Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020: Dễ hơn đề chính thức 2019
Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020: Dễ hơn đề chính thức 2019
Đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được đánh giá là dễ hơn đề minh hoạ do Bộ GD-ĐT công bố tháng trước và đề thi chính thức năm 2019.
Chiều 7-5, Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đề thi này dựa trên chương trình tinh giản mà bộ đã công bố trước đó và chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, được đánh giá dễ hơn đề minh họa do Bộ GD-ĐT công bố vào tháng 4-2020 và đề thi chính thức năm 2019.
Với môn văn, thầy Nguyễn Tấn Huy – tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Khiết (tỉnh Quảng Ngãi), ủy viên hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông mới – đánh giá: “Đọc đề minh họa, thí sinh có thể thở phào nhẹ nhõm, đỡ bối rối hoang mang như mấy tuần trước đây.
Đề ở mức độ vừa phải; các yêu cầu đọc – hiểu và làm văn đã được giảm độ khó; cấu trúc không thay đổi so với đề thi quốc gia các năm trước mà các em đã được ôn luyện, làm quen; các đơn vị kiến thức và kỹ năng nằm ở phần trọng tâm chương trình, không vượt ra ngoài nội dung được điều chỉnh theo hướng tinh giản mà Bộ GD-ĐT đã công bố.
Nhìn chung, nếu đề thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 bám sát mô hình đề minh họa, học trò sẽ rất thuận lợi về tâm thế cũng như kiến thức, kỹ năng đã được ôn luyện. Đồng thời đề cũng có độ phân hóa, nên các trường đại học hoàn toàn có thể tuyển sinh dựa vào kết quả làm bài của thí sinh”.
Thầy Phan Ánh Quang – giáo viên địa lý Trường THPT Trần Quốc Tuấn, TP Quảng Ngãi – cho rằng đề thi tham khảo môn địa nhìn chung dễ hơn 1 bậc so với đề minh họa trước đó và đề thi chính thức năm 2019.
“Các câu hỏi vận dụng chiếm khoảng 25%, năm ngoái khoảng 30%. Các câu hỏi vận dụng, nhận biết, thông hiểu tập trung chủ yếu học kỳ 2, nằm trong chương trình bộ đã tinh giảm vì nghỉ dịch COVID-19; còn câu hỏi vận dụng cao, câu khó nhất nằm ở học kỳ 1 lớp 12 nhưng chỉ vài câu. Tóm lại, đề tham khảo địa lý dễ hơn đề minh họa, bám sát mục tiêu xét tốt nghiệp, các trường đại học có thể dựa vào kết quả này để xét tuyển”.
Còn thầy Nguyễn Tấn Sang – giáo viên tiếng Anh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM – nhận xét: “Đề thi tham khảo môn tiếng Anh mới của bộ có chút thay đổi nhỏ ở phần phân bố số lượng câu hỏi cho kỹ năng đọc hiểu (Reading). Cụ thể là giảm 1 câu ở bài đọc hiểu phân hóa và tăng 1 câu ở phần trắc nghiệm từ vựng – ngữ pháp.
Mức độ phân hóa của đề thi cũng giảm đi đáng kể để phù hợp hơn với mục đích xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, các em học sinh vẫn cần phải xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp, cụ thể vì nội dung đề thi khá dàn trải. Nhìn chung, các em có thể đạt được kết quả trung bình khá nếu chịu khó phân tích kỹ đề thi tham khảo để có định hướng ôn tập đúng đắn và hiệu quả”.
Với môn hóa, thầy Trần Thế Sang (Trường THPT Gia Định, TP.HCM) cho rằng: “Đề thi hóa tham khảo giống đề thi năm ngoái. Nội dung giảm tải cho học sinh trong học kỳ 2 lớp 12 không xuất hiện trong đề. Số lượng câu khó giảm, nhưng mức độ trong các câu khó thì không giảm. Vì thế độ phân hóa trong đề rất rõ. Các em khá, giỏi, bám chắc kiến thức sẽ có phổ điểm khoảng 8,5 điểm”.
Trong khi đó, em Nguyễn Thanh Ngân, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TP.HCM) theo khối B (toán, hóa, sinh), nhận xét môn toán, lý: “Mấy tuần nay em rất lo, nhưng so đề tham khảo thì cả đề toán, lý không nặng, không khó, chương trình giảm tải không ra trong đề. Nhưng có những câu có móc xích, bắc cầu với phần giảm tải về kiến thức lý thuyết nên đọc đề tham khảo để rút ra mình không chủ quan”.