26/12/2024

Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH: nhiều câu hỏi gửi Bộ GD-ĐT

Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH: nhiều câu hỏi gửi Bộ GD-ĐT

Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã để lại cho thí sinh, giáo viên những câu hỏi mong được Bộ GD-ĐT giải đáp.

 

Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH: nhiều câu hỏi gửi Bộ GD-ĐT - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Năm nay, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến học hành, thi cử của học sinh – Ảnh: NHƯ HÙNG

Nguyễn Thị Như Ngọc (học sinh lớp 12 Trường THPT Trung An, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ):

Không nằm trong dự tính

Tôi rất lo lắng vì kỳ thi THPT năm nay có nhiều thay đổi, không còn nằm trong dự tính của tôi từ năm học lớp 11. Nếu như mọi năm thi tổ hợp môn nào xét điểm từng môn đó thì năm nay chỉ lấy đầu điểm duy nhất. Điều này sẽ có nhiều bất lợi cho tôi. Chẳng hạn, tôi chọn khối A (toán, lý, hóa) sẽ phải thi thêm môn sinh ở tổ hợp khoa học tự nhiên. Nếu điểm môn sinh nhỏ sẽ kéo theo các môn kia.

Ngoài ra, năm nay các trường ĐH sẽ tự chủ tuyển sinh, tôi cảm thấy rất khó khăn vì một số trường thi tuyển hoặc thi đánh giá năng lực. Vậy tôi phải tham gia thêm một trong hai kỳ thi đó, có khi tính cạnh tranh cao. Nếu chỉ thi THPT quốc gia như mọi năm, tôi chỉ dồn sức một lần và có nhiều cơ hội.

Tôi muốn hỏi Bộ GD-ĐT: Kỳ thi xét tốt nghiệp và ĐH cùng lúc tốt hơn cho thí sinh hay không khi học sinh đã chuẩn bị từ rất lâu, dù có nghỉ chống dịch dài thì tâm thế cũng đã có sẵn? Còn nếu theo phương án xét tốt nghiệp có nên chỉ xét một đầu điểm bài thi tổ hợp?

Nguyễn Phương Khanh (học sinh lớp 12B1 Trường THPT Gia Định, TP.HCM):

Tình thế bất ngờ

Tôi học khối B, lâu nay định hướng theo nhóm ngành về sức khỏe. Thi tốt nghiệp THPT năm nay cả sáu môn, có cả môn lý, tôi rơi vào một tình thế rất bất ngờ vì lâu nay học môn lý đủ điểm duy trì học sinh giỏi, chứ không định hướng môn này theo kiểu… ngựa chạy đường dài.

Bây giờ muốn hay không tôi cũng phải tập trung lại môn lý, thời gian dành cho hai môn sinh và hóa không còn trội nữa. Tôi lo nhất bây giờ là nhóm ngành sức khỏe chưa có thông báo, không biết sẽ thi tự luận hay trắc nghiệm, thời gian thi bao lâu, thi chung hay thi riêng với những trường nào. Tóm lại, sự hiểu biết về kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay của tôi là con số 0.

Tôi xin hỏi Bộ GD-ĐT: Nếu thi tốt nghiệp THPT tính một đầu điểm (bài thi tổ hợp – PV) liệu có công bằng cho học sinh, đặc biệt các bạn khối A1 (toán, lý, Anh) và D07 (toán, hóa, Anh)? Tôi thấy có một số trường lấy điểm các môn thi một đầu, sau đó nhân hệ số để tuyển sinh, rõ ràng là không công bằng. Vậy Bộ GD-ĐT có cách tính điểm hay ràng buộc, một quy định cụ thể nào để phân biệt chất lượng?

Nguyễn Hồng Ngân (lớp 12A8 Trường THPT Lý Tự Trọng, TP Nha Trang, Khánh Hòa):

Mong được biết thời gian nộp hồ sơ của ĐH

Trước nay tôi học theo ba môn chính của khối thi, bây giờ ba môn lý – hóa – sinh thành một cụm (bài thi khoa học tự nhiên – PV). Do đó, khối A1 phải học thêm cả hóa và sinh. Học thêm các môn ngoài khối như vậy gấp quá. Tôi sợ thời gian còn lại không đủ để phân bổ đều cho các môn. Ngoài ra, tôi mong các chuyên gia cho biết về thời gian nộp hồ sơ của các trường ĐH trong thời gian tới.

Thầy Nguyễn Đình Hòa (giáo viên Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng):

Có làm gia tăng áp lực?

