25/12/2024

“Từ điển chính tả” sai chính tả: Chủ biên sách nói đó là mục đích biên soạn (?!)

PGS-TS Hà Quang Năng, chủ biên cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” sai lỗi chính tả, nói không coi những cái đó là sai.

“Từ điển chính tả” sai chính tả: Chủ biên sách nói đó là mục đích biên soạn (?!)

PGS-TS Hà Quang Năng, chủ biên cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” sai lỗi chính tả, nói không coi những cái đó là sai

Phóng viên: Cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt”, do ông đứng tên chủ biên (NXB ĐHQG Hà Nội ấn hành), bị chỉ ra rất nhiều lỗi sai chính tả. Với tư cách là một chuyên gia về ngôn ngữ và là chủ biên cuốn sách, ông phản hồi thế nào?

– PGS-TS HÀ QUANG NĂNG: Muốn phán xét phải hiểu nguyên tắc, mục đích biên soạn của chúng tôi. Tôi không coi những cái đó là sai, vì ngay mục đích, nguyên tắc khi biên soạn cuốn sách tôi đã ghi rõ là chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng. Tôi đã tuyên bố rõ trong lời giới thiệu.

Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về chính tả tiếng Việt, chỉ ra 7 tồn tại của chính tả tiếng Việt, trong đó tồn tại thứ bảy là rất nhiều trường hợp có nhiều cách viết khác nhau mà không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt đối vì không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia. Nhà nước chưa có một văn bản nào ở cấp nhà nước về chuẩn chính tả mà chỉ những văn bản của các cơ quan cụ thể như NXB Giáo dục, NXB Từ điển Bách khoa, Văn phòng Chính phủ và mới nhất là quy định về chính tả của Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam. Ví dụ “xét sử”, viết S là nằm ở trong mục S, được hiểu là xem xét lại lịch sử. Ở mục X, tôi vẫn có “xét xử” với nghĩa là xử án. Có nhiều trường hợp viết tắt, như Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, người ta gọi tắt Liên Xô được. Trung Hoa cộng hòa nhân dân quốc đọc là Trung Quốc, tài sản công là công sản, bảo hiểm Việt Nam là Bảo Việt…

Từ điển chính tả sai chính tả: Chủ biên sách nói đó là mục đích biên soạn (?!) - Ảnh 1.

PGS-TS Hà Quang Năng – chủ biên cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” – trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động chiều 8-6 – Ảnh: YẾN ANH

Những tư liệu này chúng tôi lấy dựa trên ngân hàng dữ liệu của Viện Từ điển, không phải tôi bịa ra. Giai đoạn từ năm 1986 đến nay có rất nhiều từ ngữ mới có thể rất xa lạ với người đọc. Mục đích của tôi là chỉ cung cấp những từ ngữ ấy để mọi người đọc, hiểu và giúp cho những người biên soạn từ điển dựa vào đó để xây dựng bảng từ. Nếu mà từ điển cỡ nhỏ 30.000 mục từ thì họ sẽ lấy những từ nào, cỡ trung 40.000 mục từ hay cỡ lớn 65.000 mục từ thì họ sẽ lấy những mục từ nào trong đó.

Tôi ví dụ, có ý kiến cho rằng tiếng Việt chỉ có con “trai”, nhưng thực tế tiếng Việt có từ chỉ con cá chai, một loại cá giống cá thờn bơn nhưng méo một miệng, thế nên có câu “thờn bơn méo miệng chê chai lệch mồm”. Từ “quốc”, không nhất thiết phải viết là “q”, không có quyển từ điển nào viết con chim quốc mà chỉ có trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan.

Chính tả tiếng Việt rất phức tạp nên nhiều độc giả chưa chắc đã rõ thể lệ biên soạn. Một số hiện tượng chính tả có nhiều biến thể khác nhau mà không thể coi biến thể này là chuẩn hay biến thể kia là chuẩn. Mục đích cuốn từ điển này không phải là giải nghĩa từ này là gì mà tôi làm chính tả và đưa ra bức tranh toàn cảnh về các từ ngữ tiếng Việt xuất hiện hiện nay.

Vậy PGS đã mất bao nhiêu lâu để biên soạn cuốn từ điển này?

– Năm 2006, khi còn ở Viện Ngôn ngữ học, tôi đã ấp ủ việc làm một cuốn từ điển cỡ lớn. Năm 2008, khi thành lập Viện Từ điển, tôi phụ trách Phòng Từ điển chuyên ngành và từ điển thuật ngữ nên không có nhiều thời gian. Sau đó, rảnh hơn một chút, tôi bàn với tác giả Quế Hương khi cuốn từ điển đã khởi thảo được một ít rồi chúng tôi làm tiếp. Chúng tôi tìm kiếm, bổ sung thêm ngữ liệu ở nhiều công trình nghiên cứu khác, đến năm 2017 cuốn sách mới xong.

Cuốn sách đứng tên đồng tác giả, ông có thể cho biết công việc của mỗi người như thế nào?

– Nguyên tắc là chúng tôi làm cùng nhau. Mục đích, lời giới thiệu là tôi viết. Chọn từ thì tôi yêu cầu Quế Hương làm, cô ấy là nhân vật chính. Trong quá trình viết sách, do có tới mấy chục vạn mục từ, cũng không phải đơn giản nên không thể nào đúng được 100%. Có thể có những sai sót.

Nhưng từ điển chính là chuẩn mực…

– Đúng ra, hạn chế tối đa sai sót là tốt nhất. Sai sót xảy ra do quá trình biên soạn nhiều, Quế Hương làm là chính, sau đó tôi soát lại. Có thể có lỗi. Tôi tiếp thu các ý kiến góp ý chứ không phải khăng khăng mọi thứ mình đều đúng. Cái gì mình đúng thì nói đúng, cái gì sai thì tôi nhận sai.

Sau này nếu có tái bản, chúng tôi sẽ bổ sung sửa chữa.

Lỗi sai nghiêm trọng, đáng tiếc

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 8-6, một lãnh đạo Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng sai sót của cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của hai tác giả Hà Quang Năng và Hà Thị Quế Hương là “đáng tiếc”. Chuyên gia này khẳng định bất kỳ công trình nào cũng khó tránh khỏi sai sót, nhưng từ điển thì phải được thực hiện nghiêm túc vì đây được coi là “khuôn vàng thước ngọc”.

“Có những lỗi có thể thể tất, coi nó là biến thể. Nhưng có những biến thể không thể cho là đúng được vì nó là lỗi rất đáng tiếc, lỗi nghiêm trọng. Đã là dân ngôn ngữ thì không thể để những lỗi sai như thế được” – chuyên gia về ngôn ngữ nhận xét.

Yến Anh thực hiện