19/11/2024

Nhiều trường cao đẳng sư phạm sẽ… ‘mất tên’

Nhiều trường cao đẳng sư phạm sẽ… ‘mất tên’

Bắt đầu từ ngày 1.7, luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, các trường CĐ sư phạm chỉ còn chức năng đào tạo ngành giáo dục mầm non. Trước thực tế này, có trường ‘mất tên’, có trường ngưng tuyển sinh để đợi chuyển đổi…
Bắt đầu từ năm 2020, các trường CĐ sư phạm chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non /// BÍCH THANH
Bắt đầu từ năm 2020, các trường CĐ sư phạm chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non  BÍCH THANH

Sáp nhập, tuyển thêm các ngành giáo dục nghề nghiệp

Luật Giáo dục 2019 ban hành quy định trình độ chuẩn của nhà giáo được nâng lên, các trường CĐ sư phạm không còn có chức năng đào tạo giáo viên tiểu học và THCS như trước.
Quy định này khiến 29 trường CĐ sư phạm trực thuộc UBND tỉnh, thành rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” và sẽ khó có thể tồn tại nếu chỉ đào tạo duy nhất một ngành giáo dục mầm non. Vì thế, việc chuyển đổi hoặc thay đổi mục tiêu sớm hay muộn cũng phải diễn ra.
Đầu năm 2020, Trường CĐ Sư phạm Bình Phước đã được sáp nhập vào Trường CĐ Y tế và Trường CĐ Nghề Bình Phước để cùng có tên gọi mới là Trường CĐ Bình Phước. Trường hiện có chức năng đào tạo các bậc học CĐ, trung cấp và sơ cấp; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật – công nghệ hợp tác, liên kết để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng hiện cũng đã được sáp nhập vào Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng, cùng với các trường CĐ nghề, trung cấp văn hóa nghệ thuật, trung cấp y tế. Năm nay, Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng tuyển sinh 300 chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non như năm 2019.
Trong khi đó, Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận dự kiến sẽ được sáp nhập vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. PGS-TS Phạm Văn Hiền, thành viên Hội đồng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin: “Trường và UBND tỉnh Ninh Thuận đã thông qua đề án sáp nhập và trình Bộ GD-ĐT. Nếu được phê duyệt, Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận sẽ trở thành khoa sư phạm của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM”.
Trường ĐH Cần Thơ cũng đã làm đề án tiếp nhận Trường CĐ Sư phạm Long An trở thành cơ sở của mình. Theo đề án, cơ sở Long An sẽ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đa ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng và tay nghề cao để vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, chia sẻ: “Năm 2020, trường sẽ tạm thời không tuyển sinh mà chỉ tiếp tục đào tạo hoàn thiện các khóa trước đó. UBND tỉnh đang sắp xếp, cơ cấu lại để trường sẽ trở thành một đơn vị mới”.
Còn theo lãnh đạo Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt, trước đây trường  có tuyển một số ngành ngoài sư phạm nhưng đã ngưng một thời gian để tập trung đào tạo các ngành sư phạm. Đến nay trường lại tiếp tục tuyển trở lại để phù hợp với tình hình mới, vị lãnh đạo này cũng cho biết: “Trường còn đào tạo các lớp bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và liên kết với các trường ĐH để đào tạo hệ vừa làm vừa học, liên thông…”.

Tăng ào ạt chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non

Có một thực tế là sau khi bị “tước” hết các ngành đào tạo giáo viên tiểu học và THCS, trong đề án tuyển sinh năm nay, các trường CĐ sư phạm đều tăng chỉ tiêu cho ngành giáo dục mầm non.
Chẳng hạn, tại Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đề án gửi Bộ GD-ĐT trường dự kiến tuyển 500 chỉ tiêu (250 theo phương thức xét điểm thi THPT và 250 theo phương thức khác). Trước đó, năm 2018 chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non là 85, năm 2019 là 205. Như vậy, năm 2020 số chỉ tiêu dự kiến tăng lên gấp 2.
Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh năm 2019 tuyển 46 chỉ tiêu giáo viên mầm non bậc CĐ và 20 chỉ tiêu bậc trung cấp, năm nay tăng lên thành 150.
Trường CĐ Sư phạm trung ương Nha Trang năm nay dự kiến tuyển 700 chỉ tiêu trong khi năm 2019 là 400 chỉ tiêu.
Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt tăng gấp 7 lần khi năm 2019 chỉ 70 chỉ tiêu mà năm nay dự kiến tuyển tới 500.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, một lãnh đạo Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt nhìn nhận: “Đúng là sau khi các trường CĐ sư phạm chỉ còn tuyển sinh duy nhất ngành giáo dục mầm non thì hầu hết đều tăng chỉ tiêu rất nhiều cho ngành này. Lý do là vì Bộ GD-ĐT hướng dẫn các trường tự tính chỉ tiêu dựa vào điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất. Khi số lượng giáo viên và cơ sở vật chất vẫn vậy mà chỉ còn một ngành đào tạo thì tất nhiên chỉ tiêu phải được nhiều hơn. Chúng tôi chỉ xác định tuyển khoảng 500 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đến thời điểm này các trường còn đang đợi Bộ GD-ĐT duyệt đề án tuyển sinh”.
Như vậy, với cách tính chỉ tiêu như hiện tại mà không căn cứ thêm vào tiêu chí về nhu cầu của người học cũng như nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non tại các địa phương, rất có thể sẽ có 2 nguy cơ xảy ra là tuyển không đủ chỉ tiêu hoặc nếu tuyển đủ chỉ tiêu thì cung sẽ vượt cầu.
Tuyển sinh CĐ mầm non căn cứ vào năng lực đào tạo của các trường
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, riêng với chỉ tiêu đào tạo ngành giáo viên, Bộ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là nhu cầu của các địa phương, do UBND tỉnh, TP đề nghị, sau đó phân bổ đến từng ngành theo trình độ đào tạo của các trường. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng xem xét, đó là năng lực của cơ sở đào tạo. Vì thế, dẫu địa phương có nhu cầu đột biến một ngành nào đó, nhưng Bộ GD-ĐT chỉ chấp nhận số lượng trong khả năng của cơ sở đào tạo có thể thực hiện.
Quý Hiên
MỸ QUYÊN
TNO