Giảm giá điện nhưng không treo lỗ?
Giảm giá điện nhưng không treo lỗ?
Giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp, với tổng số tiền giảm lên tới 11.000 tỉ đồng nhưng ngành điện không được để lỗ treo, tránh gây áp lực tăng giá điện trong năm 2021.
Ông Trần Tuệ Quang – phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) – cho biết như vậy tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 15-5.
Liên quan đến việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đang có những bất cập, theo ông Quang, Bộ Công thương đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng sửa đổi cơ cấu bán lẻ điện.
Trên cơ sở các ý kiến được nêu, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu, làm rõ bối cảnh để sửa biểu giá sinh hoạt.
“Do các yêu cầu tình hình tiêu thụ điện, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh, lấy ý kiến, dự kiến cuối năm nay trình Thủ tướng để sửa đổi cơ cấu giá bán lẻ điện” – ông Quang cho hay.
Trước đó, trong kết luận về điều hành giá vào ngày 12-5, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không được tăng giá điện trong năm 2020.
Đặc biệt, EVN phải chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí để tránh trường hợp lỗ treo và treo các khoản lỗ khi thực hiện chương trình giảm giá điện, gây áp lực tăng giá năm 2021 và thời gian tới.
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện EVN cho hay để cùng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngoài việc giảm giá điện, tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cắt giảm chi phí thường xuyên ở mức tối đa, làm việc với các ngân hàng trong nước để giảm lãi suất vay vốn, giãn thời gian đầu tư một số dự án điện chưa thực sự cấp bách.
Tuy nhiên, EVN cho biết quý 2-2020 là cao điểm của mùa khô, lượng nước về các hồ thủy điện rất kém, sản lượng huy động từ thủy điện giảm tới 30,4%.
Do đó, các nguồn nhiệt điện than và tuôcbin khí sẽ được khai thác tối đa theo khả năng cấp nhiên liệu, hiện đã tăng tương ứng là 15,9% với điện khí và 21,3% với điện than. Nguồn điện chạy dầu cũng tăng gần 1 tỉ kWh và nguồn năng lượng tái tạo huy động tăng gấp 28 lần so với cùng kỳ 2019. Đây đều là nguồn điện giá cao, tạo áp lực lớn cho EVN.
Báo cáo về giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2018 được công bố cuối năm 2019, Bộ Công thương cho biết nhiều khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất điện như khoản chênh lệch tỉ giá còn treo lại hơn 3.000 tỉ đồng, trong khi EVN chỉ lãi 4 đồng/kWh điện. Tỉ suất lợi nhuận thấp nên về lâu dài tình hình tài chính của EVN sẽ càng khó khăn.
12,4 triệu khách hàng được giảm giá điện
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến ngày 12-5 đã có 12,4 triệu khách hàng (chiếm 43,9% khách hàng) được giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng số tiền giảm 1.739 tỉ đồng.
Trong đó, có 11 triệu khách hàng sinh hoạt được giảm 391 tỉ đồng. Khách hàng ngoài sinh hoạt được giảm là 1,3 triệu (chiếm 52,8%) với tổng số tiền giảm 1.316 tỉ đồng.
Bộ Công thương nhấn mạnh sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát đôn đốc các đơn vị điện lực thực hiện đúng các hướng dẫn về giảm giá điện, giảm tiền điện, giải quyết nhanh chóng, kịp thời tất cả các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về chỉ số côngtơ, hóa đơn tiền điện theo quy định; đảm bảo minh bạch, công khai và không để xảy ra phát sinh các thủ tục phiền toái cho người dân và doanh nghiệp khi triển khai thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện.