24/11/2024

Ngăn chặn hoạt động buôn lậu khẩu trang và gạo qua biên giới

Ngăn chặn hoạt động buôn lậu khẩu trang và gạo qua biên giới

Bộ Công thương vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh phía Nam tăng cường kiểm tra, ngăn chặn xuất khẩu lậu các mặt hàng thiết yếu.
Nhu cầu khẩu trang tăng cao trong mùa dịch kích hoạt hành vi buôn lậu /// Ảnh: Chí Hiếu

Nhu cầu khẩu trang tăng cao trong mùa dịch kích hoạt hành vi buôn lậu  Ảnh: Chí Hiếu
Theo Bộ Công thương, thời gian vừa qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu. Điều này dẫn đến nhu cầu đối với nhóm mặt hàng phòng, chống dịch bệnh và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân cả trong và ngoài nước tăng cao, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang.
Vì vậy, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Ban chỉ đạo 389 và các lực lượng chức năng thuộc địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng nêu trên qua biên giới, đặc biệt đối với mặt hàng khẩu trang và gạo.
Thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu khẩu trang đã được phát hiện. Chẳng hạn ngày 11.3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài, Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh phát hiện 2 người có hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Hàng hóa vi phạm gồm khẩu trang y tế các loại, cụ thể là 187.950 chiếc khẩu trang y tế Việt Nam, mới 100%, trị giá hàng hóa ước tính 161 triệu đồng. Hay vào ngày 8.3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên bắt giữ một người vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Hàng hóa vi phạm thu giữ gồm 164.600 chiếc khẩu trang y tế…
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tích cực kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm liên quan đến các mặt hàng khẩu trang và thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch. Tính từ ngày 31.1 đến ngày 7.4, quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát và xử lý 7.739 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 3,2 tỉ đồng.
Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.
AN YẾN
TNO