24/11/2024

‘Dịch’ lừa đảo bán hàng online bùng phát trong mùa dịch COVID-19

‘Dịch’ lừa đảo bán hàng online bùng phát trong mùa dịch COVID-19

“Các công ty đều cam kết nhận lại hàng nếu tôi không bán được. Nhưng sau khi tôi nhận hàng và chuyển tiền, các trang Facebook đều bị chặn, còn các số điện thoại liên lạc của những người từng liên hệ với tôi đều ò í e…” – chị Thy kể.

 

Dịch lừa đảo bán hàng online bùng phát trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tham gia bán hàng online cho các trang mỹ phẩm trên mạng xã hội dưới hình thức tuyển cộng tác viên đăng bài quảng cáo, nhiều người chẳng những không “cải thiện thu nhập” trong mùa dịch như kỳ vọng mà còn bị sập bẫy bởi các đơn hàng ảo, mất tiền.

Không phải bỏ vốn đầu tư, hoa hồng cao và có thể trả lại sản phẩm nếu không bán được… là chính sách mà các trang mạng bán hàng đã dùng để lừa tuyển cộng tác viên (CTV) bán hàng online rồi chiếm đoạt tài sản. Hàng loạt vụ lừa đảo bán hàng online nở rộ trong mùa dịch Covid-19 khiến nhiều người dở khóc dở mếu.

Nguyên tắc là không bao giờ khai báo thông tin hay cung cấp các thông tin riêng tư cho người mình chưa quen biết, nếu mua bán hàng hóa cần yêu cầu xem hàng lúc nhận. Sự phát triển nhanh của thương mại điện tử cũng đi kèm với những rủi ro cho người dùng nếu chưa được trang bị kiến thức hay còn hạn chế thông tin.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng (phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN)

Chiêu lừa “mỡ nó tự rán nó”

Tình cờ đọc quảng cáo trên Facebook thấy tài khoản Mỹ phẩm cao cấp Hàn Quốc tuyển CTV bán hàng online với thu nhập cao, chị Nguyệt (Bắc Giang) chủ động liên hệ và được tư vấn mỗi ngày đăng một bài quảng cáo bán hàng sẽ được trả từ 80.000-100.000 đồng/lần.

Nếu có khách hàng đặt và muốn bán hàng, chị Nguyệt có thể lấy hàng từ Công ty JUJA 63 (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM) với giá sỉ là hơn 320.000 đồng/hộp mặt nạ dưỡng da Hàn Quốc và bán cho khách giá hơn 560.000 đồng/hộp, số tiền chênh lệch là hoa hồng chị Nguyệt nhận được.

Tuy tư vấn qua mạng nhưng điểm làm chị tin tưởng là người tư vấn đưa ra các hồ sơ chất lượng sản phẩm, bảng chính sách đổi trả rất rõ ràng lại không phải bỏ vốn trước, CTV được quyền đổi trả sản phẩm trong vòng 30 ngày nếu mua hàng online từ công ty và nhận lại 100% số tiền đã thanh toán…

Sau khi trở thành CTV và đăng lời rao bán hàng đầu tiên, chỉ một ngày sau có đơn mua hàng từ một khách hàng thông qua mạng xã hội, chị Nguyệt mừng rỡ báo với “công ty” và đặt mua hàng qua bưu điện theo hình thức nhận hàng trả tiền.

Với đơn hàng đầu tiên, chị Nguyệt không có nhà nên công ty báo lại là đã chuyển giúp hàng cho khách, chị phải chịu phí 200.000 đồng, chuyển khoản về công ty. Một ngày sau, chị tiếp tục nhận được đơn hàng thứ hai với giá trị mua gần 10 triệu đồng.

Trong những ngày đợi công ty chuyển hàng, người mua liên tục gọi điện hỏi và nhắc nhở địa chỉ giao hàng. Tuy nhiên, sau khi trả tiền, nhận được hàng và chuyển cho khách qua đường bưu điện, hàng đã bị trả về với lý do “không liên lạc được” với khách. Liên hệ với “công ty” để trả hàng, chị Nguyệt mới phát hiện mình bị lừa vì người bán hàng cũng lặn mất tăm.

