Người gốc Á tại Mỹ phản kháng nạn kỳ thị
Người gốc Á tại Mỹ phản kháng nạn kỳ thị
Cộng đồng người gốc Á ở nhiều nơi tại Mỹ đã lập các nhóm bảo vệ nhằm phản kháng những hành động kỳ thị, phân biệt chủng tộc nhằm vào họ.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái, những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á đã xuất hiện tại các thành phố lớn của Mỹ. Kẻ tấn công thường nhắc đến Covid-19 hay gọi nạn nhân là “vi rút Corona”. Chẳng hạn, chủ nhà hàng Việt ở thành phố Houston (bang Texas) bị một phụ nữ buông lời lẽ đầy miệt thị. Kể trên Đài ABC13, bà Sammi, chủ nhà hàng Vietopia, cho hay vào ngày 8.4, bà chứng kiến cảnh một phụ nữ đang la hét với chồng mình và các nhân viên. Bà Sammi lấy điện thoại quay lại sự việc thì người phụ nữ trên lập tức hướng về phía bà và quát tháo: “Biến khỏi đất nước của tôi. Các người mau biến khỏi nước Mỹ. Đồ xấu xa!”. “Họ nói bất cứ điều gì họ muốn và điều đó làm tôi cảm thấy rất buồn. Họ ghét chúng tôi, trong khi chúng tôi làm việc cật lực suốt cả ngày”, bà Sammi kể lại.
Vụ việc trên không phải hiếm ở Mỹ sau đợt bùng phát Covid-19. Nhiều người gốc Hoa cũng trở thành nạn nhân của sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc. Theo báo cáo của tổ chức “Ngăn chặn sự thù hận với người gốc Á” ở thành phố Los Angeles (bang California), từ giữa tháng 3 đến nay, đã có hơn 1.800 vụ kỳ thị, phân biệt chủng tộc liên quan đến Covid-19 trên khắp nước Mỹ.
Trước tình hình đó, cộng đồng gốc Á tại Mỹ đã đứng lên phản kháng, thông qua việc lập các tổ chức bảo vệ cộng đồng. Vào ngày 19.3, liên minh các tổ chức bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng Mỹ gốc Á tại bang California đã mở website để mọi người báo cáo về những hành động tấn công phân biệt chủng tộc và thù địch vì Covid-19. Ở khu phố người Hoa (Chinatown) tại thành phố San Francisco (bang California), tình nguyện viên nhóm United Peace Corps thường xuyên đi tuần khắp các con phố nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn các vụ tấn công, kỳ thị người gốc Á. Bà Leanna Louie, người sáng lập United Peace Corps cho hay trong vòng 8 tuần, nhóm của bà đã trình báo cho nhà chức trách 24 vụ miệt thị người gốc Á. “Thật đáng buồn khi nghe thấy những chuyện xảy ra ở các cửa hàng, hôi của, đánh người, miệt thị, chửi bới, gây sự, tất cả đều nhằm vào người gốc Á, nhất là ở khu phố người Hoa. Các hành vi này xảy ra khá thường xuyên và đều được máy quay ghi lại. Tình trạng này cần phải được ngăn chặn”, bà Louie nói với Reuters.
Gần đây, nhiều cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc hoặc phong trào gắn từ khóa như #HATEISAVIRUS (thù hằn chính là vi rút) trên mạng xã hội đã trở thành công cụ chính của cộng đồng gốc Á để phản kháng các hành vi kỳ thị ở Mỹ. “Phân biệt chủng tộc là sai và sẽ không bao giờ được chấp nhận hay dung túng… Điều chúng tôi đang nỗ lực là khai thác sức mạnh của mạng xã hội và các nhóm tuần tra để thay đổi nạn kỳ thị”, ông Adam Manhbaobua, người sáng lập nhóm “Ngăn chặn kỳ thị người Mỹ gốc Á” trên Facebook cho hay.
Trả lời Thanh Niên, một người Việt sống tại thành phố Gardena (hạt Los Angeles, bang California) cho biết cộng đồng Việt ở đây ít bị kỳ thị liên quan tới Covid-19 do người Việt thể hiện tốt nỗ lực phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang ở nơi đông người, tổ chức may, quyên góp khẩu trang, tặng thực phẩm cho cộng đồng… Người Việt ở đây cũng ít bị lầm tưởng là người gốc Hoa do sống ở các khu riêng. Cũng theo người này, đa số các cộng đồng ở đây đều lập nhóm hoặc phong trào bảo vệ cộng đồng mình trước nạn kỳ thị liên quan tới Covid-19.
HUỲNH THIỀM
TNO