Ngồi tại nhà học hành, làm việc, dịch vụ thủ tục công, đi chợ…
Dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi thói quen mua sắm, làm việc, học hành… của nhiều người. Đây là cơ hội lớn để đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ trực tuyến.
Từ mua rau thịt đến làm việc, học hành…
Hôm qua 4.4, chị Kim Yến (Q.7, TP.HCM) lên mạng đặt mua bánh kem từ cửa hàng quen và một số món ăn yêu thích của gia đình từ một nhà hàng ở Q.1 để tổ chức sinh nhật cho chồng “tại gia” thay vì ra nhà hàng như những năm cũ. Một ngày trước đó, chị cũng đi chợ online tại siêu thị Lotte Mart vì sợ gặp đông người và tuân thủ đúng quy định cách ly xã hội. “Đây là lần đầu tiên mình đi chợ online và thấy cũng đơn giản. Chỉ cần hóa đơn trên 150.000 đồng là sẽ được miễn phí giao hàng. Trưa đặt mua, 18 giờ cùng ngày mình đã nhận được đủ hàng hóa cần thiết, thậm chí cả sản phẩm dành riêng cho phụ nữ trong những ngày đặc biệt. Hiện mình cũng đang nghiên cứu tính năng đi chợ online trên app VinID mới được giới thiệu gần đây để sử dụng. Mai mốt hết dịch vẫn sử dụng vì thuận tiện hơn nhiều”, chị Kim Yến chia sẻ thêm.
Không hẳn là các ông lớn mua sắm trực tuyến sẽ sống khỏe mùa dịch, mà các doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ nếu nắm bắt cơ hội sẽ tìm ra được hướng đi sau mùa dịch
Ông Lưu Thành Phương, Giám đốc Công ty Nhật Nguyệt
Tương tự, chị Hồng Vân (Q.1, TP.HCM) từ đầu tháng 3 đã năng lên mạng để tìm các địa chỉ mua bán hàng hóa online, nhất là các loại thực phẩm thiết yếu. Mẹ chị vốn coi đi chợ hằng ngày là niềm vui, nhưng đợt dịch này cả nhà đã hướng dẫn bà sử dụng mua hàng online. “Ban đầu bà không chịu nhưng giờ thì mê rồi, tối nào cũng cầm điện thoại ngắm hết cái này đến cái kia”, chị Vân nói.
Đặc biệt, với lệnh cách ly xã hội, hàng loạt công sở, doanh nghiệp (DN), cửa hàng, trường học đã triển khai làm việc, học hành trực tuyến để tránh lây lan. Chị N.H (Q.4, TP.HCM) cho biết, ngay sau khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng được ban hành, công ty chị đã chuyển sang họp trực tuyến hằng ngày. Buổi họp đầu tiên có chút trục trặc kỹ thuật, mất 15 – 20 phút để mọi người làm quen. Đến buổi thứ 2 thì ai cũng cảm thấy hứng thú, thậm chí cuộc họp còn sôi nổi hơn cả họp trực tiếp trước đây vì ai cũng sôi nổi phát biểu, góp ý. Còn anh H.Việt (Q.1, TP.HCM) cho biết, con anh học cấp 2 Trường trung học Vinschool (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), sau tết khoảng nửa tháng, trường đã tổ chức học trực tuyến và từ đó đến nay vẫn duy trì hằng ngày. “Lúc chưa học thấy cu cậu chơi game cả ngày, tôi sốt ruột quá mà không biết làm thế nào. Giờ thì ngày nào cũng học, nhịp sống lại trở lại bình thường rồi”, anh nói và kể thêm, nhạc viện nơi con anh học piano cũng đã triển khai học trực tuyến mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 45 phút.
|
Nhờ đó, các ứng dụng làm việc, dạy và học trực tuyến đã tăng mạnh về tỷ lệ người dùng. Ví dụ chỉ trong 3 tháng đầu năm, ứng dụng phần mềm hội nghị trực tuyến Zoom đã tăng 67% do các trường học, tổ chức và DN áp dụng nền tảng này cho làm việc, hội họp và đào tạo từ xa để đối phó đại dịch Covid-19. Nhiều ứng dụng trực tuyến khác cũng đã tăng mạnh về số lượng người dùng như VNPT iOffice, VNPT Meeting… Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin – Truyền thông), lưu lượng dữ liệu tháng 3 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2, tập trung chủ yếu từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến…
Doanh số tăng mạnh, người lớn tuổi nhập cuộc
Đi kèm với việc mua hàng qua mạng gia tăng thì lượng giao dịch, thanh toán điện tử cũng nhiều hơn. Đại diện sàn giao dịch Shopee cho biết khi đơn hàng ở một số sản phẩm gia tăng mạnh, DN này làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm khô, ngành hàng tiêu dùng và đối tác cung cấp dịch vụ vận chuyển như Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, VNPost, Viettel Post… để hạn chế gián đoạn trong giao nhận. Theo đại diện Tổng công ty bưu điện VN (VNPost), lượng bưu kiện chuyển phát qua bưu điện tăng trưởng khá nhanh trong giai đoạn này, thống kê tháng 2 cho thấy có khoảng 18 – 19 triệu bưu kiện gửi qua VNPost.