“Khách và công ty đều chặn hết Facebook và số điện thoại trên Zalo, còn gói hàng đang bị lưu ở bưu điện, gói còn lại thì không trả lại được. Tôi dò Facebook những người mua hàng mới biết có nhiều người trong danh sách đó bị lừa trước và cảnh báo tôi, nhưng đã muộn” – chị Nguyệt kể.

Nhiều người cho biết cũng bị lừa đảo và mất tiền với cách thức tương tự. Ban đầu là tuyển CTV đăng bài, sau đó bán hàng online các sản phẩm gắn mác Hàn Quốc, Nhật Bản… cho các trang Facebook này. Những trang này sau đó đã gài bẫy bằng cách giả làm người mua sản phẩm của CTV rồi “xù” đơn hàng khiến nạn nhân phải mất cả tiền triệu.

“Trong những ngày dịch bệnh, bọn chúng lợi dụng tâm lý mong muốn có việc làm, thêm thu nhập của chúng tôi để lừa đảo” – chị Đan Hạ, một nạn nhân, phản ảnh.

Theo chị Thy – một nạn nhân khác của trang bán hàng nước hoa nhập khẩu online, sau khi bị lừa 20 triệu đồng tiền hàng chị đã tìm hiểu và phát hiện nhiều trang tuyển CTV bán hàng online khác cũng lừa đảo với hình thức tương tự.

“Các công ty đều cam kết nhận lại hàng nếu tôi không bán được. Nhưng sau khi tôi nhận hàng và chuyển tiền, các trang Facebook đều bị chặn, còn các số điện thoại liên lạc của những người từng liên hệ với tôi đều ò í e…” – chị Thy kể.

Dịch lừa đảo bán hàng online bùng phát trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Ảnh bạn đọc tố giác các trang lừa đảo

Sập bẫy hoa hồng cao

Dù các cảnh báo lừa đảo tuyển CTV được đưa ra liên tục thời gian qua nhưng số nạn nhân rơi vào bẫy những trường hợp trên vẫn tăng do cách thức biến đổi của những “công ty” này và sự nhẹ dạ của nhiều người. Không chỉ thay đổi hình ảnh nhận diện trang, các “công ty” còn tung ra những sản phẩm thương hiệu khác nhau nhưng đều cùng một món hàng mà phổ biến là mặt nạ dưỡng da, thực phẩm chức năng, nước hoa… dán mác Hàn Quốc, Nhật Bản… để dụ tuyển CTV bán hàng online.

Không chỉ bị lừa “xù” đơn hàng, nhiều người còn bị cuốn vào vòng xoáy hoa hồng. Chị Phương (TP.HCM) cho biết đã từng làm CTV bán hàng online cho một hãng thực phẩm chức năng trên mạng xã hội với cam kết doanh thu càng cao, hoa hồng càng nhiều. Một thời gian ngắn, chị Phương dễ dàng bán hàng, doanh số cao nên nhanh chóng được nâng lên làm đại lý, hoa hồng cũng tăng lên đến gần 40%.

Được đà xông lên, trang tư vấn chị phải mạnh tay “đầu tư” ôm hàng để được hưởng 50% hoa hồng, khiến chị vay nóng của bạn bè lên cả mấy trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi ôm nhiều lô hàng trị giá hàng trăm triệu chưa được bao lâu, số người mua hàng cứ rớt dần, hàng không trả được vì chị đã lên cấp đại lý. Từ chỗ mong muốn tăng thêm thu nhập cho gia đình, chị trở thành gánh nợ với mặc cảm lớn.

Trên các mạng xã hội dễ dàng tìm ra nhiều nhóm đăng tuyển CTV bán hàng mỹ phẩm online với số thành viên lên đến vài chục ngàn mỗi nhóm. Nhìn bên ngoài, các nhóm này hoạt động rất đáng “tin cậy” và sôi động. Bất cứ status nào cũng được phản hồi, luôn có người sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau đăng chốt đơn hàng, khiến cho những “lính mới” dễ dàng đánh mất sự cảnh giác. Tuy nhiên, những khách hàng giả đặt hàng xong rồi “bom hàng” khiến nạn nhân mất tiền, ôm cả đống hàng kém chất lượng.

