Phải khai thác thị trường hơn 90 triệu dân
Phải khai thác thị trường hơn 90 triệu dân
Theo nhiều doanh nghiệp (DN), nếu được tham gia các gói đầu tư công, DN nội địa sẽ có điều kiện để hồi phục nhanh hơn và hiệu ứng tăng trưởng sẽ lan tỏa ra nhiều ngành hàng liên quan.
Quan tâm doanh nghiệp vừa và nhỏ
GS.TS Hồ Đức Hùng (Trường ĐH Kinh tế) cho rằng sau khi kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam cần đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường nội địa theo hướng khôi phục và khai thác những sản phẩm hiện có từ các DN có thế mạnh, nắm vững thị phần.
Với những DN đã bắt kịp sự linh hoạt trong phương thức kinh doanh, giao hàng khi thời gian dịch bệnh diễn ra, thậm chí thay đổi lớn về tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, cũng cần tập trung khuyến khích hỗ trợ những DN này phát huy thế mạnh.
Cũng theo ông Hùng, DN vừa và nhỏ là động lực thúc đẩy kinh tế chính hiện nay, nên việc hỗ trợ ngay lập tức cho nhóm DN này là điều cấp thiết.
“Khi các thành phần này bị tổn thương, nó sẽ kéo theo hàng loạt chủ thể khác cũng bị ảnh hưởng theo, như mất việc, giảm thu nhập… Cho nên, các chính sách hỗ trợ cần tập trung vào đây, nhằm nhanh chóng giải quyết công ăn việc làm cho các mắt xích có liên quan” – ông Hùng nói.
Ông Chu Tiến Dũng – chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) – cho rằng các DN cần sự hỗ trợ để hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa như hỗ trợ DN đầu tư tăng mạnh quy mô các nhà máy chế biến nông sản. Các DN cũng cần chính quyền đồng hành nhằm sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới và mở rộng thị trường nội địa cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu.
“Đặc biệt, chính quyền cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam hậu dịch COVID-19” – ông Dũng đề xuất.
Cơ hội từ các gói đầu tư công
Theo ông Dũng, các gói “mua sắm chính phủ” cần sử dụng nhiều hơn sản phẩm trong nước, khuyến khích DN chuyển đổi sử dụng nguyên liệu trong nước. “Các gói mua sắm chính phủ cần quan tâm nhiều hơn việc sử dụng sản phẩm trong nước, công khai thông tin, tạo cơ hội cho DN trong nước hoàn thiện chất lượng sản phẩm để phục vụ” – ông Dũng đề xuất.
Ông Nguyễn Đình Trung – chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh – cho rằng với vai trò là trung tâm kinh tế phát triển nhất nước, TP.HCM và Hà Nội cần cởi mở tối đa trong đầu tư dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) để DN có cơ hội tham gia.
“Trong tình hình khó khăn hiện nay, xã hội hóa đầu tư sẽ phát huy được sức mạnh của DN, tạo thêm công ăn việc làm, tiêu thụ được nguồn nguyên vật liệu giúp ngành vật liệu xây dựng có việc làm. Ngoài ra, cần thu hẹp hình thức đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước, chỉ nên thực hiện với các dự án nào mà DN không thể tham gia thực hiện” – ông Trung nói.
Theo ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), Ngân hàng Nhà nước cần xem xét xây dựng “Bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù” kiểu “thời chiến” trong giai đoạn chống dịch CoViD-19, chỉ áp dụng cho năm 2020, tạo thuận lợi cho các DN, trong đó có bất động sản, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới.
Cơ quan chức năng cũng cần tháo gỡ ngay các vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn trong một số quy định về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen cài thửa đất thuộc Nhà nước quản lý…
“DN bất động sản không xin hỗ trợ tiền, mà về cơ chế chính sách. Chỉ cần được tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục và khai thông nguồn vốn tín dụng, thị trường sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo nên cú hích cho nền kinh tế” – ông Châu nói.
Ông Nguyễn Đình Trung (chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh):
Hỗ trợ cho dân mua nhàTrong bối cảnh hậu dịch bệnh, tiêu dùng trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng đối với phục hồi của các DN nội địa cũng như nền kinh tế. Do đó, cần có những chính sách kích cầu du lịch nội địa, hỗ trợ người dân mua nhà, mua xe…
Nhu cầu sở hữu nhà của người dân tại các thành phố lớn hiện nay rất lớn. Việc xây dựng nhà ở đáp ứng nhu cầu này sẽ đem lại hàng triệu việc làm và tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu xây dựng, chưa kể người dân có nhà sẽ có nhu cầu mua sắm đồ đạc, vật dụng…
Có thể nói, tạo điều kiện cho người dân mua nhà là khởi điểm, động lực quan trọng nhất để kích thích chuỗi cung cầu các sản phẩm hàng hóa, tạo điều kiện cho nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ hơn khi dịch COVID-19 đang được kiểm soát.
Do đó, Chính phủ và các cơ quan nhà nước cần quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh các quy định pháp luật còn bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai và kinh doanh bất động sản nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án, giảm giá thành sản phẩm nhà ở.
Xem xét điều chỉnh phương pháp tính tiền sử dụng đất của chủ đầu tư “theo giá thị trường” đang bất cập và có xu hướng “định giá leo thang” như hiện nay, nhất là trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, phải giảm giá sản phẩm.
Sự thiếu nhất quán trong phương pháp định giá đất sẽ làm tăng giá thành sản phẩm nhà ở, người dân khó có cơ hội mua nhà giá thấp.