26/12/2024

Đừng đặt nặng thành tích khi con đi học trở lại sau dịch Covid-19

Đừng đặt nặng thành tích khi con đi học trở lại sau dịch Covid-19

Sau thời gian dài nghỉ học vì dịch Covid-19, nhiều cha mẹ đang lo lắng làm sao để có thể bắt nhịp được khi con đi học trở lại, thậm chí còn nghĩ đến việc cho con đi học thêm nhiều hơn để củng cố lại kiến thức.

 

 

Tạo cho con tâm lý thoải mái nhất khi đi học trở lại /// HOA NỮ
Tạo cho con tâm lý thoải mái nhất khi đi học trở lại  HOA NỮ

Tính chuyện cho con học thêm vì sợ “hỏng” kiến thức

Có con đang học lớp 12 Trường THPT Hương Vinh, thị xã Hương Trà, TP. Huế, chị Q.T.T đang rất bối rối khi con chuẩn bị đi học trở lại. Chị T cho biết: “Bình thường chúng tôi đã lo lắng rồi, nay dịch bệnh khiến cháu phải ở nhà gần 3 tháng nay. Tuy là có học trực tuyến, rồi học qua truyền hình nhưng tôi cảm nhận, cháu nhà tôi vẫn chưa chú tâm lắm, nên cảm giác lo lắng, bất an thế nào không nói rõ được. Khi cháu đi học lại, nghe đâu Bộ GD – ĐT cũng bảo là tinh giản chương trình học, mà liệu tinh giản rồi vài bữa cháu có thiếu kiến thức thi tốt nghiệp không?”.

Chị T. còn lo lắng: “Tháng 8 thi tốt nghiệp rồi, tôi sợ nhất là quãng thời gian này trở lại trường các cháu lại mất một thời gian làm quen lại với trường lớp, nhịp học trường học, rồi có khi xui đâu, trong lớp có đứa cảm cúm, cả lớp lại nhốn nháo lo lắng, học hành không yên tâm”.

Khi được hỏi về việc chuẩn bị tâm lý cho con như thế nào để con có thể bắt nhịp tốt lại với việc học, thì chị T. nói: “Nói chung là lo đủ thứ, mà đó cũng là nỗi khổ chung của các bậc cha mẹ hiện nay. Mình cũng chẳng biết sao vì lực học của con cũng không tốt lắm, lại nghỉ học dài ngày, nếu giờ con đi học lại thì chắc gia đình mình cũng đang tính ngoài cho đi học thêm thì thuê gia sư về nhà kèm thêm cho con, chứ sợ nó hỏng kiến thức thì kỳ thi cuối cấp sắp tới sẽ rất căng”.

Đừng đặt nặng thành tích khi con đi học trở lại sau dịch Covid-19 - ảnh 1

Đừng đặt nặng áp lực thành tích cho con trong giai đoạn này (ảnh minh họa)  HOA NỮ

Mấy ngày trước,  vô tình đứng gần cổng Ga Sài Gòn,  người viết nghe 2 phụ huynh trò chuyện với nhau. Một chị nói: “Tụi nhỏ ở nhà tôi thấy học trực tuyến cho có chứ làm sao bằng đi học trên trường được. Học trực tuyến như để cho nó khỏi quên kiến thức, khỏi quên việc học chứ chẳng học được bao nhiêu”. Chị còn lại đáp: “Giờ mà đi học là tụi nhỏ vắt chân lên cổ chạy luôn, tôi tính hết dịch thì cho nó đi học thêm, chứ sợ lên trường nắm không kịp kiến thức thì con mình lại áp lực nữa”.

Có con đang học lớp 1, chị Nguyễn Kiều Nhật Linh (chung cư Bắc Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM) lại lo sợ con đi học trở lại sẽ không quen khẩu phần ăn trên trường vì lâu nay ở nhà mẹ nấu ăn theo đúng sở thích của con.

“Nghỉ lâu quá rồi, giờ thằng nhóc của mình quên luôn hết bạn bè rồi. Lâu nay ảnh ở nhà quen nhịp sống ở nhà, giờ đi học lại thời gian đầu chắc vợ chồng mình cũng trầm trầy trầm trật với thằng nhóc lắm đây, vì nó nhõng nhẽo lắm. Mà sợ nhất là lên trường khác khẩu vị lại biếng ăn, mà biếng ăn giai đoạn này là ảnh hưởng đến sức khỏe, sức đề kháng rồi dễ bệnh nữa, nên cũng đang tập tâm lý cho con dần dần”, chị Linh nói.

