26/12/2024

Khi người trẻ tìm cách diễn đạt bằng… tiếng Việt

Trong một số buổi toạ đàm hay nói chuyện hằng ngày, không ít lần xảy ra tình huống nhiều người trẻ sinh ra và lớn lên ở VN bối rối hỏi: ‘Từ này tiếng Việt nói thế nào nhỉ?’, sau khi vừa trình bày từ muốn nói bằng tiếng Anh mà đôi khi đó là những từ không phức tạp.

 

Khi người trẻ tìm cách diễn đạt bằng… tiếng Việt

Trong một số buổi toạ đàm hay nói chuyện hằng ngày, không ít lần xảy ra tình huống nhiều người trẻ sinh ra và lớn lên ở VN bối rối hỏi: ‘Từ này tiếng Việt nói thế nào nhỉ?’, sau khi vừa trình bày từ muốn nói bằng tiếng Anh mà đôi khi đó là những từ không phức tạp.
 

 

Người trẻ có xu hướng sử dụng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt trong giao tiếp /// Ảnh: Thái Nguyên

Người trẻ có xu hướng sử dụng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt trong giao tiếp  ẢNH: THÁI NGUYÊN

 
Nhiều bạn trẻ hiện nay, có thể đi du học vài năm hoặc làm việc, học tập trong môi trường nhiều người nước ngoài đang có xu hướng này. Lý do các bạn đưa ra là “mình nói tiếng Anh quen rồi”.
 
Không phản xạ kịp tiếng Việt
P.K.L (26 tuổi, cựu du học sinh tại Anh) là một trong những diễn giả trong buổi toạ đàm nói về sự năng động của giới trẻ hiện nay. Dẫn chứng minh họa về một tính từ để diễn tả cho thế hệ Y, L nhắc đến từ “unofficial” mà không biết diễn đạt thế nào sang tiếng Việt.


Cũng là một du học sinh trở về nước, anh L.Đ.H (cựu du học sinh Trường ĐH California, Los Angeles UCLA) thẳng thắn thừa nhận: “Trường hợp này nhiều lắm. Như các từ chuyên môn, hoặc những từ mà nghĩa của nó bao trùm nhiều hơn từ tương đương trong tiếng Việt hoặc các từ viết tắt. Ví dụ, mình luôn dặn học trò khi bắt đầu làm một việc gì đó thì “start with a clean mindset”, tức là luôn cố gắng tránh những định kiến, những suy nghĩ kiểu cũ nhưng dịch ra là “bắt đầu với một cái đầu sạch” thì không ổn, hay ngay cả chữ “mindset” cũng rất khó dịch”.

 
Anh H. cũng chỉ ra có những trường hợp quên tạm thời: “Quên tạm thời nhưng cũng không hẳn do “quên”, vì tụi mình đi nước ngoài cũng sau 18 tuổi. Nhưng chủ yếu là thói quen phản xạ hoặc trong một khoảng thời gian ngay tức thì, không nghĩ ra được từ tiếng Việt tốt nhất để diễn đạt ý mình muốn nói”.
 
Những trường hợp này còn có thể hiểu được vì do từ chuyên môn hoặc trong những ngữ cảnh cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp dùng tiếng Anh thay cho tiếng Việt vô tội vạ. Anh H. cũng khẳng định hầu hết các công ty anh đã làm thì 100% bạn trẻ đều dùng lẫn lộn giữa tiếng Anh và tiếng Việt.
 
T.T.T.V, cựu SV Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM, chia sẻ: “Như kiểu những từ cho dù có thể dịch được ra tiếng Việt như “sure – chắc chắn”, “strategy – chiến lược”, “discuss – bàn luận”… nhưng do dùng thường xuyên và thành thói quen nên đến lúc cần chuyển qua tiếng Việt thì phải chờ một lúc mới nhớ ra, vì tức thời lúc đó không nhớ ra được. Nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp thì “nửa Tây nửa ta” quen rồi nên đến lúc về nói chuyện với ba mẹ, em phải ráng nghĩ từ đó ra tiếng Việt để nói”!
 
Tiếng mẹ đẻ sẽ bị mai một!
Nhìn nhận về vấn đề này, GS-TS – nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân cho rằng giới trẻ thích thể hiện mình, biết được một chút ngoại ngữ nào đấy là nói thêm tiếng Tây vào để thể hiện có học vấn, có trình độ. Và đây cũng là kết quả của quá trình cố học ngoại ngữ, dành tất cả cho ngoại ngữ nên dẫn đến việc tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt.
 
