Mở rộng sân bay Nội Bài chờ đến bao giờ?
Mở rộng sân bay Nội Bài chờ đến bao giờ?
“Mặt bằng đã có sẵn, nguồn vốn tự có của ACV cũng đã sẵn sàng, dự án chỉ còn vướng thủ tục”, ông Thanh nói và cho biết chưa thể dự kiến chính xác thời điểm hoàn thành việc mở rộng nhà ga T2 sân bay Nội Bài.
Chỉ sau 6 năm khai thác, nhà ga T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đã rơi vào cảnh mãn tải, vượt công suất thiết kế, nhưng đề xuất mở rộng nhà ga T2 Nội Bài lại đang gặp nhiều trở ngại, vướng mắc về thủ tục, chủ trương đầu tư.
Chậm so với kế hoạch
Năm 2019, riêng nhà ga hành khách T2 Nội Bài đón hơn 11,42 triệu lượt khách, trong khi công suất thiết kế chỉ 10 triệu khách/năm. Từ năm 2015 đến nay, sản lượng hành khách, hàng hóa và máy bay cất hạ cánh thông qua Nội Bài tăng rất nhanh, trung bình trên 10%/năm, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng cảng.
Công suất thiết kế của Nội Bài hiện tại chỉ là 25 triệu khách/năm (nhà ga T1 và sảnh E là 15 triệu khách, nhà ga quốc tế T2 10 triệu khách), song năm 2019, sân bay này đã đón 29 triệu lượt khách, tức vượt 4 triệu lượt khách.
Con số dự báo sẽ tăng lên đến 47,3 triệu khách năm 2025 và 63 triệu khách vào năm 2030. Theo cảnh báo, nếu không nhanh chóng mở rộng công suất, trong 2 – 3 năm tới, sân bay Nội Bài sẽ rơi vào tình trạng quá tải như Tân Sơn Nhất hiện nay.
Để khắc phục, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã gửi hồ sơ dự án “Mở rộng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài” lên Sở KH-ĐT Hà Nội theo quy định, đề xuất đầu tư 4.051 tỉ đồng mở rộng, nâng công suất nhà ga quốc tế T2 Nội Bài thêm 5 triệu khách, thời gian triển khai dự kiến 5 năm.
Theo Bộ GTVT, việc mở thêm các đường bay quốc tế của các hãng hàng không trong nước sẽ làm tăng lượng hành khách thông qua sân bay Nội Bài, vì thế việc mở rộng nhà ga T2 là cần thiết. Trước đó, năm 2018, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư tại các cảng hàng không giai đoạn 2018 – 2025, trong đó đã đưa ra kế hoạch đầu tư mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài đạt công suất 15 triệu khách/năm giai đoạn 2018 – 2020. Theo đánh giá của Bộ GTVT, dự án mở rộng T2 đã nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2018 – 2025, tuy nhiên, việc triển khai đã chậm so với kế hoạch.
Góp ý cho dự án, Bộ Tài chính cũng đồng thuận việc mở rộng công suất nhà ga T2, nhưng đề nghị làm rõ cơ sở tính toán các nội dung chi phí trong khái toán tổng mức đầu tư 4.051 tỉ đồng. Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho rằng quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 của Cảng HKQT Nội Bài chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên chưa đủ cơ sở đánh giá. Bộ này cũng lưu ý việc cải tạo phần thân và 2 bên cánh nhà ga T2 để mở rộng sẽ ảnh hưởng đến thiết kế kiến trúc hiện hữu, vì vậy cần đảm bảo sự hài hòa về mặt kiến trúc.
Vướng thủ tục
Đáng chú ý, trong văn bản trả lời Sở KH-ĐT Hà Nội về việc lấy ý kiến thẩm định dự án, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) cho rằng dự án không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP.Hà Nội, do không đề nghị nhà nước giao thêm đất, cho thuê đất…
Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch UBQLV, dự án xây dựng nhà ga T2 cũng không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ, do có quy mô vốn dưới 5.000 tỉ đồng (theo điều 31 luật Đầu tư). Nếu chỉ mở rộng nhà ga T2 với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4.051 tỉ đồng, không yêu cầu nhà nước giao thêm đất, dự án sẽ không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo luật Đầu tư.
Cũng theo bà Hà, tháng 11.2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài, song đến nay việc điều chỉnh chưa hoàn thành, chưa được phê duyệt, nên chưa đủ cơ sở đánh giá sự phù hợp để đầu tư.
Đặc biệt, lãnh đạo UBQLV cho rằng theo quy định, người đại diện phần vốn tại ACV có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến của Ủy ban trước khi tham gia biểu quyết việc đầu tư dự án.
