Đại dịch COVID-19 đẩy thế hệ Z vào chỗ ‘lâu giàu nhưng mau già’
Đại dịch COVID-19 đẩy thế hệ Z vào chỗ ‘lâu giàu nhưng mau già’
Đại dịch COVID-19 đẩy nền kinh tế thế giới gần bờ vực suy thoái, đồng thời khiến thế hệ Z (sinh từ năm 1996 đến 2010) đối mặt với tình trạng bấp bênh: thất nghiệp, căng thẳng, nguy cơ cao suy giảm sức khoẻ…
Chưa bước vào đời, những người thuộc đầu thế hệ Z (sinh từ năm 1996 đến 2010) ở Mỹ đã đối mặt với nhiều khó khăn vì COVID-19. Đại dịch đã đẩy nền kinh tế thế giới gần bờ vực suy thoái và làm tan nát hàng triệu ước mơ của những sinh viên chuẩn bị đi làm.
Giống như bao bạn bè khác, Tomas Mier đã lên sẵn mọi kế hoạch cho học kỳ cuối cùng tại Đại học Nam California (Mỹ). Dự định của cậu sinh viên gốc Mexico là hoàn thành xuất sắc kỳ thực tập và bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp trước sự chứng kiến của cha mẹ. Thế rồi đại dịch xuất hiện và làm tiêu tan tất cả dự định của cậu.
Bắt đầu thức tỉnh
Thực tế đang diễn ra trước mắt không phải là điều Alex Hochman mong đợi cho các sinh viên năm cuối của Đại học San Francisco (USF). Là giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm của USF, ông Hochman chưa bao giờ nghĩ đại dịch COVID-19 có thể đặt hòn đá tảng lớn như vậy trước cánh cửa bước vào đời của các sinh viên.
Hochman nhớ lại một hội chợ tuyển dụng tại trường hồi cuối tháng 2: 76 nhà tuyển dụng nhồi nhét trong căn phòng lớn nhất của trường. Những sự kiện như vậy đã bị hủy ở phần lớn các trường đại học Mỹ. USF thử tổ chức hội chợ tuyển dụng trực tuyến nhưng chỉ có 3 công ty đăng ký tham gia thay vì 15 như thường lệ.
Các sinh viên Mỹ chuẩn bị tốt nghiệp, những người đang học trực tuyến và đã dành nhiều tuần liền ở trong nhà vì sắc lệnh “ở nhà”, đã bắt đầu cảm nhận rõ sự tàn phá của COVID-19 với thị trường việc làm.
Nhiều người trước đây ỷ y kiểu gì rồi cũng sẽ có việc làm bắt đầu lo sợ tương lai thất nghiệp. “Sinh viên đã bắt đầu thức tỉnh”, ông Hochman mô tả về việc lịch hẹn tư vấn của trung tâm đã luôn trong tình trạng kín mít vài ngày gần đây.
Linh hoạt để không thất nghiệp
Disney và Yelp, hai công ty có tiếng của Mỹ, đã hủy bỏ các chương trình thực tập sau khi đại dịch bùng phát. Khoảng 77% công ty du lịch và vận tải ngừng tuyển dụng người mới, kế đến là các công ty trong lĩnh vực giáo dục (64%), công ty bán lẻ hàng hóa (62%).
Mặc dù vậy, không phải tất cả con số đều ảm đạm. Số liệu được công bố bởi Hiệp hội các trường đại học và nhà tuyển dụng Mỹ hồi cuối tuần trước cho thấy 64% công ty cam kết không rút lại các đề nghị công việc đã đưa ra cho các sinh viên sắp tốt nghiệp, 14% hủy các đề nghị thực tập và 22% còn lại cho biết đang xem xét.
Carmel Lee, sinh viên chuyên ngành quản trị kinh doanh của Đại học California, hiểu rõ điều này. Lee bắt đầu tìm việc vào tháng 11 năm ngoái và lọt vào mắt xanh của một công ty trong lĩnh vực năng lượng cho vai trò phát triển bán hàng.
Cô trải qua vài cuộc phỏng vấn qua điện thoại, tham gia một số dự án và dành 3 tiếng cho cuộc phỏng vấn trực tiếp. Phòng nhân sự cũng gọi những người đã giới thiệu Lee và nhận được phản hồi rất tốt. Đó là ngày 13-3 và Lee chắc chắn mình sẽ được nhận.
Ba ngày sau đó, một số quận của California ban bố sắc lệnh “trú ẩn tại gia” và sử dụng cảnh sát để bắt giữ những người vi phạm. Lee đã không nhận được tín hiệu nào từ công ty năng lượng kể từ đó. Một công ty khác mà cô phỏng vấn cũng rút lui sau sắc lệnh ở nhà của California.
Thất vọng với thị trường công việc và cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp, Lee chia sẻ cô sẽ nộp đơn xin học thạc sĩ.
Với các sinh viên tốt nghiệp từ những trường không mấy tiếng tăm và đang gánh khoản nợ vay để học, những tháng thất nghiệp sắp tới là cơn ác mộng thật sự. Till von Wachter, giáo sư chuyên nghiên cứu về tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường, cho rằng trong bối cảnh thị trường đang biến động, các sinh viên phải linh hoạt mới giữ hoặc kiếm được việc làm.
“Có thể làm trái ngành hoặc chuyển tới một thành phố khác có cơ hội tốt hơn” – ông von Wachter đưa ra lời khuyên, đồng thời cho rằng với lợi thế là trung tâm công nghệ của nước Mỹ, khu vực xung quanh vùng vịnh San Francisco sẽ hồi phục và tạo ra việc làm nhiều hơn những nơi khác của nước Mỹ.
1,3 triệu
Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy có 710.000 công việc đã mất tại nước này trong tháng 3 vừa qua, hơn 17 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp khiến nhiều chuyên gia dự đoán tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng lên 20% trong vài tháng tới. Trong bối cảnh đó, khoảng 1,3 triệu sinh viên Mỹ sẽ chính thức bước vào đời.
Theo một số tính toán, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trẻ từ 16 – 24 tuổi sau đại dịch COVID-19 có thể cao gấp đôi tỉ lệ của nhóm này trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và 2009.
Lâu giàu nhưng mau già
Theo giáo sư Till von Wachter, các sinh viên tốt nghiệp đúng vào thời kỳ suy thoái kinh tế ngoài nguy cơ tỉ lệ thất nghiệp cao còn đối mặt với tình trạng bấp bênh hơn người khác. Trước tiên là mức lương khởi điểm thấp, kế đến là cơ hội thăng tiến bị đình trệ. Điều này khiến tốc độ “làm giàu” của họ có thể chậm hơn 10 năm so với người khác. Thêm vào đó, việc làm việc trong môi trường căng thẳng khiến những người này có nguy cơ suy giảm sức khỏe và tử vong cao hơn những thế hệ khác.