19/11/2024

Nguy cơ Trung Quốc lắp cáp ngầm ở Hoàng Sa

Nguy cơ Trung Quốc lắp cáp ngầm ở Hoàng Sa

Khả năng Trung Quốc triển khai hệ thống cáp ngầm ở quần đảo Hoàng Sa được cho là phục vụ mục đích quân sự, tăng cường năng lực theo dõi hoạt động của tàu thuyền trong khu vực.
Tàu Tian Yi Hai Gong của Trung Quốc tại phía bắc đảo Cây ngày 4.6 /// ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH BENAR NEWS
Tàu Tian Yi Hai Gong của Trung Quốc tại phía bắc đảo Cây ngày 4.6  ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH BENAR NEWS
Trang Benar News ngày 8.6 trích ảnh chụp từ vệ tinh của Hãng Planet Labs (Mỹ) và dữ liệu từ các trang theo dõi tàu thuyền cho thấy tàu Trung Quốc có thể đang lắp đặt cáp ngầm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Hoạt động gần 2 tuần

Cụ thể, tàu hạ đặt cáp ngầm Tian Yi Hai Gong mang cờ Trung Quốc được phát hiện rời cảng Thượng Hải vào ngày 18.5 và đến ngày 28.5 xuất hiện tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ảnh vệ tinh của Planet Labs chụp ngày 4.6 cho thấy con tàu có thể đã thả cáp ngay phía bắc của đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hoạt động này lặp lại tại hai địa điểm khác gần đảo Bắc và đảo Phú Lâm cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Đến ngày 5.6, con tàu di chuyển về hướng tây nam và đi qua đảo Duy Mộng, đảo Ba Ba và bãi Xà Cừ. Tính đến ngày 8.6, con tàu vẫn hoạt động ở phía đông bắc bãi Xà Cừ. Giới chuyên gia không chắc chắn về khả năng con tàu này có đặt cáp ngầm tại 3 thực thể nói trên hay không, nhưng đường di chuyển là tương tự như lúc hoạt động tại đảo Cây, đảo Bắc và đảo Phú Lâm, theo Benar News.
Nguy cơ Trung Quốc lắp cáp ngầm ở Hoàng Sa1

Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng phi pháp trên đảo Phú Lâm  ẢNH: AMTI

Bước quân sự mới tại Biển Đông

Giới chuyên gia phân tích động thái mới nhất của Trung Quốc tại Hoàng Sa có thể nhằm phục vụ mục đích quân sự, theo Benar News. Giáo sư chuyên ngành luật hàng hải quốc tế James Kraska thuộc Đại học Hải chiến Mỹ nhận định Trung Quốc có thể đang thiết lập mạng lưới cáp ngầm nhằm phục vụ cho việc liên lạc quân sự được mã hóa giữa các căn cứ của nước này. Mặt khác, ông Kraska cho rằng Trung Quốc cũng có thể đang thiết lập hệ thống giám sát âm thanh (SOSUS) ngầm dưới biển, bao gồm các sonar thụ động nhằm theo dõi hoạt động của tàu chiến tại khu vực.
Chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận Đài Loan
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan ngày 9.6 thông báo đã triển khai chiến đấu cơ đẩy đuổi một số máy bay Su-30 của Trung Quốc đi vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan cùng ngày, theo Reuters. Trung Quốc chưa phản hồi gì về thông tin này. Cũng trong ngày 9.6, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan thông báo đã cho phép một máy bay vận tải quân sự C-40A của Mỹ bay từ căn cứ Mỹ trên đảo Okinawa (Nhật Bản) qua Đài Loan để đến khu vực Đông Nam Á.
Theo Giáo sư Kraska, việc thiết lập mạng lưới giám sát kết nối các thực thể tại Biển Đông là bằng chứng mới cho thấy Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực và tìm cách kiểm soát đa tầng, bên trên lẫn bên dưới lòng biển.
Chuyên gia tác chiến hải quân Bryan Clark thuộc Viện Hudson (Mỹ) cũng nghi ngờ tuyến cáp mới phục vụ mục đích giám sát dưới biển. Ông Clark đánh giá việc triển khai hệ thống giám sát tại khu vực sẽ là động thái quan trọng, giúp Trung Quốc kiểm soát khu vực từ đảo Phú Lâm đến đảo Hải Nam, nơi có căn cứ hải quân chiến lược Du Lâm là điểm trú đậu của các tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc. “Hệ thống sonar dưới lòng biển từ Phú Lâm đến Hải Nam sẽ giúp phát hiện tàu ngầm Mỹ tiếp cận để do thám và đảm bảo tàu ngầm Trung Quốc không bị theo dõi khi rời khỏi căn cứ”, ông Clark nói.
NATO cảnh báo sự trỗi dậy của Trung Quốc
Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến do Hội đồng Đại Tây Dương và Quỹ Marshall Đức tổ chức ngày 8.6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm xoay chuyển nền tảng cán cân quyền lực toàn cầu, tăng nhiệt cuộc đua tranh ưu thế về kinh tế – công nghệ… Theo tờ Financial Times, ông Stoltenberg khẳng định Trung Quốc không phải là kẻ thù của NATO nhưng những hành động của nước này đều đặt ra hệ lụy an ninh cho NATO. Ông Stoltenberg cho rằng NATO cần áp dụng cách tiếp cận rộng mở hơn về an ninh thay vì chỉ tập trung vào châu Âu và Bắc Mỹ. Ông nhấn mạnh NATO sắp tới sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nước như Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Úc… để bảo vệ thể chế toàn cầu và đặt quy chuẩn cho các lĩnh vực mới, cùng nhau đứng lên vì một thế giới được xây dựng trên nền tảng tự do và dân chủ, “không phải bằng sự bắt nạt và cưỡng ép”.
BẢO VINH
TNO