Tận dụng giá cao để xuất khẩu gạo
Tận dụng giá cao để xuất khẩu gạo
Phân tích từ tình hình lúa gạo tồn kho, sản lượng sản xuất và nhu cầu thế giới, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam không bao giờ thiếu gạo, nên tận dụng để bán gạo giá cao lúc này.
Thế nhưng việc xuất khẩu gạo có tiếp tục hay không và tiếp tục như thế nào sẽ phải chờ sau 25.4.
Được mùa, được giá
Trong tuần vừa qua, theo Hãng tin Reuters, Ấn Độ – nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – đã nối lại việc xuất khẩu sau 3 tuần tạm gián đoạn vì lo ngại thiếu lương thực mùa dịch.
Theo đó, giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên 375 – 380 USD/tấn (tăng 15 USD/tấn so với đầu tháng 3). Ngay lập tức, giá gạo 5% tấm tại Thái Lan giảm xuống 530 – 538 USD/tấn (trước đó đã lên mức 550 – 580 USD/tấn) nhưng đây vẫn là mức giá cao nhất so với các nước trong khu vực hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh An, chủ vựa lúa tại An Giang, cho biết gần 1 tháng nữa đến mùa thu hoạch lúa. Dự báo năm nay sẽ được mùa, ít sâu bệnh, chắc chắn mỗi công thu hoạch được trên 1 tấn lúa.
Cho nên dù trong mùa dịch bệnh đi lại khó khăn, buôn bán ngưng trệ, nhưng tin được mùa, được giá khiến bà con nói chung vui, phấn khởi. Giá lúa đang được thu mua trên dưới 6.000 đồng/kg tùy loại, trong khi vụ mùa trước chỉ từ 5.000 – 5.500 đồng/kg. Ví dụ với giống lúa 5451 trước đây từ 5.400 – 5.600 đồng/kg, nay lên 6.000 – 6.200 đồng/kg.
“Giá lúa thu mua cao do giá gạo xuất khẩu cao, nên có thể nói đây là cơ hội tốt cho hạt lúa Việt Nam. Tuy nhiên, cũng tiếc là trong khi lúa gần thu hoạch, gạo lại phải chất đầy kho vì tạm ngưng xuất khẩu”, ông Thanh An tỏ ra tiếc rẻ.
Sau khi Việt Nam và Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo, Thái Lan “một mình một chợ” trên thị trường này khiến giá gạo xuất khẩu tăng liên tục. Số liệu thế giới cho thấy, ngày 26.3, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán với giá bình quân 482 USD/tấn, gạo 25% là 450 USD/tấn. Sang hôm sau (27.3), 2 loại này tăng lần lượt là 495 USD/tấn và 463 USD/tấn; đến ngày 31.3, mức giá vọt lên bình quân 520 USD/tấn với gạo 5% tấm trong khi gạo 25% đã ngưng chào giá.
Trong tuần đầu tháng 4, gạo 5% tấm của Thái Lan tiếp tục đà tăng, lên 550 – 580 USD/tấn, là mức cao nhất kể từ tháng 4.2013. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, Việt Nam đã tạm ngưng xuất gạo. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), thông tin giá gạo mua vào so với thời điểm giữa tháng 3 đã tăng 2.000 đồng/kg. Nếu không bị ngưng trong tháng qua, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ thu về khoản lợi nhuận rất tốt.
Không lo thiếu gạo
Báo cáo cuối tháng 3 của Bộ Công thương, lượng gạo đang tồn kho trong nước khá lớn.
Sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn lúa, trong đó vụ đông xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn, sản lượng vùng ĐBSCL ước đạt 10,8 triệu tấn. Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh tác động của hạn mặn không đáng kể nên sản lượng lúa gạo tại ĐBSCL dự kiến tương đương năm 2019.
Trong khi đó, Bộ NN-PTNT dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm nay đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn lúa. Như vậy, lượng lúa còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo. Hiện, theo chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam tạm nối lại xuất khẩu gạo theo hạn ngạch từng tháng trong thời gian dịch Covid-19. Hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 là 400.000 tấn và doanh nghiệp (DN) đăng ký hết hạn ngạch từ ngày 12.4 vừa qua.
PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nói thẳng Việt Nam không bao giờ thiếu gạo – nên cần mở cửa cho xuất khẩu trở lại bình thường. Nếu chỉ xuất số lượng ít như hiện nay khiến dồn ứ thì giá sẽ giảm thấp, người nông dân lẫn DN đều bị thiệt.
“Có thể tăng nhanh tốc độ xuất khẩu gạo để tận dụng cơ hội giá cao. Thậm chí nếu hết tháng 5, có thể xuất được khoảng 5 triệu tấn gạo càng tốt vì thu hoạch vụ đông xuân là vụ chính ở ĐBSCL. Sau đó đến vụ hè thu thì chỉ cho phép xuất khoảng 1,5 triệu tấn gạo nữa là đủ chỉ tiêu xuất trong năm nay. Nhiều DN săn lùng thị trường ngách, tìm mối xuất khẩu các loại gạo khác nhau. Nay được giá cao thì càng cho xuất nhanh để DN có lợi và người nông dân cũng phấn khởi. Từ đó càng khuyến khích nông dân giữ ruộng, sản xuất lúa và đây là điều kiện để đảm bảo an ninh lương thực trong nước”, PGS-TS Dương Văn Chín nhấn mạnh.
Biến thách thức thành cơ hội sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Việt Nam
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, nhận định: Dịch Covid-19 là một cú sốc cho nền kinh tế nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lúa của Việt Nam. Cứ khoảng 3 tháng là có nguồn thu hoạch mới nên không lo thiếu cung. “Trung Quốc thậm chí còn tung tiền ra mua gạo để dự trữ, đảm bảo an ninh lương thực cho chính nước này nhưng cũng có khi mua xong rồi xuất bán cho các nước châu Phi kiếm lời. Hằng năm Việt Nam vẫn xuất khẩu gạo sang Trung Quốc từ 2,4 – 3,2 triệu tấn. Điều quan trọng nhất trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu là đón cơ hội thị trường, đồng nghĩa bán được giá cao nhất có thể”, PGS-TS Sánh nói.
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh nhấn mạnh: Trong chính sách xuất khẩu gạo tạm thời hiện nay, nên đặt ra mục tiêu làm sao để xuất được với giá cao nhất, có thể khai thác phân khúc chất lượng cao và giá cao. Điều này là biến thách thức của dịch Covid-19 thành cơ hội sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Việt Nam.
NGUYÊN NGA – MAI PHƯƠNG
TNO