24/11/2024

Đại dịch thay đổi trật tự thế giới?

Đại dịch thay đổi trật tự thế giới?

Dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra có thể làm trật tự thế giới thay đổi mãi mãi.

 

Đại dịch thay đổi trật tự thế giới? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump và nước Mỹ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu? – Ảnh: REUTERS

Nếu Mỹ đang trong hình hài khác, thì vâng, chúng ta rồi sẽ quen thôi và tôi nghĩ những khuôn khổ khác cũng thậm chí có hiệu quả hơn, dù đây cũng là sự mất mát.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Đó là nhận định của ông Henry Kissinger, một học giả, nhà ngoại giao đầy ảnh hưởng trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại.

Những nhận xét của ông, trong bài xã luận của Wall Street Journal tuần trước, khiến câu chuyện “virus Vũ Hán” tưởng như trò đấu võ mồm ngoại giao vô nghĩa, sặc thuyết âm mưu, bỗng trở nên đáng theo dõi hơn nhiều.

Nỗi lo khác trong đại dịch

Từng là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ (1969-1975), Kissinger cũng là nhân vật đầy duyên nợ với Trung Quốc. Ông gắn liền với cả một quá trình thay đổi tư duy của phương Tây khi nhìn về quốc gia phương Đông rộng lớn này.

Từ chỗ xa lạ, phương Tây đón nhận Trung Quốc vào hệ thống, như cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa Trung Quốc vào dòng chảy thương mại tự do, và đến ngày hôm nay, họ phải trả lời câu hỏi: liệu Trung Quốc có thay thế Mỹ trên tư cách người lãnh đạo toàn cầu hay không?

Và nếu vấn đề khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc đã được bàn tới quá nhiều, ít ra suốt thời gian “chiến tranh thương mại” hai năm qua, COVID-19 như một biến cố khác thách thức khả năng lãnh đạo của cả hai.

Trên thế giới, ông Trump bị xem là đại diện của làn sóng chống chủ nghĩa đa phương. Ông từng rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rút khỏi thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris, hủy bỏ cam kết hạt nhân Iran, đòi cải tổ WTO…

Trong khi đó, như thể hiện ngược lại, Trung Quốc tuyên bố sáng kiến “Vành đai – Con đường” là một nỗ lực kết nối toàn cầu trong một trật tự mới dĩ nhiên do Bắc Kinh dẫn dắt.

Viết trên Wall Street Journal, ông Kissinger cũng nhắc nhở rằng để chiến thắng COVID-19, Mỹ cần phải hợp tác với phần còn lại của thế giới.

Câu nói tưởng chừng sáo rỗng này thậm chí có thể được hiểu theo cách khác, ví dụ gợi nhớ cho tất cả rằng Kissinger là một chính trị gia “thân Trung Quốc”, và đang chỉ trích cách thức chính quyền ông Trump đối phó đại dịch.

Hiểu cách nào cũng được, bài bình luận của Kissinger đang phản ánh sự thật rằng rất nhiều người đang hoài nghi khả năng “lãnh đạo toàn cầu” của Mỹ. Người ta cũng thấy rằng COVID-19 là thời điểm các thế lực như Trung Quốc hay Nga có thể tận dụng để thay thế Mỹ.

Ở Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long khi trả lời Đài CNN cuối tháng trước đã lấp lửng bằng giọng điệu rất quen thuộc. Ông chỉ trích sự đấu đá của Mỹ và Trung Quốc trong câu chuyện đổ lỗi nguồn gốc virus. Tuy nhiên ông “nhắn nhẹ” người Mỹ rằng thế giới cần Mỹ nhưng cũng có thể quen với một mô thức khác.

Mối lo mất vị trí lãnh đạo của Mỹ cũng xuất phát từ Nga. CNBC ngày 2-4 dẫn một báo cáo của Trường Chính sách công – Đại học Calgary nói rằng Nga và Trung Quốc đang dùng chiến dịch tung tin giả đổ lỗi cho phương Tây trong dịch COVID-19, nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới.

Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ

Áp lực lên chính quyền ông Trump đang gia tăng đáng kể. Người Mỹ ngoài việc muốn thấy ông Trump làm thật tốt chuyện chống dịch trong nước, cũng đang lo về khả năng hợp tác quốc tế của Washington. Nói cách khác, nước Mỹ của ông Trump cần phải “khỏe” thật nhanh và làm điều gì đó cho bên ngoài để duy trì vị thế.

Trong bài viết, Kissinger điểm lại sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại. Sức chịu đựng của người Mỹ thời điểm cuối năm 1944 được củng cố bằng một mục đích quốc gia tối thượng, còn hiện nay là một đất nước bị chia rẽ, vốn cần chính phủ hoạt động hiệu quả hơn và có tầm nhìn hơn.

Ông đã điểm trúng huyệt của Mỹ hiện nay, khi khảo sát gần đây của AP cho thấy chỉ 31% người Mỹ được hỏi trong khảo sát hài lòng với Quốc hội Mỹ về việc chống dịch, thấp hơn cả tỉ lệ hài lòng với cách ông Trump chống dịch (44%).

Thực tế, trong giai đoạn chống dịch, Mỹ vẫn lưu ý vai trò toàn cầu. Washington vẫn trích ngân sách hỗ trợ ít nhất 64 quốc gia và vùng lãnh thổ chống COVID-19, bao gồm Ấn Độ và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ cách tiếp cận đa phương của Mỹ hiện nay, có thể thấy Mỹ sẽ duy trì sự quan tâm cho các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ cuối tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhấn mạnh những cụm từ thường xuất hiện trong cam kết Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với Việt Nam.

Màn cạnh tranh Mỹ – Trung vẫn diễn ra căng thẳng trong đại dịch. Và thách thức này cũng chính là thời cơ để Mỹ cụ thể hóa những cam kết của mình.

Con đường tơ lụa y tế

The Hill dẫn lại các tuyên bố của quan chức Trung Quốc khẳng định sẽ tận dụng đại dịch để xây dựng một “Con đường tơ lụa y tế” (Health Silk Road).

Tham vọng thể hiện vị trí đầu tàu của Trung Quốc là vấn đề được nhiều học giả quan tâm. GS Carl Thayer, học giả hàng đầu về khu vực, trong một nhận xét mới đây viết rằng: “Trung Quốc đã xoay chiều nhanh chóng từ một nạn nhân của COVID-19 sang một lãnh đạo toàn cầu trong việc chống lại sự lây lan của đại dịch”.

Theo GS Carl Thayer, Trung Quốc đang dùng sự lây lan của virus corona ở châu Âu và Mỹ một cách thực dụng, nhằm củng cố vị thế đầu tàu của mình như một quốc gia kiềm chế dịch bệnh COVID-19 thành công. Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ y tế và trang thiết bị, kinh nghiệm y tế cho hơn 80 quốc gia.

NHẬT ĐĂNG
TTO