20/11/2024

Tư nhân làm truyền tải điện: Tiền dồi dào, chờ cơ chế

Tư nhân làm truyền tải điện: Tiền dồi dào, chờ cơ chế

Nhiều dự án điện đã xong nhưng không phát được hết công suất do thiếu đường dây truyền tải. Trong khi nhiều thời điểm, EVN phải đổ dầu phát điện. Nhưng để tư nhân đầu tư mạnh vào truyền tải điện vẫn cần gỡ cơ chế.

 

Tư nhân làm truyền tải điện: Tiền dồi dào, chờ cơ chế - Ảnh 1.

Nhân viên EVNNPT thi công một dự án đường dây – Ảnh: L.V.HOAN
Nhiều nhà đầu tư cho hay không thiếu tiền mà cần quy định rõ ràng. Ông Lê Anh Tùng (nhà đầu tư điện gió) cho biết nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị khuyến khích tư nhân tham gia sâu vào lĩnh vực năng lượng, song việc đầu tiên là Chính phủ phải cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể và chi tiết.

Muốn đầu tư, phải có ràng buộc?

Theo ông Tùng, các nhà đầu tư tư nhân có lợi thế lớn so với các doanh nghiệp nhà nước khi làm dự án truyền tải điện bởi chi phí xây dựng có thể tiết kiệm hơn, rút ngắn được thủ tục…

Ông Nguyễn Đức Toàn – chủ tịch Công ty cổ phần điện Sài Gòn Gia Định – cho rằng thời gian qua tư nhân đã tham gia xây dựng đường dây truyền tải, song chỉ xây dựng đường dây từ nhà máy điện đến điểm đấu nối. Theo ông Toàn, có những đường dây do tư nhân xây dựng, quản lý dài 40-50km, doanh nghiệp đã chia sẻ đường dây truyền tải giữa các dự án với nhau. Tuy vậy, để thực hiện như một dự án giao thông, như xây dựng – chuyển giao cho EVN, đến nay vẫn chưa có.

Xét về chất lượng của các công trình, ông Toàn cho biết các công trình truyền tải điện do tư nhân làm đều tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật của Luật xây dựng và tiêu chuẩn ngành điện nên chất lượng đảm bảo. Vấn đề còn lại là cơ chế cạnh tranh khi tư nhân tham gia làm đường dây tải điện.

Ông Nguyễn Tâm Tiến – tổng giám đốc Trungnam Group – cho biết nghị quyết 55 thực sự làm “nức lòng” các nhà đầu tư, xé toang nhiều rào cản để các doanh nghiệp có thể tham gia và đồng hành trong việc phát triển thị trường năng lượng VN.

Ông Tiến nhấn mạnh nghị quyết 55 nêu rất rõ “có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải quốc gia”. Tuy nhiên hiện dự thảo Luật PPP (đầu tư theo phương thức đối tác công tư), Luật điện lực chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Do đó, ông Tiến cho biết các nhà đầu tư mong muốn Quốc hội, các bộ, ngành sớm ban hành các hành lang pháp lý rõ ràng để nghị quyết 55 nhanh chóng đi vào cuộc sống, xóa bỏ rào cản để các doanh nghiệp được đầu tư hệ thống truyền tải.

“Cần cân nhắc kỹ”

Trong khi đó, giải thích về nội dung “độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải”, Bộ Công thương cũng bày tỏ băn khoăn khi cho tư nhân đầu tư vào lưới điện truyền tải. Bởi hiện nay, nếu đầu tư lưới điện từ nhà máy điện/cụm nhà máy điện tới điểm đấu vào hệ thống truyền tải quốc gia có thể áp dụng quy định về thỏa thuận đấu nối. Tuy nhiên, với hệ thống lưới truyền tải khác thì chưa có quy định, đặc biệt là hệ thống điện truyền tải có tính chất xương sống, huyết mạch.

Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng cần cân nhắc kỹ có cho phép đầu tư tư nhân hay không, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. Bộ Công thương đề xuất nên cho tư nhân làm các dự án đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối nhà máy/cụm nhà máy lên hệ thống điện quốc gia. Trường hợp khác cần báo cáo cấp thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng xem xét.

Tư nhân làm truyền tải điện: Tiền dồi dào, chờ cơ chế - Ảnh 2.

Hệ thống đấu nối truyền tải điện tại một nhà máy điện mặt trời do tư nhân đầu tư ở Tây Ninh – Ảnh: NGỌC HIỂN

Tư nhân xây, Nhà nước vận hành

Ông Nguyễn Đức Toàn nhận định thực tế đường dây truyền tải của EVN đang sở hữu không bắt kịp với nhu cầu phát triển nguồn điện, trong khi các nhà đầu tư tư nhân rất quyết liệt lại dồi dào về nguồn vốn.

EVN đầu tư phải trải qua rất nhiều quy trình thủ tục, trong khi giá đền bù không thể vượt trần. Ngược lại, tư nhân linh động hơn nên có thể hoàn thành dự án nhanh hơn. “Nếu có cơ chế tốt để thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực truyền tải sẽ là cú hích để tư nhân đổ vốn vào một lĩnh vực trước nay độc quyền” – ông Toàn nói.

EVNNPT muốn quản lý để đảm bảo an ninh năng lượng

Trả lời Tuổi Trẻ, theo lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT – thuộc EVN), việc xã hội hóa lưới truyền tải cần thực hiện theo phương án: tư nhân đầu tư và quản lý vận hành lưới điện từ các nhà máy điện tới điểm đấu nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Hệ thống này không tính vào lưới truyền tải quốc gia. EVNNPT sẽ chịu trách nhiệm quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng.

Một bên là tư nhân muốn làm cả đường trục truyền tải điện quốc gia, một bên lại lo sẽ không quản lý được. Một chuyên gia lĩnh vực năng lượng cho rằng cần nghiên cứu kỹ bài học các nước, có cơ chế dung hòa làm sao phát huy tư nhân đầu tư và cho phép cơ quan quản lý vẫn có quyền giám sát, vận hành đường dây, tránh để tư nhân bán lại cho đối tác nước ngoài làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Ông Nguyễn Tâm Tiến thừa nhận với xây dựng hệ thống truyền tải, cần phân định rõ vấn đề độc quyền và an ninh năng lượng ở vai trò vận hành hệ thống. Ông đề xuất: “Việc đầu tư hạ tầng các công ty tư nhân hoàn toàn đủ năng lực triển khai và bàn giao cho Tổng công ty Truyền tải quản lý vận hành”.

Dưới góc độ quỹ đầu tư nước ngoài đối với các dự án năng lượng, ông Nguyễn Tùy Anh – giám đốc Quỹ Blue Leaf Energy/Macquarie Capital – thúc giục: Các quỹ đầu tư quốc tế rất quan tâm đến mảng năng lượng. Tuy vậy, các nhà đầu tư cần những cơ chế rõ ràng, cụ thể.

TS ĐOÀN VĂN BÌNH (viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam):

Cân nhắc bài học của Philippines

Thu hút đầu tư tư nhân là cần thiết, song với lưới truyền tải cần lưu ý trong quy hoạch điện XIII đang xây dựng, đặc biệt chú ý lưới truyền tải quốc gia vẫn nên giữ là độc quyền nhà nước bởi liên quan an ninh quốc phòng và an ninh năng lượng quốc gia. Bài học từ Philippines cho thấy Trung Quốc nắm 40% lưới truyền tải, hệ thống điều khiển nằm ở Bắc Kinh. Vì thế, nên chăng hệ thống lưới 220 – 500 kV xác định rõ ranh giới EVNNPT độc quyền 100% ở mức nào, cần giải thích rõ trong luật.

 

NGỌC HIỂN – NGỌC AN
TTO