Cơ bản cung ứng đủ điện nhưng ‘lo ngại tình huống cực đoan’
Cơ bản cung ứng đủ điện nhưng ‘lo ngại tình huống cực đoan’
Đó là khẳng định của đại diện Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại buổi tọa đàm có chủ đề ‘Nhu cầu điện năm 2020: Cung có đủ cầu?’ do báo Tuổi Trẻ chủ trì tổ chức chiều 29-5.
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Tuệ Quang – phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương – cho biết năm 2020, do dịch bệnh COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, phụ tải hệ thống điện quốc gia giảm đáng kể.
Tuy nhiên, điện sinh hoạt tăng cao vào những ngày nắng nóng 40 độ, thậm chí 42 độ C, gây áp lực cho ngành điện trong việc cung cấp điện.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các đơn vị trong mọi tình huống đều phải huy động tối đa các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, kể cả các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện chạy dầu để đảm bảo cung ứng điện đủ điện trong năm 2020 cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.”
Ông Trần Tuệ Quang – phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương
Thủy điện khô hạn, còn nguồn khí thì suy giảm
Ông Quang cho hay cuối tháng 5, dự kiến toàn bộ hệ thống phụ tải điện quốc gia đạt 250,9 tỉ kWh, tăng 4,55% so với năm 2019.
Về khả năng cung ứng điện năm 2020, ông Võ Quang Lâm – phó tổng giám đốc EVN – cho biết dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng nhu cầu điện sinh hoạt vẫn tăng rất cao.
Điển hình là hôm 21-5, ngày đầu tiên nắng nóng ở miền Bắc, công suất cực đại của các tỉnh phía Bắc tăng rất cao. Đặc biệt hơn, công suất cực đại rơi vào 22h đêm, lúc đó nhiệt độ ngoài trời 39 độ.
“Đây là thử thách rất lớn cho vận hành hệ thống điện trước diễn biến rất cực đoan của thời tiết là khô hạn kéo dài và rất khốc liệt trên cả 3 miền” – ông Lâm cho hay.
Ông Vũ Xuân Khu, phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (EVN), nhận định thời tiết ở miền Bắc mùa hè rất cực đoan, hôm nay 32 độ nhưng hôm sau có thể lên 39 – 40 độ, thậm chí 42 độ, nên nhu cầu phụ tải điện đội lên rất cao.
Như ngày 21-5, sản lượng điện của toàn hệ thống đã đạt đến 798,6 triệu kWh/ngày, cao hơn ngày cao nhất của năm 2019. EVN đánh giá đây là những ngày “cực đoan” nên phải xây dựng những kịch bản để sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu điện tăng vọt.
Ông Khu cũng chia sẻ thêm thách thức đối với EVN trong việc đảm bảo cung ứng điện cho năm nay là không có nguồn điện dự phòng, ảnh hưởng lớn đến cung cấp điện của EVN.
Trong khi nguồn thủy điện suy giảm mạnh do thời tiết khô hạn, nguồn khí cũng có dấu hiệu gặp khó khăn, đặc biệt là khí Đông Nam Bộ, chỉ còn 16,5 triệu m3 ngày, trong khi đầu năm 2019 là khoảng 20 triệu m3/ngày.
Huy động mọi nguồn để đáp ứng đủ điện
Theo ông Quang, tình trạng mất cân đối cung cầu điện trong năm 2020 có thể xảy ra nếu những tình huống cực đoan hơn tiếp tục xuất hiện như thủy văn tiếp tục bất lợi trong các tháng mùa mưa sắp đến, sự cố các nhà máy điện lớn trong hệ thống, rủi ro thiếu nhiên liệu sơ cấp (than, dầu, khí) và phụ tải tăng cao đột biến.
Nhận thấy được các khó khăn, thách thức có thể gây nguy cơ mất cân đối cung cầu điện, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho năm 2020..
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, nhất là khi có diễn biến nhu cầu bất thường hay sự cố lớn của các nhà máy điện… , trong những tháng còn lại của năm nay, ngoài việc huy động các nguồn điện gồm năng lượng tái tạo, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, ngành điện cũng tính đến các nguồn điện chạy dầu có giá thành sản xuất cao.
Mặt khác, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho hay Bộ Công thương cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp than, khí, đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu cho phát điện…
Đặc biệt, Bộ Công thương chỉ đạo EVN đẩy nhanh các tiến độ đưa các công trình nguồn và lưới điện mới, giải tỏa công suất dự án nguồn điện và lưới điện, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo ở khu vực Nam Trung Bộ và miền Nam.
Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than chủ động chuẩn bị nguồn nhiên liệu bao gồm cả phương án sử dụng than trộn, đảm bảo khả dụng cao nhất các tổ máy để phục vụ phát điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02/12/2019.
Về phía EVN, ông Vũ Xuân Khu cho biết tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý vận hành, bố trí lịch sửa chữa, bảo dưỡng hợp lý, chuẩn bị các phương án, lực lượng sửa chữa để sẵn sàng xử lý nhanh khi sự cố xảy ra…
“Do ảnh hưởng đại dịch, nhu cầu phụ tải điện rất khó dự báo. Tuy nhiên, EVN nỗ lực để đảm bảo cung ứng đủ điện trong mọi tình huống, phục vụ nền kinh tế và nhu cầu sinh hoạt của người dân” – ông Khu khẳng định.
TP.HCM và Đà Nẵng có hơn 8.000MW điện mặt trời mái nhà
Ông Võ Quang Lâm – Phó tổng giám đốc EVN – khẳng định điện mặt trời áp mái mới là con đường đi tiếp của nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Dẫn số liệu nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, ông Lâm cho biết các tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam có tiềm năng về điện mặt trời. “Chúng tôi rất kỳ vọng trong thời gian sắp tới, điện mặt trời áp mái sẽ phát triển.
Đặc biệt như TP.HCM, Ngân hàng thế giới đã nghiên cứu có khoảng 7.000MW điện mặt trời mái nhà, còn ở Đà Nẵng có thể có 1.100MW. Như vậy, chỉ với hai thành phố TP.HCM và Đà Nẵng đã có hơn 8.000MW điện mặt trời mái nhà” – ông Lâm cho hay.
Chia sẻ về thị trường điện mặt trời áp mái, ông Lâm cho biết giai đoạn từ 1-7-2019 đến ngày 26-5-2020, theo tổng kết của EVN, đã có thêm 21.254 dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 449 MW.