Cước hàng không làm khó… trái cây
Cước hàng không làm khó… trái cây
Xuất khẩu trái cây tươi vào các thị trường khó tính đang gặp khó do giá cước đường hàng không tăng gấp 2-4 lần so với trước, chưa kể phải “sắp hàng chờ đến lượt” do thiếu máy bay vận chuyển hàng hoá.
Một vốn, bốn cước
Hơn 2 tháng qua, việc xuất khẩu của Công ty Toàn cầu trái cây tươi (Châu Thành, Bến Tre) giảm hơn 50% dù nhiều khách hàng vẫn có nhu cầu mua trái cây tươi cao cấp từ VN. Ông Phùng Văn Hiền – giám đốc công ty – cho biết ngoài lý do nguồn trái cây giảm mạnh vì ảnh hưởng bởi hạn mặn, cước phí hàng không tăng đột biến cũng khiến hoạt động xuất khẩu của công ty bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo ông Hiền, trái cây tươi xuất khẩu là hàng cao cấp nên phải vận chuyển qua đường hàng không mới đảm bảo chất lượng. Nhưng giá cước mà các đơn vị logistics báo về tăng liên tiếp gấp 2-3, thậm chí gấp 4 lần so với cuối năm 2019. “Giá cước đi Trung Đông đã tăng từ 1,5 – 1,8 USD/kg lên 6 USD/kg nên không có khách nào mua hàng. Cước vận chuyển đi các thị trường khó tính như Mỹ, Úc cũng tăng tương tự khiến việc xuất khẩu rất khó khăn” – ông Hiền nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng – tổng giám đốc Công ty Vina T&T, đơn vị xuất khẩu trái cây lớn nhất sang thị trường Mỹ – cũng cho rằng giá mua trái cây 1 đồng nhưng giá cước vận chuyển lên đến 4 đồng đang làm khó các doanh nghiệp.
“Cước vận chuyển trái cây sang Mỹ bình thường khoảng 3,2 USD/kg, hiện đã tăng lên 4,6 – 5,4 USD/kg, trong khi giá tiền hàng còn chưa tới 1 USD/kg khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó dù không thiếu thị trường” – ông Tùng cho hay.
Chưa hết, theo ông Tùng, việc giao hàng cho khách cũng gặp không ít khó khăn do thiếu… máy bay vận chuyển, dù nhiều hãng bay chuyển sang vận chuyển hàng hóa trong thời gian tạm ngừng vận chuyển hành khách trên các tuyến bay quốc tế vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây cũng là lý do các hãng vận chuyển đẩy giá lên cao.
“Do công ty tôi làm ăn với các hãng vận chuyển quanh năm và nhiều năm qua rồi nên còn được ưu tiên, hàng hóa của nhiều đơn vị khác rất khó được vận chuyển” – ông Tùng nói.
Chuyển sang đường biển
Theo Hiệp hội Trái cây VN (Vinafruits), dịch bệnh và khó khăn trong vận chuyển đã tác động rất lớn đến xuất khẩu trái cây VN sang các thị trường khó tính. Trước đây mỗi tuần từ VN qua Mỹ, Úc có gần 30 chuyến bay thì nay còn chưa tới 10 chuyến nên hàng hóa bị ách tắc.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước chứ không riêng gì VN. Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy xuất khẩu trái cây nói chung của VN trong 5 tháng đầu năm nay đạt 1,15 tỉ USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Để thích ứng với tác động của dịch bệnh và giá cước, các công ty đã phải xoay sang xuất khẩu bằng đường biển hoặc chuyển hướng kinh doanh. Theo ông Tùng, trong khi xuất khẩu bằng đường hàng không giảm mạnh, doanh nghiệp này phải đẩy mạnh xuất khẩu bằng đường biển để duy trì doanh số xuất khẩu. Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng hàng hóa đi bằng đường biển của công ty vẫn duy trì tốt, trong đó dừa trái, sau thời gian giảm, nay doanh số đã hồi phục tới 70-80%.
“Tuy nhiên, đi đường biển chỉ thích hợp với một số loại trái cây như dừa, sầu riêng, thanh long. Trong khi những trái cây cần bán tươi như chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa… thì khó. Do đó, công ty cũng phải chuyển đổi cơ cấu trái cây xuất khẩu, thậm chí mở rộng thêm mặt hàng xuất khẩu sang các nông sản khác ngoài trái cây” – ông Tùng cho hay.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi tại ĐBSCL cho biết đang lên kế hoạch chuyển đổi cơ cấu trồng trọt từ chôm chôm, nhãn, sầu riêng… sang cây dừa có sự thích ứng tốt hơn với hạn mặn, đồng thời tính toán chuyển hướng sang xuất khẩu trái cây bằng đường biển.
