25/12/2024

Nửa đêm không được rút nhiều tiền(!?)

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm hạn mức rút tiền vào khung giờ 23 giờ – 5 giờ hôm sau.

 

Nửa đêm không được rút nhiều tiền(!?)

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm hạn mức rút tiền vào khung giờ 23 giờ – 5 giờ hôm sau.

 
 
 

Sẽ giảm hạn mức rút tiền tại ATM vào ban đêm nhằm tránh rủi ro cho khách hàng /// Ảnh: Ngọc Thắng

Sẽ giảm hạn mức rút tiền tại ATM vào ban đêm nhằm tránh rủi ro cho khách hàng  ẢNH: NGỌC THẮNG

 
Để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại nghiên cứu triển khai thay đổi linh hoạt, giảm hạn mức rút tiền vào khoảng thời gian 23 giờ – 5 giờ hôm sau để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và ngân hàng.
 
Cứ ban đêm là tiền bốc hơi
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không giải thích vì sao phải giảm hạn mức rút tiền vào khung giờ 23 giờ – 5 giờ hôm sau, nhưng nhìn vào thời gian hoạt động của tội phạm thẻ có thể thấy, nửa đêm đến sáng là “giờ vàng” để thực hiện trộm tiền. Đơn cử trường hợp mất tiền trong thẻ ATM (DongABank) vừa qua của chị Đoàn Thị Ngọc Duyên (mất 116 triệu đồng) và Nguyễn Phương Thùy (mất 85 triệu đồng) là vào 3 – 4 giờ sáng 27.6.
 

Nửa đêm không được rút nhiều tiền (!?)

ẢNH: NGỌC DƯƠNG – ĐỒ HOẠ: HỒNG SƠN
 

Để “trộm” hết số tiền trên, tội phạm vừa thực hiện rút tiền, vừa chuyển khoản sang tài khoản khác. Cụ thể, thẻ chị Duyên thực hiện 2 giao dịch rút tiền và 5 giao dịch chuyển khoản vào thời gian 3 giờ 53 – 3 giờ 59, các giao dịch cách nhau 1 phút. Vụ việc đã trải qua 2 tháng nhưng đến nay DongABank vẫn chưa thực hiện trả tiền cho khách. Lý do mà nhà băng này đưa ra là có dấu hiệu tội phạm nên chuyển cơ quan công an xử lý. Trước đó, vào tháng 4, 12 chủ thẻ NH Nông nghiệp – Phát triển nông thôn VN (Agribank) cũng bị rút tiền vào thời điểm hơn 23 giờ.

 
Không chỉ là “giờ vàng”, rút lúc nửa đêm, tội phạm có thể nhân đôi số tiền đánh cắp của chủ thẻ. Bởi theo quy định hiện nay, mỗi tài khoản chỉ được rút tối đa từ 20 – 100 triệu đồng mỗi ngày tùy mỗi NH. Chính vì vậy, bọn tội phạm thường chọn thời điểm trước và sau 0 giờ rút trộm tiền để sử dụng luôn hạn mức của ngày hôm sau, số tiền trộm được sẽ nhiều gấp đôi. Hơn nữa, thời điểm này chủ thẻ thường đã ngủ, ngay cả với các chủ thẻ có sử dụng dịch vụ nhận tin nhắn SMS từ tổng đài NH báo về cũng khó phát hiện và không kịp báo cho phía NH để ngăn chặn.
 
Công ty cổ phần thanh toán quốc gia VN (NAPAS) từng cảnh báo “VN trở thành vùng trũng của tội phạm thẻ với các vụ giả mạo (đánh cắp thông tin thẻ – skimming)”. Theo Hội Thẻ NH VN, số lượng và tần suất các vụ skimming gia tăng trong năm 2017 với 75 vụ, tăng 25% so với năm 2016. Đặc biệt, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để tránh bị phát hiện, tội phạm thường theo dõi thời gian tiếp quỹ của NH để thực hiện tháo thiết bị đánh cắp dữ liệu và lắp lại thiết bị bảo vệ bàn phím trước lần tiếp quỹ tiếp theo nhằm tránh sự phát hiện của nhân viên NH. Trong nhóm tội phạm skimming xuất hiện đối tượng tội phạm mới là nhân viên của các đối tác bảo trì, bảo dưỡng máy ATM. Họ đánh cắp dữ liệu qua việc truyền nhận dữ liệu giữa các hệ thống. Các đối tượng lấy cắp số lượng thẻ nhỏ (từ 1 – 2 thẻ/lần) nhưng thông tin đánh cắp gồm tên, số dư tài khoản nên số tiền thiệt hại cho chủ thẻ khá lớn.
 