Đặc biệt, từ khi Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh các loại phí thì thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng mạnh. Theo thống kê từ Công ty cổ phần thanh toán quốc gia VN (NAPAS), từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt xử lý qua hệ thống này tăng 76% so cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.
|
Ông Lưu Thành Phương, Giám đốc Công ty Nhật Nguyệt, quản lý sàn giao dịch 5giay.vn, cho rằng trong vài năm trở lại đây, những người sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) không kể lứa tuổi đã quen với việc mua hàng online trên tất cả các kênh phi truyền thống. Mặt khác, việc người dân ở nhà nhiều cũng là cơ hội cho các nền tảng giải trí trực tuyến, từ game đến các ứng dụng xem phim như Netflix, FPTPlay… tăng trưởng mạnh. “Mua sắm online không chỉ dành cho người trẻ nữa, ngay cả mẹ tôi là người lớn tuổi nhưng cũng biết mua hàng trên mạng. Không hẳn là các ông lớn mua sắm trực tuyến sẽ sống khỏe mùa dịch, mà các DN, cửa hàng nhỏ lẻ nếu nắm bắt cơ hội sẽ tìm ra được hướng đi sau mùa dịch”, ông Phương nêu.
Làm thủ tục giấy phép lái xe, kết hôn, khai sinh trực tuyến
Giữa tháng 3 vừa rồi, anh Trần Thế Dũng (Lý Nam Đế, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) truy cập vào trang dịch vụ công của Hà Nội (dichvucong.hanoi.gov.vn) để đăng ký Giấy phép lái xe quốc tế. “Chỉ cần 10 phút thao tác có thể hoàn thành các thủ tục. Sau khoảng 10 ngày đã được chuyển phát nhanh giao đến tận nơi”, anh Dũng phấn khởi chia sẻ và cho biết tổng cộng chi phí giao dịch này là 165.000 đồng. Ngoài cấp giấy phép lái xe, Hà Nội cũng đang cung cấp hàng loạt dịch vụ công trực tuyến (DVCTT ) khác như: cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo trong 5 ngày; cấp Giấy phép xe tập lái; cấp bản sao trích lục khai sinh, khai tử và kết hôn với thời gian xử lý trong 1 ngày…
Tương tự, TP.HCM cũng đã áp dụng nhiều thủ tục hành chính qua mạng như đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể, cấp số nhà ở riêng lẻ; thủ tục về bảo hiểm xã hội, làm hộ chiếu… Nhiều loại hình thủ tục đã xuống tận cấp huyện.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay theo phản ánh của người dân là thời gian giải quyết hồ sơ trực tuyến vẫn còn chậm. Cùng với đó là số lượng thủ tục được giải quyết ở cấp độ 3, 4 còn ít; thanh toán online vẫn gặp khó khăn. Ông P.H.T, ở Hà Nội, cho biết, ngày 19.3 đăng ký khai sinh cho con trai nhưng đến ngày 31.3, tình trạng hồ sơ vẫn là chờ tiếp nhận. Hay bà N.N.D (Q.Ba Đình, Hà Nội) phản ánh: “Ngày 18.3 tôi có gửi thủ tục đăng ký kết hôn trên hệ thống trực tuyến. Tôi đã chọn là 1 ngày, tuy nhiên đến 23.3 vào xem thì vẫn báo là hồ sơ chờ tiếp nhận. Tôi đã phải gọi điện lên số hotline của tổng đài, nhưng không ai nhấc máy”. Còn anh Lê Xuân Thỏa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) hơi “ngán” các thủ tục liên quan đến thuế khóa vì nhiều thao tác vẫn còn phải thực hiện bằng phương pháp thủ công…
Th.S Hoàng Vân Ngọc (Trường cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp) cho rằng, DVCTT phải minh bạch, phải dễ sử dụng, dễ tìm thấy bằng các công cụ tìm kiếm trên internet. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, DN. Đặc biệt, qua nghiên cứu cho thấy, tình trạng triển khai phần mềm DVCTT hiện nay chưa phù hợp với thực tế và nhu cầu địa phương, gây khó khăn cho người nộp hồ sơ trực tuyến. Vì vậy, cần ban hành một bộ tiêu chuẩn đồng nhất từ phần mềm đến các bước thực hiện DVCTT là cần thiết để người dân, DN nộp hồ sơ trực tuyến một cách thuận tiện, đảm bảo an toàn về bảo mật thông tin.
Anh Vũ – Mai Hà – Mai Phương
TNO