COVID-19 sẽ cướp đi 195 triệu việc làm toàn thời gian
COVID-19 sẽ cướp đi 195 triệu việc làm toàn thời gian
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khẳng định COVID-19 sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý 2 năm 2020 – tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian.
Bên cạnh hiểm họa sức khỏe, đại dịch COVID-19 đang tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp thế giới thất thu cũng là lúc người lao động bắt đầu mất việc.
Trong báo cáo mới nhất công bố tối 7-4, ILO chỉ ra những ngành nghề và khu vực bị tác động nghiêm trọng nhất cũng như đề xuất chính sách để vượt qua khủng hoảng, website của tổ chức này cho biết.
Theo đó cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 dự kiến sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý hai năm 2020 – tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian.
Những khu vực chịu tác động nghiêm trọng dự kiến là các nước Ả Rập (mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), châu Âu (7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian) và châu Á – Thái Bình Dương (7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian).
Các nhóm quốc gia chia theo mức thu nhập đều chịu tổn thất nặng nề nhưng trong đó, các nước thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất (mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian).
Những con số này cho thấy sức tàn phá của đại dịch COVID-19 vượt xa tác động của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính.
Con số tổng kết về tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong toàn bộ năm 2020 sẽ còn phụ thuộc nhiều vào các diễn tiến sắp tới và các biện pháp chính sách.
ILO cho biết nhiều khả năng con số tổng kết cuối năm sẽ cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu của tổ chức này trước đó, vốn kỳ vọng mức thất nghiệp chỉ ảnh hưởng tới 25 triệu người.
Có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu 3,3 tỉ người hiện đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ.
Tổng giám đốc ILO, Guy Ryder, nói: “Người lao động và doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với thảm họa, cả ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Chúng ta phải hành động nhanh chóng, quyết đoán và trên cơ sở phối hợp tốt. Các biện pháp đúng đắn và cấp bách có thể tạo ra sự thay đổi và quyết định tương lai của chúng ta là tiếp tục tồn tại hay sụp đổ”.
Báo cáo nhanh số 2 của ILO đã miêu tả đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II”.
Theo báo cáo mới, 1,25 tỉ lao động hiện làm việc trong các ngành được xác định có nguy cơ cao và nhóm này được cho sẽ gia tăng “một cách chóng mặt và nghiêm trọng” tỉ lệ sa thải cũng như giảm lương và số giờ làm việc.
Với nhiều người lao động đang làm các công việc yêu cầu kỹ năng thấp, vốn đã bị trả lương ít ỏi, thì việc đột ngột mất thu nhập sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề.
Nhìn vào các khu vực địa lý, tỉ lệ người lao động trong các ngành “có nguy cơ” này dao động từ 43% ở khu vực châu Mỹ tới 26% ở khu vực châu Phi.
Báo cáo cảnh báo rằng một số khu vực, đặc biệt là châu Phi, có tỉ lệ phi chính thức ở mức cao cùng với hệ thống an sinh xã hội yếu, mật độ dân số dày đặc và năng lực hạn chế, nên đây sẽ là những thách thức nghiêm trọng về y tế và kinh tế đối với các chính phủ.