02/11/2024

Không yêu cầu dân ở nhà phòng dịch, một số bang Mỹ đang ‘đùa với lửa’?

Không yêu cầu dân ở nhà phòng dịch, một số bang Mỹ đang ‘đùa với lửa’?

Ngay cả khi hầu như mọi bang ở Mỹ đều đã phát lệnh yêu cầu người dân ở nhà để phòng chống dịch COVID-19, vẫn có một số bang không làm vậy, trong đó có Arkansas.

 

Không yêu cầu dân ở nhà phòng dịch, một số bang Mỹ đang ‘đùa với lửa’? - Ảnh 1.

Thống đốc bang Arkansas, ông Asa Hutchinson – Ảnh: GETTY IMAGES

Theo tạp chí Vox, Thống đốc bang Arkansas, ông Asa Hutchinson, vẫn kiên định bảo vệ quan điểm không phát lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà để phòng dịch tại bang mình trong chương trình State of the Union của đài CNN phát sóng sáng 12-4.

Chờ đợi thận trọng

Ông Asa Hutchinson cho rằng cách giải quyết của bang ông là một kiểu chờ đợi thận trọng.

“Nếu chúng tôi cần làm gì hơn, chúng tôi sẽ làm – ông nói – Bởi thế luôn có một lựa chọn sẵn trên bàn nếu chúng tôi phải cách ly tại chỗ. Nhưng ngay lúc này, những gì chúng tôi đang làm đã chứng minh thành công, tức là cách tiếp cận có mục tiêu này”.

Đúng là dịch bệnh COVID-19 hiện tại ở bang Arkansas không tệ, nói cách khác, nếu nó tệ hơn thì ông thống đốc vẫn luôn có thể đổi ý. Tính tới ngày 12-4, bang Arkansas có khoảng 1.200 ca bệnh đã xác định.

Tuy nhiên căn cứ trên tốc độ lây lan theo cấp lũy thừa của dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm không triệu chứng, giới quan sát cho rằng đây là cách tiếp cận ứng phó dịch bệnh rất nguy hiểm.

Một viễn cảnh tồi tệ nhất hoàn toàn có thể xảy ra: những người ở Arkansas có thể đang lây bệnh cho người khác ngay lúc này và những lây nhiễm đó ngấm ngầm lan rộng và trong nhiều tuần liền có thể người ta không thể biết mức độ thực sự của dịch bệnh ở đây là như thế nào.

Trong khi đó, những thực tế bi thảm đã chứng kiến từ Vũ Hán (Trung Quốc) cho tới Lombardy (Ý) và New York (Mỹ) thời gian qua cho thấy để quá trình ngăn chặn thành công dịch bệnh khi đã bùng phát dữ dội thường diễn ra rất chậm và rất khó khăn, gian khổ.

Nếu chần chừ đợi tới khi dịch bệnh đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát mới hành động thì rất nhiều người sẽ chết trước khi những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn kịp phát huy tác dụng.

Không yêu cầu dân ở nhà phòng dịch, một số bang Mỹ đang ‘đùa với lửa’? - Ảnh 2.

Một em nhỏ đeo khẩu trang xách túi đồ đi với người thân ở khu Chinatown tại Los Angeles, Mỹ – Ảnh: AP

Rủi ro với chiến lược “chờ xem thế nào”

Theo Đài CNN, ông Hutchinson tin rằng mật độ dân cư không đông đúc ở Arkansas chính là một công cụ chống dịch tự nhiên của bang này.

Tới nay, mật độ dân cư đông đúc là nguyên nhân thường được giới quan chức dẫn ra để giải thích cho việc vì sao dịch bệnh COVID-19 bùng phát không thể kiểm soát tại thành phố New York.

Thực tế New York đúng là thành phố có mật độ dân cư đông nhất của Mỹ. Tuy nhiên thành phố có mật độ dân cư đông thứ hai là San Francisco lại được dẫn ra như một ví dụ tiêu biểu cho mô hình phản ứng dịch COVID-19 thành công.

Các điểm “nóng” khác về dịch COVID-19 ở Mỹ là các thành phố Detroit và New Orleans cũng không phải những nơi quá đông dân cư.

Hay như các nước Tây Ban Nha và Thụy Điển cũng thuộc diện các quốc gia có mật độ dân cư ít đông đúc nhất của châu Âu nhưng vẫn bị ảnh hưởng dịch nặng nề.

Trong khi đó, các nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á như Hàn Quốc và Đài Loan có mật độ dân cư đông hơn nhiều so với nhiều nước phương Tây, nhưng họ đã kiểm soát dịch bệnh thành công hơn đáng kể.

Từ những điều đó có thể thấy việc một nhà lãnh đạo chỉ dựa vào yếu tố mật độ dân cư thôi để cho rằng người dân ở địa phương họ được bảo vệ khỏi virus corona thì thật bất ổn.

Tuy nhiên ông Hutchinson cũng lưu ý là không phải Arkansas không hề làm gì để phòng chống dịch bệnh. Các trường học tại đây cũng đã đóng cửa trên toàn bang.

Hệ thống siêu thị Walmart và các doanh nghiệp lớn đã yêu cầu người lao động làm việc ở nhà. Công ty Tyson Foods cũng lắp đặt máy đo thân nhiệt tại các xưởng chế biến của họ. Ngoài các biện pháp chống dịch của chính quyền, mỗi người dân ở Arkansas cũng được yêu cầu thực hiện các bước để tự bảo vệ bản thân.

“Chúng tôi có khẩu trang và cũng thực hiện giãn cách xã hội – ông Hutchinson nói -Và mọi người dân Arkansas đều tuân thủ điều đó”.

Đây chắc chắn là những biện pháp sẽ có tác dụng nhất định. Việc thực hiện nghiêm túc các bước rửa tay, đeo khẩu trang, đóng cửa trường học và giãn cách xã hội tự nguyện có thể giúp Arkansas an toàn, nhất là khi những ngày này đã ít hoạt động đi lại hơn.

Tuy nhiên tạp chí Vox chỉ ra một thực tế, Nhật Bản cũng đã thực hiện chiến lược này trên phạm vi toàn lãnh thổ, và mặc dù nó đã phát huy tác dụng trong một khoảng thời gian nhưng rốt cuộc đã bùng lên một loạt ca bệnh.

Vấn đề duy nhất trong chiến lược chờ đợi thận trọng kiểu này chính là thế giới đã chứng kiến rất nhiều nơi thất bại trước dịch COVID-19 với cách phản ứng đó.

Không giống Ebola, dịch bệnh nguy hiểm chết người nhưng khó lây, virus SARS-CoV-2 mặc dù không có mức độ nguy hiểm chết người như virus Ebola song lại cho thấy đang lây lan nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Theo đó, nếu không có những hệ thống xét nghiệm và theo dõi toàn diện trên quy mô lớn, tới lúc người ta có thể nhận ra rất đông người bệnh COVID-19 dồn dập đổ về các bệnh viện thì cũng có nghĩa tình trạng lây nhiễm đã phổ biến ở khắp nơi trong cộng đồng, và khi đó hệ thống y tế sẽ quá tải và không dễ kiểm soát tình hình nữa.

D. KIM THOA
TTO