20/11/2024

80% doanh nghiệp gỗ có đơn hàng bị dừng hoặc huỷ hợp đồng

80% doanh nghiệp gỗ có đơn hàng bị dừng hoặc huỷ hợp đồng

Dịch Covid-19 đã làm 80% doanh nghiệp gỗ có đơn hàng bị dừng hoặc huỷ hợp đồng. Đa số các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường.
Các doanh nghiệp gỗ đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi nhiều đơn hàng bị hoãn, hủy /// Ảnh Nguyễn Quỳnh
Các doanh nghiệp gỗ đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi nhiều đơn hàng bị hoãn, hủy  ẢNH NGUYỄN QUỲNH
Đó là thông tin được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam công bố tại hội nghị bàn giải pháp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch Covid-19 do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng nay, 15.5, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, dịch Covid-19 đã làm 80% doanh nghiệp gỗ có đơn hàng bị dừng hoặc hủy hợp đồng. Đa số các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất.
Tổng cục Lâm nghiệp dẫn chứng, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó trong dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13.3.2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo khảo sát nhanh tại 30 doanh lớn, 100% các doanh nghiệp đã được các ngân hàng hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách của Thông tư số 01, nhưng mức độ thực hiện các chính sách có sự khác nhau giữa các ngân hàng.
Về hạ lãi suất cho vay, một số ngân hàng như Vietcombank hạ lãi suất cho vay cả VNĐ và USD. Nhưng một số ngân hàng khác như BIDV chỉ hạ lãi suất cho vay VNĐ trong khi số doanh nghiệp ngành gỗ thường vay cả VNĐ và USD. Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, một số ngân hàng (như BIDV) chỉ áp dụng giữ nguyên nhóm nợ, nhưng vẫn hạ điểm xếp hạng tín dụng dẫn đến các doanh nghiệp không được hạ lãi suất
Về chính sách giảm lãi suất (từ 0,5 – 2,5%/năm), các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai đến từng doanh nghiệp. Nhưng do yêu cầu về đảm bảo hiệu quả của nguồn tín dụng, tránh tăng nợ xấu, đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng… các ngân hàng thương mại đều đưa ra các quy định, điều kiện chặt chẽ. Cụ thể, doanh nghiệp phải có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, vay và trả nợ đúng hạn nên việc cho vay cần nhiều thời gian thẩm định trước khi quyết định.
Theo đó, cho đến nay, rất ít các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận được gói chính sách về tín dụng.
PHAN HẬU
TNO