Bản chất của thi tốt nghiệp THPT 2020 và thi THPT quốc gia năm 2019 không khác nhau là mấy. Nhiều trường ĐH vẫn lấy kết quả thi năm nay xét tuyển sinh. Vậy có cần thiết phải đổi tên là kỳ thi tốt nghiệp THPT? Ngoài ra, việc rút gọn thời gian thi xuống (sẽ có một buổi thi hai môn) liệu có làm gia tăng áp lực cho học sinh, tăng độ khó của kỳ thi? Học sinh tập trung cao độ thi xong môn đầu đã đủ mệt, nhất là môn đó lấy điểm xét ĐH.

Thầy Hồ Quang Đạo (giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, Krông Bông, Đắk Lắk):

Băn khoăn về phương án xét tuyển năm học này

Tôi đang băn khoăn các trường ĐH lấy điểm tuyển sinh theo cách tính điểm như thế nào? Họ lấy điểm ra sao theo đúng chuyên môn ngành tuyển dụng của họ? Ngoài ra, vì không xuất điểm từng môn, các bạn thí sinh tự do ví dụ học tổ hợp khối A (toán, lý, hóa) vì nghĩ học môn sinh làm gì.

Vậy những bạn thí sinh tự do này sẽ phải tham gia thi bao nhiêu môn, điểm các em này sẽ tính như thế nào? Tôi cũng muốn hỏi rằng tại sao bộ không giữ lại như năm ngoái vừa xuất điểm chung, vừa xuất điểm thành phần để thực hiện cho đơn giản?

Thầy Bạch Trọng Nhân (giáo viên Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Tôi có hai câu hỏi

Tôi có hai câu hỏi mong được phúc đáp: Thứ nhất, việc thay đổi đột ngột phương án thi tốt nghiệp, phương án tuyển sinh trong lúc cả xã hội đang hoang mang vì dịch bệnh liệu có phù hợp? Hay giữ nguyên như vậy để năm sau thay đổi? Thứ hai, đề thi ở các môn tổ hợp thì cách ra sẽ như thế nào, cụ thể là việc phân chia các phân môn, sự phân hóa mức độ khó dễ ra làm sao? Tôi sợ rằng đề lý quá khó, đề sinh trung bình, đề hóa lại quá dễ khiến học sinh phân bổ thời gian làm bài không hợp lý, ảnh hưởng chất lượng bài thi.

Cô Phạm Phương Mai (giáo viên Trường THPT Quang Bình, Hà Giang):

Học sinh vùng cao nhiều khó khăn

co mai - ha giang (read-only)

Học sinh vùng cao bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là thời gian các em phải học trực tuyến. Vì điều kiện ở miền núi, sóng điện thoại chập chờn, mà gia đình các em cũng rất nghèo, vài ngày lại bỏ tiền mua thẻ điện thoại để kết nối 4G rất khó khăn. Vì thế chúng tôi lo lắng về kết quả lĩnh hội kiến thức của học sinh.

Kỳ thi năm nay theo chương trình “giảm tải”, số câu hỏi cũng ít hơn. Tôi thấy như vậy sẽ giúp các em có học lực trung bình, ít thời gian ôn tập có thể làm bài tốt hơn, nhưng còn các em có học lực khá, giỏi thì sao? Số câu hỏi ít như vậy có đảm bảo phân loại được học lực của học sinh hay không? Kỳ thi này là “gộp” hay “tách” giữa hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng? Giáo viên chúng tôi mong có thông tin chính thức vì chưa hiểu lắm về cơ chế tuyển sinh riêng của một số trường chuyên nghiệp.

Sáng 27-4, Bộ GD-ĐT giải đáp về thi và tuyển sinh đại học

Bộ GD-ĐT sẽ giải đáp thắc mắc của thí sinh, giáo viên, phụ huynh về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2020 trong chương trình giao lưu trực tuyến do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại địa chỉ tuoitre.vn lúc 9h ngày 27-4.

untitled-4

Các khách mời từ Bộ GD-ĐT gồm: PGS.TS Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng; PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học và PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (ảnh từ trái qua). Khách mời từ Bộ GD-ĐT sẽ giải đáp trực tiếp những thắc mắc xung quanh việc ôn tập của học sinh lớp 12, những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2020.

Mời bạn đọc truy cập tuoitre.vn để đặt câu hỏi. Đến nay đã có hơn 100 câu hỏi gửi đến chương trình.

TUỔI TRẺ

T.TRANG – T.THƯƠNG – T.TÂN – Đ.CƯỜNG – Đ.CƯƠNG – V.TUẤN GHI
TTO