“Trái dừa VN đang xuất khẩu rất tốt đi các nước và đi bằng đường biển, nên đây là hướng phát triển chính của chúng tôi trong những năm tới để đảm bảo xuất khẩu cũng như ít chịu tác động của cước hàng không” – một doanh nghiệp cho biết.
Xuất khẩu tỏi Lý Sơn qua Mỹ
Ngày 5-6, lô tỏi Lý Sơn đầu tiên của Công ty Vina T&T sẽ được xuất khẩu sang Mỹ. Toàn bộ số tỏi trên được lấy từ vùng tỏi Lý Sơn, bóc vỏ và cấp đông sau đó vận chuyển bằng đường biển.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng – tổng giám đốc Công ty Vina T&T, bên cạnh trái cây, công ty này cũng đang phát triển thị trường nhằm xuất khẩu thêm các mặt hàng nông sản khác của VN như các loại gia vị, tỏi, gừng…
Đặc cách cho chuyên gia Nhật
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết dự kiến các chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt tại VN để trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản.
Trước đó ngày 28-5, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 – đề nghị xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt: không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn khi sang VN như quy định, với lý do nhằm đảm bảo tính thời vụ, thời gian và khối lượng vải thiều xuất khẩu không bị ảnh hưởng lớn (thời gian thu hoạch vải dự kiến chỉ kéo dài 1 tháng – trong tháng 6-2020).
Bộ NN&PTNT cho biết sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Hải Dương, Sở Y tế và Sở NN&PTNT của 2 địa phương này để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trong thời gian chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc tại 2 địa phương này theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo.
Theo quy định của Bộ Nông – lâm – ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang VN để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải thiều xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép đưa đi xuất khẩu.
Trong suốt 4 năm qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với MAFF làm thí nghiệm, thảo luận kỹ thuật và đàm phán điều kiện nhập khẩu về kiểm dịch thực vật. Đến ngày 15-12-2019, MAFF đã đồng ý điều kiện nhập khẩu vải thiều tươi từ VN.
TR. MẠNH
Hỗ trợ thương nhân Trung Quốc
Vải thiều sớm Lục Ngạn (Bắc Giang) có giá khá cao và ổn định, dao động từ 22.000 – 35.000 đồng/kg – Ảnh: N.TRẦN
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-6, ông Nguyễn Tiến Cơi – giám đốc Sở Tài chính Bắc Giang – cho biết cơ quan này cùng huyện Lục Ngạn đã gửi đề xuất lên UBND tỉnh Bắc Giang về việc hỗ trợ miễn phí chi phí xét nghiệm, các phí liên quan đến công tác phòng chống dịch, hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/ngày/người trong 14 ngày cách ly cho thương nhân Trung Quốc sang mua vải thiều. “Quan điểm, tinh thần chung của lãnh đạo tỉnh là đồng ý với đề xuất này. Chúng tôi đang chờ văn bản trả lời chính thức của tỉnh” – ông Cơi cho biết.
Ông La Văn Nam – chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn – cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu mùa vải chỉ có 15 thương nhân Trung Quốc mua vải thiều, nhưng việc tiêu thụ vải thiều vẫn diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các thương nhân nước ngoài đến mua vải thiều xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị và Thủ tướng đã cho phép hơn 300 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào VN đến địa phương khảo sát, đàm phán, mua vải thiều.
“Hôm nay (3-6), các thương nhân Trung Quốc bắt đầu làm thủ tục nhập cảnh vào VN. Chúng tôi sẽ đón họ ngay từ khi qua cửa khẩu sang VN, sử dụng xe chuyên dụng có nhân viên y tế đón thương nhân Trung Quốc về cách ly tập trung 14 ngày ở các cơ sở lưu trú tại Lục Ngạn” – ông Nam nói.
Theo đó, các thương nhân này sẽ được bố trí cách ly ở 10 khách sạn, nhà nghỉ tại thị trấn Chũ và xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn), trước khi sắp xếp dần sang các xã lân cận, xa nhất là một số nhà nghỉ ở xã Tân Sơn. Tại mỗi cơ sở cách ly, huyện bố trí công an, nhân viên y tế trong suốt 14 ngày liên tục để đảm bảo phòng chống dịch.
Theo ghi nhận, ngày 3-6, vải thiều sớm có giá khá cao và ổn định, dao động từ 22.000 – 35.000 đồng/kg, trong đó vải u hồng giá 22.000 – 28.000 đồng/kg, vải u trứng giá 25.000 – 35.000 đồng/kg.
CHÍ TUỆ