Song nhóm đại diện phần vốn nhà nước tại ACV chưa giải trình rõ việc đầu tư dự án đã được Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông ACV thông qua hay chưa. ACV chưa thực hiện các thủ tục báo cáo Ủy ban nhưng đã thực hiện các thủ tục đầu tư tại Sở KH-ĐT Hà Nội là không thực hiện đúng quy trình đầu tư.
Trả lời Thanh Niên, Chủ tịch HĐTV ACV Lại Xuân Thanh cho biết ACV vẫn đang tiếp tục giải trình với Sở KH-ĐT Hà Nội và báo cáo UBQLV theo đúng chủ trương của luật Đầu tư.
“Mặt bằng đã có sẵn, nguồn vốn tự có của ACV cũng đã sẵn sàng, dự án chỉ còn vướng thủ tục”, ông Thanh nói và cho biết chưa thể dự kiến chính xác thời điểm hoàn thành việc mở rộng nhà ga T2.
Thời hạn hoàn thành dự án chỉ có khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, song kinh nghiệm từ nhiều dự án trước, các thủ tục chuẩn bị cho dự án thường kéo dài hơn rất nhiều so với dự kiến.
Theo ông Thanh, kế hoạch mở rộng công suất T2 đã được đặt ra ngay từ thời điểm đầu tư dự án T2. Năm 2017, ACV từng xin chủ trương sử dụng vốn dư từ dự án nhà ga T2 để mở rộng sân bay Nội Bài, song cũng do vướng quy định phải lập dự án mới nên chưa thể thực hiện.
Năm 2020, sân bay Nội Bài “thoát” nguy cơ mãn tải do dịch Covid-19 khiến sản lượng khách tụt giảm sâu, đặc biệt là việc đóng cửa các đường bay quốc tế. Dù vậy, năm sau, khi thị trường hàng không hồi phục trở lại sau Covid-19, việc mãn tải sẽ không còn là nguy cơ mà hiện hữu với Nội Bài.
Theo tính toán, sau khi mãn tải, Nội Bài chỉ có thể gồng gánh tối đa thêm khoảng 30% công suất, thêm khoảng 8 – 9 triệu khách trong 2 – 3 năm tới, trong khi dự án mở rộng công suất dự kiến cần tới 5 năm để hoàn thành.
Bao giờ lên 100 triệu khách/năm?
Trước đó, theo Quyết định 236/QĐ-TTg của Thủ tướng quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 định hướng đến 2030, công suất thiết kế phục vụ hành khách của sân bay Nội Bài giai đoạn đến năm 2020 dự kiến 30 triệu hành khách/năm, đến năm 2030 dự kiến 60 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, sau đó Chính phủ đã xác định cảng HKQT Long Thành và Nội Bài sẽ là 2 trung tâm hàng không lớn nhất tại 2 miền, vì thế đầu bài đặt ra cho tư vấn Pháp ADPi là mở rộng Nội Bài lên công suất 100 triệu hành khách/năm.
Cục Hàng không cùng đơn vị tư vấn đang tiếp tục làm quy hoạch, tính toán việc mở rộng sân bay. Tư vấn ADPi đã hoàn thiện giai đoạn 1 và giai đoạn 2, tính toán đánh giá các phương án mở rộng lên phía bắc hoặc phía nam.
Dự án sẽ phải kéo dài nhiều năm các bước chuẩn bị đầu tư để trình phê duyệt chủ trương đầu tư, trước khi tiến tới các bước cụ thể như báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi F/S, chọn nhà đầu tư, triển khai dự án…
Tuy nhiên, theo một cán bộ ngành hàng không, trở ngại lớn nhất khi mở rộng Nội Bài lên 100 triệu hành khách là chọn được vị trí xây dựng các đường cất hạ cánh khả thi nhất, ít phải giải phóng mặt bằng nhất.
Từ năm 2016, việc nghiên cứu mở rộng Nội Bài đã được tính tới, khi đó Cục Hàng không cho biết trường hợp xây dựng thêm đường cất hạ cánh ở phía nam, kinh phí giải phóng mặt bằng rất lớn, lên tới hơn 40.000 tỉ đồng.
Từng giữ cương vị Cục trưởng Cục Hàng không, theo ông Lại Xuân Thanh, giải phóng mặt bằng tại Nội Bài khó hơn Long Thành rất nhiều, dự án càng lâu được triển khai thì việc giải phóng mặt bằng càng khó, do chi phí tăng lên rất nhiều vì dân cư ở dày đặc. Vì thế, cần sớm đẩy nhanh tiến độ dự án.
MAI HÀ
TNO