Triệu phú quýt đường
Anh Nguyễn Hoài Thanh (32 tuổi, ngụ ấp Trường Khương, xã Trường Xuân, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) là người đầu tiên trồng quýt đường thành công với quy mô lớn ở địa phương.
Triệu phú quýt đường
Anh Nguyễn Hoài Thanh (32 tuổi, ngụ ấp Trường Khương, xã Trường Xuân, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) là người đầu tiên trồng quýt đường thành công với quy mô lớn ở địa phương.Anh Nguyễn Hoài Thanh giới thiệu những trái quýt đường sắp chín THIÊN LỘC
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Thanh đi nghĩa vụ quân sự. Xuất ngũ, anh trở về học ngành công nghệ thông tin được một thời gian thì quay về nhà khởi nghiệp bằng nghề làm ruộng và nuôi dê.
Trường Xuân là xã nông thôn, đa số nông dân chọn cây xoài, mít, ổi, nhãn, cam sành, sầu riêng… để phát triển kinh tế vườn, rất ít người trồng quýt đường vì đây là loại cây có múi rất khó tính. Tuy nhiên, với tinh thần năng động, sáng tạo, cần cù, anh Thanh đã miệt mài nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư trồng quýt đường.
Theo anh Thanh, cây gì “dễ ăn” sẽ dẫn đến hàng nhiều, dội chợ. Còn cây “khó tính” mà trồng thành công thì lợi nhuận càng cao. Từ ý tưởng đó, anh mạnh dạn chuyển đổi 10 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng quýt đường trong lúc địa phương chưa có nhà vườn nào trồng loại cây này. Đến nay, sau 2 mùa thu hoạch, cây quýt đường đã “trả công” cho anh một cách xứng đáng.
Đầu tiên anh trồng 5 công rồi tăng lên 10 công, nay chuẩn bị trồng thêm 5 công. Tháng 12.2017, anh thu hoạch lứa đầu tiên được 40 tấn trái, bán với giá từ 17.000 – 25.000 đồng/kg, thu về 800 triệu đồng. Anh phấn khởi cho biết năm nay sản lượng cao hơn nhiều so với năm rồi, nếu giá cả ổn định, mức thu nhập có thể tăng lên tiền tỉ.
Theo anh Thanh, cây quýt đường rất kén đất, sợ phèn. Ngoài bệnh vàng lá, thúi rễ còn hay rụng trái. Muốn khắc phục tình trạng trên, người trồng phải theo dõi từng giai đoạn phát triển của cây mà xử lý phân, thuốc cho hợp lý. Đặc biệt là nước tưới, khi nào tưới nước ít, khi nào tưới nhiều. Về phân bón, anh sử dụng phần lớn phân hữu cơ có nguồn gốc từ rơm mục và phân chuồng ủ hoai, phân cá ủ lấy nước pha tưới. Theo anh, phân hữu cơ rất thích hợp với cây quýt đường. Chính nguồn đạm hữu cơ giúp cây phát triển tốt, bền vững, lá xanh mướt, trái no tròn và chất lượng thơm ngon. Vườn quýt của anh cho trái rải vụ quanh năm nên trên cây lúc nào cũng có nhiều cỡ trái, hái xong lứa này sẽ tới lứa khác.
Bí quyết thành công của anh là vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Chẳng hạn như trước khi xuống giống phải phơi đất, bón vôi cho hạ phèn. Mùa mưa phải tháo nước bớt không để rễ bị úng. Thay vì phun thuốc trừ sâu bệnh vào ban ngày, anh lại phun vào ban đêm vì đêm côn trùng mới xuất hiện nhiều. Về bón phân, anh cũng chú ý đến thời tiết mưa nắng, bón đầy đủ vào mùa nắng, hạn chế vào mùa mưa.
Bà Lâm Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân, cho biết anh Thanh là thanh niên cần cù, năng nổ, chịu khó đi đó đi đây học hỏi rồi đúc kết thành kinh nghiệm cho riêng mình. Sau 2 năm miệt mài gắn bó với mảnh đất quê nhà, anh đã thành công với mô hình trồng quýt đường trên đất lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ hiệu quả đó, Hội Nông dân đã phối hợp với cán bộ khuyến nông và Phòng NN-PTNT H.Thới Lai tổ chức những buổi chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân để nhân rộng mô hình này tại xã Trường Xuân.
THIÊN LỘC