Dịch lừa đảo bán hàng online bùng phát trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Đồ họa: NHƯ KHANH

Không gian ảo, mất tiền thật

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), các hình thức lừa đảo tuyển CTV rồi “bom hàng”, hay dụ CTV đặt lượng hàng giá lớn sau đó “xù” luôn… đang được tổ chức rất bài bản với một lực lượng chân rết đông đảo trên mạng xã hội, Zalo, Viber… Muốn trở thành CTV, nạn nhân phải đăng ký Facebook, điện thoại, do đó “lực lượng” này dễ dàng kiểm soát, chúng thường họp nhau ở những quán cà phê rồi cùng tạo những đơn hàng, bình luận ảo trên Facebook nạn nhân, sau đó lừa tiền hàng.

Theo ông Mạch, đây không phải là kinh doanh đa cấp nhưng những “công ty” này đang sao chép cách thức hoạt động của mô hình đa cấp để đi lừa đảo người khác. “Trong kinh doanh đa cấp, người bán hàng được cho phép tuyển dụng, bảo trợ người khác vào hệ thống bán hàng của mình. Những “công ty” online này cũng đang sao chép cách thức này để gầy dựng mạng lưới và lừa đảo người khác, theo sự điều khiển của thủ lĩnh cấp trên. Các công ty này đều ảo, không hề có văn phòng” – ông Mạch nói.

Cũng theo vị luật sư này, các giao dịch như vậy đều không được cam kết hay đảm bảo bằng quy định pháp luật vì những hoạt động này dựa trên không gian ảo nên 100% giao dịch mang tính rủi ro cao về cả pháp lý lẫn chất lượng sản phẩm giao dịch. Các cuộc trao đổi giữa nạn nhân với các “công ty” này đều thông qua Messenger được cài chức năng trả lời tự động.

Khi nạn nhân đồng ý nhận việc sẽ có một người gọi điện thoại đến xưng là đại diện “công ty” và trao đổi qua điện thoại. Do đó, rất khó chứng minh các “công ty” này đã lừa đảo nạn nhân. “Những giao dịch như vậy không hình thành một quan hệ pháp lý nào nên trong lúc này, những nạn nhân có thể nhờ thanh tra Bộ TT&TT vào cuộc, điều tra làm rõ” – ông Mạch gợi ý.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN, cũng khuyến cáo không bao giờ có hàng rẻ giá tốt hay dễ kiếm tiền trên mạng online. Các giao dịch trên mạng là những giao dịch không tiếp xúc trực tiếp, không gặp mặt nên nhiều rủi ro cho người tham gia.

“Thời gian qua, các vụ lừa đảo không chỉ diễn ra trong thương mại điện tử mà còn nhiều lĩnh vực khác, do đặc thù trong thời điểm giãn cách xã hội, mọi người chuyển hướng giao dịch qua mạng xã hội, online hay điện thoại nhiều hơn và bắt đầu thiếu cảnh giác. Nhưng người dùng cần lưu ý tất cả các giao dịch liên quan đến tiền bạc trên mạng đều mang những rủi ro cao, đặc biệt với người chưa quen biết” – ông Dũng khuyến cáo.

Nhiều hình thức lừa đảo qua mạng nở rộ

Rất nhiều người, chủ yếu là phụ nữ, có nhu cầu cải thiện thu nhập, đặc biệt trong những ngày phải ở nhà vì dịch COVID-19, phản ảnh câu chuyện nhiều lừa đảo trên mạng. Nhiều người cho biết họ tưởng chừng tìm thấy “cơ hội” làm việc, thêm nguồn thu cho cuộc sống bằng cách làm CTV bán hàng online, hoa hồng cao, bán không hết hàng sẽ được nhận lại nhưng cuối cùng lại rơi vào bẫy “lấy mỡ nó rán nó” khi phải bỏ tiền túi ra mua hàng chính mình bán.

Một số hình thức lừa đảo online rộ lên những ngày này còn có lừa đảo ship giả, nắm thông tin người mua hàng không có nhà, giao hàng dỏm rồi kêu người nhà trả tiền, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

NHƯ BÌNH
TTO