Kinh tế châu Á sắp ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm
Kinh tế châu Á sắp ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế châu Á lần đầu tiên sẽ ngừng tăng trưởng trong 60 năm qua vì Covid-19.
Tờ The Star ngày 16.4 đưa tin Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế châu Á năm nay sẽ lần đầu tiên ngừng tăng trưởng trong vòng 60 năm do đại dịch Covid-19 gây tác động chưa từng có đến lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu.
Ông Changyong Rhee, giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF kêu gọi các nước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất do các lệnh cấm đi lại, chính sách cách ly xã hội và các biện pháp phòng chống dịch.
“Đây là những thời điểm không chắc chắn và đầy thách thức đối với kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương không ngoại lệ. Tác động của virus Corona trong khu vực sẽ nghiêm trọng, toàn diện và chưa từng có”, ông phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến.
Theo báo cáo của IMF đưa ra vào cùng ngày, dự báo kinh tế châu Á sẽ đạt mức tăng trưởng 0% lần đầu tiên trong 60 năm qua.
Dù tình hình kinh tế châu Á có thể vẫn chưa tồi tệ bằng một số khu vực khác, mức dự báo mới thấp hơn hẳn so với mức tăng trưởng 4,7% trong khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008, và mức 1,3% trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Trong năm tới, IMF dự báo kinh tế châu Á tăng trưởng 7,6% nếu các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 thành công, dù dự báo này không có gì là chắc chắn.
Không như khủng hoảng tài chính toàn cầu, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng ngành dịch vụ vô cùng nặng nề vì nhiều người phải ở nhà và các cửa hàng đóng cửa.
Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng do nhu cầu hàng hóa sụt giảm từ các đối tác Mỹ và châu Âu.
Dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 1,2% trong năm nay, giảm so với mức 6% mà IMF dự báo hồi tháng 1, do xuất khẩu kém và ảnh hưởng từ việc cách ly xã hội trong nước.
Tuy nhiên, IMF dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay và đạt mức 9,2% trong năm tới.
Ông Rhee cảnh báo rằng việc chuyển tiền mặt cho người dân như gói hỗ trợ của Mỹ có thể không phải là chính sách tốt nhất cho nhiều nước châu Á. Thay vào đó, khu vực này nên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và giải quyết tình trạng thất nghiệp.
Các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nên tận dụng các hạn mức tín dụng chéo song phương và đa phương, tìm kiếm hỗ trợ tài chính và kiểm soát dòng vốn nhằm hạn chế tác động của đại dịch và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.
KHÁNH AN
TNO