Làm suy yếu tiêu dùng
Nhận định với
Thanh Niên, TS Dong Tao (Phó chủ tịch phụ trách thị trường Đại
Trung Quốc – Credit Suisse Private Banking Asia Pacific) cho rằng
Covid-19 đã thay đổi
cuộc sống trên thế giới ở nhiều góc độ.
Châu Á tham khảo cách thế giới mở cửa sau đại dịch
Theo tờ Nikkei Asian Review ngày 8.5, các nền kinh tế châu Á đang thận trọng mở cửa trở lại trong lúc tham khảo các biện pháp tương tự trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có dấu hiệu thuyên giảm. Tại châu Âu, Đức tiếp tục nới lỏng quy định cách ly và cho phép mọi cửa hàng mở cửa trở lại sau khi số ca nhiễm hằng ngày giảm xuống khoảng 1.000 từ con số gần 7.000 vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, Đức vẫn có cơ chế kiểm soát nếu có dấu hiệu dịch tái phát. Pháp dự định nới lỏng quy định phong tỏa vào ngày 11.5 đồng thời ngăn chặn dịch bệnh tái phát bằng cách nhanh chóng xác định người nhiễm với mục tiêu xét nghiệm ít nhất 700.000 người/tuần.
Tại Mỹ, nhiều người lo ngại nguy cơ nhiễm Covid-19 sau khi hơn 30 bang cho phép nới lỏng quy định đối với một số lĩnh vực kinh doanh, trong đó có 10 bang không đáp ứng các tiêu chí của Nhà Trắng về mở cửa lại.
Khánh An
“Đến nay, sự bùng phát của bệnh dịch này đã chậm lại nhưng có lẽ cần thêm thời gian dài để có vắc xin hoặc khả năng miễn dịch cộng đồng. Và cho đến khi đó, mọi người sẽ hạn chế các hoạt động không cần thiết, hay tham dự các sự kiện đông người”, ông Dong Tao nói và nhận định thêm: “Thực tế này sẽ làm suy yếu tiêu dùng, nền kinh tế sẽ phục hồi theo mô hình chữ U. Mọi người sẽ quen với các hoạt động làm việc từ xa và giáo dục từ xa. Thậm chí trật tự kinh tế toàn cầu được định hình sau Thế chiến 2 cũng có thể được tái cơ cấu”.
Mô hình phục hồi kinh tế hình chữ U là kiểu suy thoái mà pha phục hồi xuất hiện rất chậm. Nền kinh tế sau một thời kỳ suy thoái mạnh tiến sang thời kỳ vất vả để thoát khỏi suy thoái. Trong thời kỳ thoát khỏi suy thoái, có thể có các quý tăng trưởng dương và tăng trưởng âm xen kẽ nhau.
Giảm mức độ toàn cầu hóa của kinh tế thế giới
Còn GS Dwight Perkins, nhà
kinh tế học của Đại học Harvard (Mỹ) – người được xem là chuyên gia hàng đầu thế giới về mô hình kinh tế của các nước châu Á, chỉ ra một số thay đổi của kinh tế toàn cầu do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Các biện pháp vực dậy kinh tế của Trung Quốc và phương Tây
Trung Quốc thận trọng: Đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ mới có những động thái hết sức khiêm tốn, như giảm các yêu cầu về dự trữ bắt buộc để các ngân hàng có thể tiếp cận khoản vay bổ sung 80 tỉ USD, hứa hẹn cắt giảm lãi suất trong những tháng tới. Bên cạnh đó, nước này áp dụng biện pháp chính sách cơ cấu, bao gồm giao quyền cho các địa phương phát hành trái phiếu trị giá hàng nghìn tỉ nhân dân tệ để phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng nguồn vay phục vụ kinh doanh, cắt thuế và phí cho doanh nghiệp, đồng thời can thiệp trực tiếp vào các công ty để ổn định việc làm, theo báo Nikkei Asian Review.
Đức dốc toàn lực: Để giải cứu nền kinh tế, chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel đã triển khai các biện pháp quyết liệt, bao gồm phân bổ ít nhất 350 tỉ euro (tương đương khoảng 10% GDP) cho các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó. Các khoản quỹ này cho phép công ty được vay không giới hạn và thậm chí mua lại các cổ phần của công ty.
Nhật Bản tăng cường mua nợ: Giống như một số nước phương Tây, chính quyền Tokyo thông qua gói ứng cứu khổng lồ gần 1.000 tỉ USD (tương đương khoảng 20% GDP của Nhật Bản), theo Kyodo News. Theo kế hoạch của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe, các biện pháp giải cứu bao gồm phát tiền cho người dân và doanh nghiệp nhỏ – vừa, hoãn nộp thuế, phân phát các coupon
du lịch. Vào cuối tháng 4, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tuyên bố chuẩn bị mua lại nợ của chính phủ, và tăng gấp đôi các khoản mua nợ của doanh nghiệp.
