Thế giới đối mặt cuộc chiến trường kỳ chống Covid-19
Thế giới đối mặt cuộc chiến trường kỳ chống Covid-19
WHO cảnh báo khủng hoảng đại dịch Covid-19 sẽ còn đeo bám trong thời gian dài, trong đó nhiều nước vừa bước vào giai đoạn đầu của dịch bệnh.
Tính đến tối qua 23.4 đã có gần 2,7 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới, với gần 185.000 người thiệt mạng. Nhiều quốc gia hiện ngăn chặn dịch bệnh lây lan bằng cách áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, một số nước thì bắt đầu nới lỏng trong nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế sau khi hàng chục triệu người trên thế giới mất việc làm. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 còn kéo dài.
Lãnh đạo WHO thông báo về những “xu hướng gia tăng đáng quan ngại” của giai đoạn đầu dịch bệnh tại châu Phi, Trung Mỹ và Mỹ Latin. “Đa số quốc gia chỉ mới bước vào dịch và một số nước sớm bị ảnh hưởng đang bắt đầu chứng kiến tình trạng bùng phát trở lại các ca nhiễm”, Reuters dẫn lời ông Ghebreyesus trình bày trong cuộc họp báo tại Geneva hôm 22.4. “Đừng phạm sai lầm, chặng đường phía trước còn dài. Vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) sẽ còn đeo bám dai dẳng trong nhiều ngày tới”, ông nói.
Một quan chức khác của WHO, bác sĩ Mike Ryan phụ trách chương trình y tế cấp cứu, dẫn ví dụ về trường hợp Somalia, quốc gia vừa có số ca nhiễm tăng gần 300% trong tuần trước. Ông cũng cho rằng các nước nên thận trọng trước khi mở cửa lại hoạt động hàng không dân dụng.
Trước sức ép từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, rằng WHO chậm trễ thời gian công bố đại dịch để thiên vị Trung Quốc khiến Covid-19 lan rộng, ông Ghebreyesus vẫn cho rằng “WHO đã làm điều cần làm và thế giới có đủ thời gian để phản ứng trước dịch bệnh”. Đồng thời, ông kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hãy cân nhắc lại quyết định ngưng rót quỹ cho WHO. “Tôi hy vọng Mỹ hiểu rằng đây là khoản đầu tư quan trọng, không chỉ giúp người mà còn vì sự an toàn cho chính bản thân người Mỹ”, Tổng giám đốc WHO nói. Trong lúc WHO đang kêu gọi quyên góp hơn 1 tỉ USD cho cuộc chiến chống dịch Covid-19, Trung Quốc hôm qua cho biết sẽ góp thêm 30 triệu USD cho hoạt động của WHO, Tân Hoa xã đưa tin.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng ủng hộ WHO, gọi tổ chức này là “đối tác không thể thiếu” nếu muốn đánh bại dịch Covid-19, theo Đài Deutsche Welle. Nữ lãnh đạo cũng cảnh báo dịch Covid-19 vẫn chỉ mới bắt đầu ở Đức, và kêu gọi toàn dân hãy duy trì sự kỷ luật để tránh thảm họa chực chờ trong trường hợp mở cửa quá sớm nền kinh tế.
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm qua đề xuất trao cho WHO quyền tương tự như lực lượng thanh sát viên vũ khí của LHQ. Theo đó, WHO được quyền triển khai ngay lập tức các chuyên gia y tế đến nơi xảy ra dịch bệnh để thực hiện các cuộc điều tra độc lập, nếu muốn ngăn chặn nguy cơ xảy ra đại dịch mới trong tương lai.
Khủng hoảng “chưa từng thấy thời hậu chiến”
Tờ The Guardian hôm qua đưa tin Hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo thế giới đang sắp bước vào đợt suy thoái “chưa từng thấy vào thời hậu chiến”. Chuyên gia kinh tế trưởng Brian Coulton của Fitch Ratings dự báo GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 3,9% trong năm 2020, gấp đôi so với đợt suy thoái năm 2009. Mức sụt giảm này tương đương 2.800 tỉ USD thu nhập toàn cầu so với năm 2019. Ông Coulton cho rằng gói hỗ trợ kinh tế của các nước chỉ đủ để đối phó với cú sốc ngắn hạn, trong khi áp lực lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tình trạng thất nghiệp sẽ khiến kinh tế toàn cầu chậm hồi phục. AFP hôm qua dẫn dự báo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) dự báo dịch Covid-19 sẽ khiến số lượng hành khách hàng không giảm 1,2 tỉ lượt tính đến tháng 9, với các khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất lần lượt là châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương. Cùng ngày, Bloomberg dẫn phân tích của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo tình trạng phân hóa giàu nghèo gia tăng giữa các nước sẽ khiến viễn cảnh kinh tế toàn cầu thêm ảm đạm.
Khánh An
THUỴ MIÊN
TNO