Giai đoạn này con dễ sang chấn tâm lý

Bàn về câu chuyện này, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Hệ thống Cambridge Khai Minh, cho biết mỗi phụ huynh nên bắt đầu chuẩn từ tuần này để là bước đệm cho con quay lại với nhịp sống đến trường như trước đây. Ông Dũng cho rằng mấy tháng nay con em chúng ta đã tự do thoải mái trong giờ giấc sinh hoạt, chính vì thế, bắt đầu trong tuần này phải thiết lập lại giờ giấc ngủ nghỉ, sinh hoạt cho con, cũng như là tập lại các thói quen để con bắt đầu lại nếp thường nhật.

Điều đặc biệt, ông Dũng nhấn mạnh khi con đi học trở lại, cần cố gắng giảm tối đa những áp lực học tập cho con: “Chương trình của Bộ cũng sẽ giảm tải cho con em chúng ta nhưng bản thân cha mẹ cũng phải giải tỏa tâm lý cho các con, không gây áp lực là con cần phải đạt thành tích gì, học lực như thế nào trong kỳ này. Hãy bỏ qua những điều đó, để cho con em chúng ta nối nhịp lại một cách nhẹ nhàng bằng cách không chú trọng nhiều đến chuyện thành tích và điểm số”.

Đừng đặt nặng thành tích khi con đi học trở lại sau dịch Covid-19 - ảnh 2

Học sinh cuối cấp đang rất lo lắng cho kỳ thi sắp tới (ảnh minh họa)  HOA NỮ

Ông Dũng phân tích có những em lực học giỏi trước đó, đứng vào “top” trong lớp, trong trường nhưng do đợt dịch này, các em không được đến trường, có những em được học trực tuyến nhưng cũng có nhiều em không được học vì điều kiện hay nhiều lý do khác….Rồi  nghỉ một thời gian dài nên nếp học tập bị phá vỡ đi, không được duy trì như cũ thì sẽ có những sa sút trong việc học khiến các em dễ bị căng thẳng, áp lực và lo lắng nếu ta còn đặt nặng chuyện thứ hạng và thành tích của con.

Theo ông Dũng thì mỗi phụ huynh nên hiểu và chia sẻ với con mình để tất cả chúng ta cùng vượt qua những tác động của dịch bệnh. Để con thoải mái bắt đầu lại việc học một cách bình thường chứ không phải là gánh nặng tâm lý.

“Đặc biệt là con ở giai đoạn học mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1, lớp 9 lên lớp 10 và học sinh lớp 12, đây là 3 đối tượng mà nếu phụ huynh không có cách đồng hành đúng ở giai đoạn này, nếu cứ lấy mục tiêu và kết quả như mọi năm để mong muốn con cũng đạt được thì các em rất dễ bị rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý. Phụ huynh phải đặt con vào tình hình thực tế chung của cả xã hội, phải thật bình tĩnh và kiên nhẫn cùng con thích ứng với giai đoạn này, chứ không nên đốt cháy giai đoạn hoặc hối thúc con”, ông Dũng gửi gắm.

Bên cạnh đó, để việc đi học trở lại đảm bảo được an toàn cho học sinh,  ông Dũng khuyên phụ huynh nên chuẩn bị đầy đủ cho con như chuẩn bị nước rửa tay, khẩu trang, giữ gìn vệ sinh, cũng như các kỹ năng trong việc giao tiếp với bạn bè để đảm bảo an toàn.

“Trong giai đoạn này, chúng ta cần thúc đẩy kỹ năng kiểm soát cộng đồng cho con em khi đi học trở lại. Để bất cứ khi nào con em chúng ta thấy bạn mình, những người xung quanh hay thậm chí là bản thân có những biểu hiện gì liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp thì cần báo ngay cho thầy cô, phụ huynh biết. Bên cạnh đó là chú trọng hơn đến việc bổ sung dinh dưỡng cho con, vì trong giai đoạn đầu quay trở lại trường, con em chúng ta sẽ chưa quen được với khẩu vị bữa ăn ở trường nên dễ dẫn đến việc lười hoặc ăn rất ít”, ông Dũng khuyên.

HOA NỮ

TNO