23/12/2024

Được tuyển thẳng nhưng vẫn… thủ khoa

Cô gái mồ côi từng phải bao phen chuyển trường học, chỗ ở vì gia cảnh đặc biệt nhưng vẫn học giỏi, được tuyển thẳng vào ĐH. Và thật bất ngờ khi em vẫn quyết chí đi thi, giành ngôi vị thủ khoa để có… học bổng.

 

Được tuyển thẳng nhưng vẫn… thủ khoa

Cô gái mồ côi từng phải bao phen chuyển trường học, chỗ ở vì gia cảnh đặc biệt nhưng vẫn học giỏi, được tuyển thẳng vào ĐH. Và thật bất ngờ khi em vẫn quyết chí đi thi, giành ngôi vị thủ khoa để có… học bổng.
 
 
 
 
Dù được tuyển thẳng vào ĐH nhưng Hằng vẫn đi thi và đỗ thủ khoa /// Đình Toàn

Dù được tuyển thẳng vào ĐH nhưng Hằng vẫn đi thi và đỗ thủ khoa   ĐÌNH TOÀN

 
Bỏ qua “quyền ưu tiên”
Trước mặt tôi là Huỳnh Thị Diễm Hằng (18 tuổi) mảnh khảnh, có đôi mắt rất sáng và nụ cười luôn nở trên môi. Hằng đỗ thủ khoa ngành sư phạm địa lý ĐH Huế năm nay với 26,5 điểm (văn 8, lịch sử 9,75, địa lý 8,75). Nhưng ít ai biết Hằng đã đến với danh hiệu thủ khoa kỳ diệu như thế nào.
 
“Hằng là thí sinh được tuyển thẳng vào ĐH, nhưng em không dự tuyển theo diện tuyển thẳng mà vẫn đi thi như bao thí sinh khác và đỗ thủ khoa. Hằng có hoàn cảnh rất đặc biệt nên nhà trường và cá nhân tôi sẽ tìm kiếm các nguồn để hỗ trợ em ấy học tập tốt nhất”, thầy Trương Thế Quy, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Huế, nói.
 
Việc bỏ qua “quyền ưu tiên” và quyết định đi thi, dùng điểm thi của mình để bước vào ngưỡng cửa ĐH sẽ đặt Hằng vào một sự mạo hiểm nhất định. Không ít bạn bè của Hằng cũng lấy làm lạ.
 
Được tuyển thẳng nhưng vẫn... thủ khoa 1
Một số thành tích học tập của Hằng

 
“Hằng có lý do chính đáng của mình. Mãi gần đây mình mới hiểu và càng thương bạn, nể bạn hơn…”, Quỳnh – bạn thân của Hằng, tâm sự. Lúc đó, Hằng bất chợt rơi nước mắt khi câu hỏi của tôi vô tình chạm đến những ký ức mà cô gái xứ Quảng từng trải qua suốt tuổi thơ cơ cực…
 
 
Đỗ thủ khoa để… có học bổng
“Chỉ đạt danh hiệu thủ khoa mới giúp mình có học bổng và tạo động lực để phấn đấu trong 4 năm học ĐH. Kết quả tốt nhất sau khi tốt nghiệp ĐH sẽ giúp mình có nhiều cơ hội trở về trường cũ để dạy học. Đó là lý do mình không muốn vào ĐH bằng suất tuyển thẳng”, Hằng giải thích.

 

Tuổi thơ cơ cực

Hằng là con út trong gia đình nhà nông có 5 anh chị em ở Quảng Nam. Từ lớp 1 đến nay, Hằng đã phải chuyển nơi ăn ở, sinh hoạt, trường lớp… liên tục. Ban đầu, em sống với ba mẹ ở quê nội Bình Tú (H.Thăng Bình). Năm lớp 5 em được gửi lên nhà một người bà con ở TT.Đông Phú, H.Quế Sơn do hoàn cảnh khốn khó, 4 anh chị còn lại thì theo ba mẹ vào Vũng Tàu. Lên lớp 6, ba mẹ quay về Phú Ninh (Quảng Nam) làm ăn, Hằng cũng được đoàn tụ gia đình. Nhưng chính năm ấy, ba phát bệnh tim, chị em Hằng mồ côi từ đấy.
 
Được một người thân giúp đỡ, mẹ Hằng về quê ngoại ở xã Tam Nghĩa, H.Núi Thành (Quảng Nam) mua rẻ một mảnh đất, dựng căn nhà nhỏ để 2 mẹ con trú ngụ (4 anh chị em khác còn ở miền Nam). Trong quãng thời gian dịch chuyển này, Hằng được gửi vào một ngôi chùa ở Phú Ninh, “nương nhờ” những bữa cơm chay để tiếp tục cắp sách đến trường. Năm ấy em lên lớp 7 và cũng là năm duy nhất “rớt” xuống học sinh khá.
 

Sau đó, mẹ con đùm bọc nhau thêm 2 – 3 năm nữa trước khi Hằng thi đỗ vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, lại phải chuyển ra TP.Tam Kỳ thuê trọ học… Biết bao gập ghềnh, khốn khó xảy đến trong quãng đời học sinh của cô gái mồ côi, vậy mà em vẫn học giỏi 11 năm, đạt nhiều thành tích cao từ các cuộc thi học sinh giỏi từ cấp huyện đến cấp quốc gia, kể cả “bộ sưu tập” bằng khen của trường, địa phương và của Bộ trưởng GD-ĐT…

 
Năm lớp 12, ngay sau khi Hằng đoạt giải nhì quốc gia môn địa lý, biết nguyện vọng của con, bà Dương Thị Cúc (56 tuổi) đã sớm ra Huế tìm kế sinh nhai, chuẩn bị cho con bước vào ĐH. Tại đây, bà Cúc nương nhờ trong ngôi nhà nhỏ của người quen ở kiệt 134, đường Bà Triệu, P.Phú Hội. Bà mượn một góc nhà đặt tủ bán nước ngọt, thuốc lá và một số món tạp hoá lặt vặt khác. Vài hôm trước, Hằng ra nhập học, mẹ con “đoàn tụ” trong nước mắt.
 
“Trong số các con, chỉ có chị kế của Hằng học ĐH, vừa ra trường và đang xin việc. Ba đứa kia thì làm công nhân trong nam. Tôi mắc bệnh tiểu đường, tháng nào cũng lên bệnh viện khám, mua thuốc. Ở đây, tôi sẽ theo con suốt 4 năm học và có điều kiện chữa trị bệnh”, bà Cúc tâm sự.
 
 
ĐÌNH TOÀN