Không phải giải pháp dài hạn
Đồng tình với giải pháp giảm hạn mức rút tiền trong khoảng thời gian từ 23 giờ – 5 giờ, TS Bùi Quang Tín cho rằng đây là giải pháp hợp lý. Bởi tội phạm thường hoạt động về đêm vào những khung giờ này nên cần hạn chế mức tiền rút. Hơn nữa nhu cầu rút tiền vào khoảng thời gian này thường không cao, việc hạn chế sẽ không ảnh hưởng đến nhiều người.
 

Cùng quan điểm, TS Lê Thẩm Dương cho biết: “Tôi đồng ý biện pháp này và đánh giá cao phản ứng của NHNN trước tình trạng trộm cắp tiền trong tài khoản ATM thời gian qua. Thế nhưng đây chỉ mới là biện pháp tạm thời mà hệ thống NH có thể thực hiện nhằm hạn chế “cơn sốt”, xử lý khủng hoảng chứ không phải là biện pháp “gốc” có thể áp dụng dài hạn”.

 
Theo ông Lê Thẩm Dương, để giải quyết vấn đề trộm cắp tiền tài khoản, hệ thống NH cần đánh giá và thành lập lại hệ thống ATM. Thẻ ATM là dùng để “cà” chứ không phải để “cắm”, làm sao để chủ thẻ dùng thẻ trong các giao dịch mà hạn chế rút tiền mặt, đẩy mạnh việc không dùng tiền mặt có tầm quan trọng lớn là chống tham nhũng, trốn thuế.
 
Về lâu dài, công nghệ ATM phải được nâng cấp chứ không thể nào suốt ngày cứ đề cập đến việc tăng phí hay không, trong khi nạn mất cắp cứ diễn ra. Đồng thời, NH phối hợp cơ quan công an để có những giải pháp phối hợp ngăn chặn, xử lý. Mặc dù đồng ý áp dụng biện pháp hạn mức rút tiền vào ban đêm đối với thẻ, nhưng ông Lê Thẩm Dương cũng cho rằng hạn mức bao nhiêu là hợp lý cần được thảo luận.
 
Ngược lại, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty BASICO, lại không đồng tình với giải pháp này.
Theo luật sư Đức, giải pháp này không giải quyết được vấn đề trộm cắp tiền trong tài khoản thẻ mà lại ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng. Với những khách hàng đi nước ngoài và lệch múi giờ với VN thì quy định hạn chế hạn mức rút tiền xử lý như thế nào? Hơn nữa, nhiều người có nhu cầu giải trí về đêm hoặc có nhu cầu đột xuất sử dụng tiền mặt vào khoảng thời gian này thì không có lý do gì áp dụng biện pháp ngăn cản họ rút tiền. Chức năng ATM cho phép chủ thẻ cần sử dụng tiền ngoài giờ có thể rút được tiền, nhưng có nhiều trụ ATM, đặc biệt là ATM đặt ở các địa điểm NH, không hoạt động ngoài giờ.
 
“Có phải NH giảm hạn mức rút tiền để thu phí nhiều hơn hay không? Ngoài rút tiền mặt, tội phạm còn thực hiện chuyển khoản qua các tài khoản khác thì giải pháp hạn chế rút tiền mặt cũng không giải quyết được”, luật sư Trương Thanh Đức đặt vấn đề. Để tránh tình trạng trộm tiền, ông Đức kiến nghị NH có thể tăng thêm một lớp mật khẩu bảo mật khi khách hàng thực hiện rút tiền trên ATM giống như thực hiện giao dịch trên internet banking, mà không cần phải giảm hạn mức rút tiền.
 
Đối với trường hợp khách hàng mất tiền, NH đưa ra lý do có dấu hiệu tội phạm và chuyển cho cơ quan công an xử lý, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng về lý NH áp dụng luật nên không sai. Nhưng xét về tình thì không thể chấp nhận được việc NH quản lý tiền trong tài khoản của khách bị mất nhưng lại kéo dài việc giải quyết. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của NH, gây khó khăn, bức xúc cho khách hàng. Khi một hồ sơ chuyển từ NH qua cơ quan công an, sẽ mất nhiều thời gian mới có kết luận NH có trả tiền cho khách hay không. Trong trường hợp NH phải trả tiền cho khách, ông Đức cho rằng NH phải trả cả lãi theo kỳ hạn tương ứng với thời gian mà tiền trong tài khoản khách hàng bị “bốc hơi”, chứ không áp dụng lãi suất không kỳ hạn ở mức gần 0% như hiện nay.

THANH XUÂN