Cũng theo GS-TS Nguyễn Đức Dân, vì những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục, những thầy cô trực tiếp giảng dạy không chú ý đến chuyện uốn nắn nên dẫn đến việc tiếng Anh bị lạm dụng trong giao tiếp hằng ngày.
 
“Trong thời buổi hội nhập, học được tiếng Anh thì rất tốt, tất nhiên cũng có những trường hợp khoa học phát triển đến mức mà nhiều khái niệm chỉ có ở nước ngoài và trong tiếng Việt lại không có, trong trường hợp như thế thì chấp nhận dùng thuật ngữ bằng tiếng Anh. Còn nếu cố tỏ ra mình biết tiếng Anh, lẽ ra nói tiếng Việt được một cách bình thường thì lại không chịu nói, đây là trường hợp nên phê phán”, GS Dân nói.
 
“Bản sắc của tiếng Việt sẽ bị mất đi và giới trẻ bây giờ quên mất tiếng Việt là một thứ tiếng rất hay. Người nước ngoài mà nhìn vào họ sẽ cười, sẽ coi thường và đánh giá thấp mình vì thiếu tự tôn dân tộc. Nếu người trẻ biết tự trọng dân tộc, tự hào mình là người Việt, tự hào về tiếng Việt thì sẽ không bao giờ dùng ngôn ngữ kiểu nửa Tây nửa ta như vậy”, GS-TS Dân nhấn mạnh.
 
Đồng quan điểm, GS-TS-Nhà giáo Nhân dân Bùi Khánh Thế (Phó chủ tịch thường trực Hội đồng khoa học và đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM) cho rằng nguyên nhân là do nhận thức của người trẻ về chức năng của ngôn ngữ bị sai. Ngôn ngữ là để giao tiếp, để người khác hiểu được tư tưởng, tình cảm của mình và ngược lại. Nhưng khi sử dụng ngôn ngữ kiểu “ba rọi” thì người khác sẽ không hiểu và bản thân cũng chẳng thể nào diễn đạt được một cách chính xác.
 
“Quan điểm của tôi, nếu là một người trí thức Việt, đặc biệt là giới trẻ hiện nay thì phải có khả năng song ngữ, vì mình vừa là công dân của VN đồng thời cũng là công dân toàn cầu. Nhưng quan trọng là biết ngoại ngữ như thế nào, dùng như thế nào cho đúng, chứ không phải xài kiểu “nửa Tây nửa ta”. Và trước khi dùng các thứ tiếng khác thì tiếng mẹ đẻ phải tốt. Tiếng mẹ đẻ tốt thì mới học tốt các thứ tiếng khác”, ông Thế khuyên.
 
Ông Thế cũng khẳng định: “Văn hóa của ta là tiếp thu để phát triển. Để có được bản tuyên ngôn độc lập mà cả thế giới phải công nhận là trong suốt ngàn năm dù bị đô hộ nhưng dân tộc ta vẫn giữ được sự tinh túy và trong sáng của tiếng Việt. Chính vì thế, nếu hành xử ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ không được uốn nắn thì tiếng Việt sẽ bị méo mó hoặc mất đi, mai một”.
 

 

Ý kiến
 
“Nhiều lúc tưởng tượng các bạn là người nước ngoài sang VN, chứ người Việt lại không nói được tiếng Việt là điều quá vô lý. Bây giờ các bạn không nói được một vài từ, rồi nhiều năm sau nữa sẽ không nói được tiếng Việt luôn quá”.
Trần Thị Trúc Thu (sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế)
 
“Vì tính chất nghề nghiệp nên mình thường dùng nhiều từ tiếng Anh trong một câu nói. Chẳng hạn như thay vì nói “mục tiêu của chiến dịch này là tăng độ nhận diện thương hiệu và số bán” thì mình sẽ nói “objectives của campaign là tăng brand awareness và sales”. Và mình thấy trong môi trường hiện nay, ai cũng nói kiểu “ba rọi” như vậy nên đã quen và cũng bị ảnh hưởng”.
Lê An (nhân viên marketing tại TP.HCM)
 
“Đây cũng là một dạng học tiếng Anh kiểu “nửa Tây nửa ta” để liên kết dễ hiểu. Tuy nhiên về văn hóa giao tiếp, cần áp dụng việc học kiểu này đúng chỗ, đúng người, đúng môi trường, nếu không sẽ bị coi là “dị và lai căng”, hoặc nhiều khi làm đối tác khó chịu và khó hiểu”.
Trần Trinh Tường (giáo viên dạy tiếng Anh tại TP.HCM)

NỮ VƯƠNG