23/12/2024

Áp lực ‘tiền có, khó tiêu’ trong các dự án giao thông

Áp lực ‘tiền có, khó tiêu’ trong các dự án giao thông

4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT đang có dấu hiệu khởi sắc sau năm 2019 khá bê bết. Nhưng ám ảnh “có tiền không tiêu hết” các năm trước vẫn đang là áp lực đè nặng lên Bộ này.
Dự án Cam Lộ - La Sơn sử dụng vốn đầu tư công cuối năm 2019 /// Ảnh Việt Dũng
Dự án Cam Lộ – La Sơn sử dụng vốn đầu tư công cuối năm 2019  ẢNH VIỆT DŨNG

“Đáy” đồ thị

Nếu tính theo chu kỳ đồ thị, thì giao thông trong gần 3 năm nay đang ở đáy đồ thị cả về số lượng dự án khởi công, khánh thành, lượng vốn đầu tư công giải ngân cũng như vốn tư nhân thu hút được.
Năm 2015, tổng cộng các nguồn vốn giải ngân được của Bộ GTVT khoảng 84.000 tỉ đồng, với hàng trăm dự án lớn, nhỏ được khởi công khắp cả nước. Năm 2016, tỷ lệ giải ngân dù chỉ đạt khoảng 84% nhưng vẫn tương ứng với 65.000 tỉ đồng vốn được triển khai qua các dự án.
Tới năm 2018, tỷ lệ giải ngân vốn của Bộ GTVT đã cao hơn đáng kể, trên 90%, nhưng số tiền tiêu thực tế trong năm chỉ còn bằng 30-40% so với những năm “hoàng kim”. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT được giao năm 2018 chỉ còn hơn 26.000 tỉ đồng (đã bao gồm cả phần vốn trái phiếu Chính phủ chưa tiêu hết của năm 2016, 2017 kéo dài sang).
Điều này cũng không có gì lạ nếu nhìn vào thực tế năm 2018, Bộ GTVT chỉ khởi công được 16 công trình, dự án lớn, trong đó dự án lớn nhất là xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long (Hà Nội) hơn 5.300 tỉ đồng.
Năm 2019, kế hoạch đăng ký vốn của Bộ GTVT khoảng 30.100 tỉ đồng (gồm 29.000 tỉ mới và gần 1.200 tỉ đồng kéo dài sử dụng nguồn vốn của kế hoạch các năm 2016, 2017, 2018). Đáng chú ý, đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch năm (31.1.2020), Bộ GTVT mới giải ngân được khoảng 26.700 tỉ đồng. Tổng số dự án được khởi công trong năm 2019 cũng chỉ khoảng 16 dự án, đáng kể trong đó là dự án cao tốc Bắc – Nam (theo hình thức đầu tư công) Cam Lộ – La Sơn với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng.
Trên thực tế, khoảng thời gian từ cuối 2016 – 2018, việc số vốn giải ngân tụt dốc của ngành giao thông được lý giải do đây là khoảng thời gian “đứng yên” của ngành để xử lý hàng loạt vấn đề bất cập của các dự án BOT giai đoạn trước đó. Đặc biệt, tâm lý e ngại từ chính các doanh nghiệp, nhà đầu tư lẫn các ngân hàng khiến tỷ lệ vốn xã hội hoá đầu tư vào hạ tầng giao thông giai đoạn này tụt dốc không phanh.
Tháng 4.2020, vốn giải ngân đạt 1.711 tỉ đồng, thấp hơn so với 2.642 tỉ đồng kế hoạch đề ra. Dù vậy, lũy kế 4 tháng đầu năm giải ngân của Bộ GTVT vẫn đáp ứng yêu cầu do tháng 3 đã giải ngân vượt kế hoạch khoảng 850 tỉ đồng (do trả nợ trước hạn dự kiến của dự án BT La Sơn – Tuý Loan).
Đáng nói, dù kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm đạt khá cao so với bình quân chung, tuy nhiên, kết quả này chủ yếu nhờ hoàn ứng trước kế hoạch (khoảng 5.000 tỉ đồng) và hoàn trả quỹ tích lũy trả nợ của 2 dự án BT (khoảng 1.334 tỉ đồng). Phần giải ngân cho giải phóng mặt bằng (GPMB) và các hợp đồng xây lắp – cho thấy kết quả triển khai thực tế tại các dự án, lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong kết quả giải ngân.

Mắc míu giải ngân vốn vay ODA

Trên thực tế, do vướng mắc trong triển khai dự án, Bộ GTVT đã phải có văn bản đề nghị điều chỉnh giảm 1.341 tỉ đồng vốn vay ODA không có khả năng giải ngân, gồm 400 tỉ đồng dự án tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, hơn 300 tỉ đồng dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và nhiều dự án khác như cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, dự án QL217 giai đoạn 2…
Tính đến hết tháng 4, các dự án ODA của Bộ GTVT mới giải ngân được 5.747 tỉ đồng trên tổng số 11.957 tỉ đồng, số giải ngân chủ yếu là hoàn ứng trước kế hoạch, chưa phải khối lượng thực tế hiện trường. Số vốn ODA phải giải ngân từ nay đến cuối năm là 6.210 tỉ đồng.
Áp lực 'tiền có, khó tiêu' trong các dự án giao thông - ảnh 1

Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành sử dụng vốn vay ODA đang gặp nhiều vướng mắc giải ngân   ẢNH NGỌC DƯƠNG

Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), một số dự án ODA giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như Lộ Tẻ – Rạch Sỏi do vướng mặt bằng, dự án Cát Linh – Hà Đông do chất lượng hồ sơ tổng thầu còn nhiều thiếu sót, phải bổ sung, hoàn chỉnh lại, vướng mắc liên quan đến thanh toán của nhà thầu cần giải quyết.
Song bên cạnh lý do khách quan, một số dự án ODA rơi vào tình cảnh “tréo ngoe” khi thiếu vốn thi công, trong khi vốn vay ODA có sẵn lại không kịp giải ngân. Điển hình cho câu chuyện “có tiền không tiêu kịp” là dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Dự án có tổng vốn 31.320 tỉ đồng, thi công từ năm 2015, nhưng đến nay sản lượng thi công xây lắp toàn tuyến mới đạt khoảng 10.532 tỉ đồng, gần 80% tổng sản lượng xây lắp. Năm 2019, dự án Bến Lức – Long Thành chỉ giải ngân được 614,4 tỉ đồng so với kế hoạch 1.236 tỉ đồng vì không được bố trí vốn đối ứng và vốn ODA. Chưa kể, dự án còn vướng mặt bằng vì năm 2019 chưa được bố trí vốn GPMB.
Cuối tuần trước, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các dự án đầu tư công năm 2020 do Bộ quản lý. Năm 2020, Bộ GTVT được giao khoảng trên 37.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, bao gồm trên 35.000 tỉ được Thủ tướng giao năm 2020 và khoảng trên 3.700 tỉ được kéo dài kế hoạch vốn năm 2019 sang năm 2020.
MAI HÀ
TNO