong 89 dự án ưu tiên quốc gia do chính Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo lựa chọn phát triển.

Ông Panjaitan cho biết khoảng 20 công ty đã “tỏ ra quan tâm” đến việc chuyển đến Indonesia. Một người phát ngôn cùng bộ nói thêm rằng ông Panjaitan đã tổ chức đối thoại cùng các giám đốc điều hành thuộc Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (IDFC), một cơ quan chính phủ, sau “cuộc đối thoại giữa ông Jokowi và ông Trump”.

Đây là diễn biến mới nhất trong một chuỗi thông tin về chuyện Indonesia tích cực đàm phán và chuẩn bị cho việc đón các công ty Mỹ. Ông Panjaitan cũng chính là người xuất hiện trong bản tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump “quyết định chuyển 27 nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia” sau cuộc điện đàm với ông Jokowi hồi tháng 4.

Đến nay, thông tin về 27 nhà máy nêu trên vẫn chưa chính thức, hầu như không xuất hiện thêm lần nào trên báo chí quốc tế. Tuy nhiên, đó cũng là một biểu hiện cho thấy Indonesia đang khá quyết tâm tuyên truyền về thiện chí mời chào các nhà đầu tư của nước này.

Malaysia, Thái Lan có thế mạnh gì?

Malaysia gần đây cũng rà soát, định hướng để đón sóng đầu tư. Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia (MITI) được biết đang nhận diện các công ty Nhật Bản tiềm năng chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang đầu tư ở Malaysia sau COVID-19. Bộ trưởng Mohahem Azmin Ali khẳng định Malaysia có thể cung cấp cơ sở hạ tầng tốt nhất, một nền chính trị vững vàng và lực lượng lao động tay nghề cao.

Theo ông Azmin, Malaysia sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, vì đây là nhóm ngành tạo ra cơ hội việc làm tốt hơn cho lao động địa phương. Hiện nay Malaysia có những chương trình ưu đãi cho đầu tư công nghệ cao để thu hút FDI, đơn cử là Khu vực thương mại tự do kỹ thuật số (DFTZ), cho phép nhà đầu tư khai thác khả năng thương mại và hậu cần xuyên biên giới.

Những ưu đãi khác như giảm thuế cũng được áp dụng cho các nhóm ngành then chốt, nhằm tận dụng trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật để thúc đẩy tăng trưởng điện tử.

Thái Lan đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế đáng kể, chủ yếu dựa vào nền kinh tế mở với ít thuế quan và ít giới hạn số lượng nhập khẩu. Ngoài ra, quốc gia này còn có hệ thống doanh nghiệp tự do, ít bị chính phủ can thiệp. Điều đó giúp Thái Lan trở thành một trung tâm sản xuất được mệnh danh là “Detroit của châu Á”. Nhưng vấn đề của người Thái lúc này là tham vọng lớn hơn: thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Chính vì vậy, trong một cuộc trao đổi trên Bangkok Post giữa tháng 5, CEO của Công ty năng lượng tái tạo Energy Absolute – ông Somphote Ahunai, khẳng định Thái Lan không còn lệ thuộc nặng nề vào FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Vì vậy, theo ông Ahunai, Thái Lan có thể xử lý bằng cách tập trung vào mô hình sản xuất công nghệ gốc (OTM), để nâng cao giá trị gia tăng và đồng lương công nhân, thay vì kiếm rất ít bằng sức lao động trong mô hình sản xuất thiết bị gốc (OEM), vốn là thế mạnh trước đây của người Thái ở một số lĩnh vực sản xuất máy móc và linh kiện điện tử.

Không cải thiện có thể vuột mất cơ hội

Trong khi Indonesia đang công khai các nỗ lực đón công ty Mỹ, Nikkei phân tích rằng nước này còn khá nhiều vấn đề cần cải thiện. Đầu tiên là lịch sử khó khăn trong việc thu hút FDI. Cụ thể FDI chỉ bằng khoảng 1,8% GDP năm 2018 của Indonesia, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Ngân hàng Thế giới năm ngoái đã tư vấn riêng với Tổng thống Widodo rằng Indonesia nếu không cải thiện có thể “bị bỏ lại”. Ngay cả khi đại dịch bùng phát trong năm 2020 đang đẩy nhanh quá trình dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Citigroup vẫn nhận định rằng Indonesia có thể vuột mất thời cơ.

“Các nền kinh tế có khả năng hưởng lợi từ việc đa dạng hóa về địa lý là những nơi có độ tương đồng với Trung Quốc về xuất khẩu cao hơn. Vì thế cũng là những nơi đã có chuỗi cung ứng sẵn. Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan và Thái Lan sẽ là những nền kinh tế hưởng lợi ở giai đoạn gần”, báo cáo mới đây của Citigroup nhận định.

NGUYÊN HẠNH – NHẬT ĐĂNG
TTO