Mỹ đầu tư như thời chiến: Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiến hành cắt giảm lãi suất gần đến ngưỡng 0%, nhanh chóng mua gần 2.000 tỉ USD trái phiếu và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp, mua lại nợ công ty và của thành phố… Về chính sách tài khóa, quốc hội Mỹ hồi tháng 3 thông qua gói kích thích kinh tế 2.000 tỉ USD, bao gồm phát tối đa 1.200 USD/cá nhân, cho các cơ sở kinh doanh vay hàng trăm tỉ USD, gia tăng phúc lợi thất nghiệp, hỗ trợ cho các bệnh viện và những nhà cung cấp dịch vụ y tế.
“Trên thực tế, đây là mức đầu tư tương đương với thời chiến”, Đài CNBC dẫn lời thủ lĩnh đa số tại Thượng viện Mitch McConnell. Một tháng sau, quốc hội tiếp tục ký thông qua gói ứng cứu kinh tế thứ hai trị giá gần 500 tỉ USD, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện.
Thụy Miên
Trả lời Thanh Niên, GS Perkins nhận định: “Đại dịch thúc đẩy thương mại trực tuyến. Mặc dù xu hướng này đã tăng trưởng trước khi xảy ra Covid-19, nhưng nhu cầu ở nhà và tránh tiếp xúc tăng cao thì sẽ giúp thương mại trực tuyến phát triển nhanh hơn nữa”.
Ở tầm vĩ mô, ông dự báo: “Đại dịch sẽ tác động tiêu cực đến cả quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế, đặc biệt là đối với các quốc gia phát triển. Đó là vì Covid-19 khiến cho nhiều nước nhận ra phải tăng cường trở lại năng lực sản xuất nội địa nhằm đảm bảo khả năng tự đáp ứng một phần sản phẩm cần thiết. Đầu tiên phải kể đến là trang thiết bị y tế, dược phẩm… Trước đại dịch, phần lớn các nước giàu chỉ hướng đến duy trì sản xuất nội địa đối với ngành vũ khí. Xu hướng rời xa toàn cầu hóa cũng đang bị tác động bởi một số lực lượng chính trị nên cộng hưởng cùng yếu tố trên sẽ tạo ra tác động lớn hơn”.
Đánh giá về mô hình kinh tế thời chiến đối với đại dịch lần này, GS Perkins cho rằng: “Tại một số quốc gia, chính phủ đã ra lệnh cho một số công ty sản xuất những mặt hàng cần kíp để chống dịch, nhưng hầu hết các hàng hóa còn lại vẫn được phân phối theo cơ chế thị trường như bình thường. Còn nền kinh tế thời chiến thực tế là khái niệm cho giai đoạn mà chính phủ trung ương phần lớn đặt hàng phục vụ cho nhu cầu chiến tranh”.
Một vài nước ASEAN không đủ sức tiếp nhận chuỗi cung ứng
Cũng trả lời Thanh Niên, ông David Dapice, kinh tế gia chuyên về VN và Myanmar tại Trung tâm ASH thuộc Trường
Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard (Mỹ), phân tích: “Nếu từ nay đến cuối năm, chúng ta có thể thực sự kiểm soát đại dịch Covid-19 thì kinh tế sẽ sớm quay lại trạng thái như cũ. Tuy nhiên, nếu bệnh dịch bùng phát trở lại với các đợt tiếp theo, thì rõ ràng sự phục hồi sẽ chậm hơn và trạng thái “bình thường mới” sẽ rất khác. Nhiều quốc gia sẽ gặp áp lực lớn trong việc mở cửa như vậy”.
Còn về định hình “bình thường mới”, ông Dapice cho rằng điểm khác so với trạng thái cũ sẽ là mọi người hạn chế đi lại trong vài năm, tiết kiệm hơn và quyết định mua hàng được tính toán thận trọng hơn. Nói chung là mức độ toàn cầu hóa sẽ thấp hơn. Điều này thu hẹp hoạt động của các lĩnh vực dịch vụ, dù vẫn có du lịch nội địa ở các nước. Các chính phủ có thể trở nên độc đoán hơn. Bên cạnh đó, dự trữ công sẽ trở nên lớn hơn.
“Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ rằng Mỹ, EU và Nhật Bản đang xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này giúp cho VN (vốn có đầu tư nước ngoài vẫn luôn tăng), nhưng VN có thể không đáp ứng đủ lao động. Thêm vào đó, VN có lẽ nên nâng cấp giá trị trong chuỗi cung ứng, nếu không thì phần thu được sẽ rất thấp. Tuy nhiên, khu vực ASEAN đang có cơ hội phối hợp với nhau để cùng xây dựng chung một chuỗi cung ứng, nhưng tất nhiên cần phải nâng cao đào tạo lao động. Nếu chỉ một vài quốc gia trong ASEAN thì không thể đủ sức tiếp nhận sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc”, kinh tế gia Dapice nhận định.