25/11/2024

Vốn công: không xài cắt ngay

Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công để ngăn đà suy giảm kinh tế. So với năm trước, giải ngân có nhích lên nhưng chưa khả quan bởi cùng kỳ năm trước là thời điểm trì trệ của giải ngân vốn công.

Vốn công: không xài cắt ngay

Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công để ngăn đà suy giảm kinh tế. So với năm trước, giải ngân có nhích lên nhưng chưa khả quan bởi cùng kỳ năm trước là thời điểm trì trệ của giải ngân vốn công.

 

Vốn công: không xài cắt ngay - Ảnh 1.

Cầu Bình Khánh qua sông Soài Rạp trên tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ, TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH

Tuổi Trẻ ghi nhận một số giải pháp, kinh nghiệm mà một số địa phương thực hiện để thúc đẩy nhanh việc “có tiền phải biết cách xài”.

Không thể ôm tiền mãi

TP Hà Nội đang cắt, giảm, chuyển vốn đầu tư công từ 20 dự án chậm tiến độ sang các dự án có triển khai nhanh, giải ngân tốt. Như dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, được giao vốn 1.500 tỉ đồng, dự kiến bị cắt khoảng 1.000 tỉ đồng để chuyển sang dự án giải ngân tốt hơn.

Dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch cắt khoảng 90 tỉ đồng; cải tạo nâng cấp đường 35 đoạn giữa tuyến cắt từ 40 tỉ đồng; xây dựng hầm chui tại nút giao đường vành đai 2,5 – đường Giải Phóng cắt khoảng 30 tỉ đồng…

TP Hà Nội cũng sẽ bổ sung vốn cho khoảng 50 dự án cần vốn, có tiến độ thi công nhanh như nâng cấp tỉnh lộ 429C, nâng cấp tỉnh lộ 428, nâng cấp trục đường Tây Thăng Long…

Ngoài ra, nguồn vốn cắt giảm cũng được TP Hà Nội phân bổ cho nhóm dự án mới được phê duyệt sau ngày 31-10-2019 như hệ thống thoát nước, hồ điều hòa trạm bơm Vĩnh Thanh, huyện Đông Anh; nâng cấp tỉnh lộ 428, huyện Phú Xuyên; đầu tư tỉnh lộ 419, khu du lịch chùa Hương; đầu tư nghề trọng điểm ôtô.

Theo ông Nguyễn Quốc Chương – trưởng phòng ngân sách Sở Kế hoạch – đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội, việc điều hòa, chuyển vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án thực hiện nhanh đạt 2 mục tiêu: tăng tỉ lệ giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020 và giai đoạn 2016 – 2020; duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19.

Vốn công: không xài cắt ngay - Ảnh 2.

Một dự án nâng cấp hệ thống cống xả nước thải bằng vốn đầu tư công tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng – Ảnh: TẤN LỰC

Phải chủ động “giúp” nhà thầu

Theo Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng, tính đến ngày 13-4, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 hơn 1.450 tỉ đồng, đạt khoảng 12% cả năm, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước đó.

Các dự án đã khởi công là những công trình bức thiết như Nhà máy nước Hòa Liên 120.000m3/ngày đêm, cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, đường và cầu qua sông Cổ Cò hay đường vành đai phía tây 2, dự án môi trường nước phía đông quận Sơn Trà.

Theo ông Trần Phước Sơn – giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng, để giải ngân nhanh, TP tháo gỡ khó khăn, đầu tiên là giải phóng mặt bằng, các quận huyện phải đề xuất ngay với TP xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đồng thời xem xét kịp thời năng lực nhà thầu, các đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế yếu, phải điều chỉnh nhiều lần. Đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh dự án theo hướng có mặt bằng tới đâu thì thi công đến đó, kiên quyết thay thế nhà thầu có năng lực yếu để thực hiện dự án theo tiến độ.

Quan trọng là giải phóng mặt bằng

Ông Hồ Quốc Dũng – chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – cho biết tỉnh này thuộc tốp đầu trong giải ngân vốn đầu tư công trong toàn quốc. Như triển khai dự án hồ chứa nước Đồng Mít vốn 2.300 tỉ đồng, năm 2019 tỉnh đã khẩn trương giải phóng mặt bằng, di dân 500 hộ ở xã An Dũng, đến nay công trình đã sắp chặn dòng tích nước. Sự quyết liệt trong giải phóng mặt bằng sẽ giúp các chương trình, dự án đầu tư công thực hiện nhanh, giải ngân vốn đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, theo ông Dũng, phải chuyên nghiệp trong công tác chuẩn bị đầu tư.

“Các khâu chuẩn bị rồi chủ trương đầu tư, lập thiết kế, dự toán, đấu thầu là phải chuyên nghiệp hóa, gắn với trách nhiệm của các cơ quan, nhất là các cơ quan thẩm định. Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng sẽ tắc, một cơ quan “ngâm” 1-2 tháng thì dự án chậm ngay. Bình Định chủ động năm nay chuẩn bị dự án cho năm tới, sau khi được HĐND tỉnh thông qua là tập trung giải phóng mặt bằng, sang năm mới khi có vốn là tổ chức đấu thầu thực hiện ngay” – ông nói.

Nhờ chủ động và thực hiện nhịp nhàng, hiệu quả như vậy, đến nay các dự án lớn có vốn đầu tư công của Bình Định đã giải ngân tốt như đường trục phía tây, quốc lộ 19, đường trục từ sân bay Phù Cát về ven biển Quy Nhơn, các dự án tái thiết sau thiên tai sử dụng vốn ODA…

Chậm do chờ trung ương cấp vốn

Ông Hồ Quốc Dũng cho rằng địa phương làm quyết liệt nhưng trung ương cần cấp vốn kịp thời. “Chẳng hạn đến nay đã giữa tháng 4 rồi nhưng vốn trung hạn năm 2020 của Bình Định vẫn chưa được cấp. Nếu cấp vốn chậm, đến mùa mưa thì ảnh hưởng đến tiến độ dự án và việc giải ngân không thể kịp” – ông Dũng nói.

Theo Sở KH-ĐT Phú Yên, tỉ lệ giải ngân một số chương trình còn thấp như chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 do chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục, đồng thời đang “tiêu” phần vốn kế hoạch năm 2019 chưa xài hết phải chuyển sang năm 2020.

D.THANH

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng:

Chính phủ sẽ có nghị quyết về đẩy nhanh vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trên cả nước, Bộ KH-ĐT đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để tuần tới trình Chính phủ ban hành.

Việc ban hành nghị quyết phải nghiên cứu rất kỹ căn cứ pháp lý, thẩm quyền, sự đồng thuận của bộ, ngành, địa phương trước khi đưa vào nội dung nghị quyết, bảo đảm tính chính xác. Trong đó các bộ, ngành địa phương điều chuyển vốn từ dự án chậm triển khai sang các dự án cần vốn là một giải pháp của nghị quyết.

Ông Bùi Đặng Dũng (phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội):

Cần giải pháp đặc thù

Tất cả các dự án đầu tư công đều nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội phê duyệt. Việc thực hiện cắt, giảm, luân chuyển vốn đều phải báo cáo Quốc hội.

Về những ý kiến cho rằng Luật đầu tư công gây tắc nghẽn giải ngân vốn thời gian qua, đây là dự luật mới ban hành năm 2019, chưa có điều tra, giám sát cụ thể. Nếu các quy định có gây ách tắc, cần có đề xuất sửa đổi của Chính phủ, từ ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.

Trong bối cảnh cả nước phải đối phó với dịch bệnh, cần vận dụng linh hoạt quy định, không thể cứng nhắc. Với tình huống đặc biệt, Thủ tướng sẽ điều hành căn cứ theo tình hình thực tế và báo cáo lại Quốc hội. Chúng ta đã chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân, nay muốn đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để ngăn kinh tế suy giảm, rất cần giải pháp đặc thù, đặc biệt.

B.NGỌC – V.HÙNG – H.KHÁ – D.THANH
TTO