24/11/2024

Hơn 210.000 doanh nghiệp chỉ cầm cự được 3 tháng ?

Hơn 210.000 doanh nghiệp chỉ cầm cự được 3 tháng ?

Theo kết quả khảo sát, đánh giá tình hình các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Hội Doanh nhân trẻ VN thông tin những doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. 

 

 

 

Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tài chính để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra /// Ảnh: Ngọc Thắng

Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tài chính để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra  Ảnh: Ngọc Thắng
348 doanh nghiệp  tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn… tham gia cuộc khảo sát từ ngày 17.3 đến 26.3. Thị trường kinh doanh chủ yếu của các DN là nội địa (chiếm 93%). Kết quả, 35% DN cho rằng sẽ cầm cự được 3 tháng nếu dịch bệnh kéo dài (tương đương hơn 210.000 đơn vị trong tổng số 766.000 doanh nghiệp hiện nay- PV), 38% DN cầm cự được 6 tháng, 13% DN cầm cự được 1 năm và 14% DN cầm cự được trên 1 năm.
Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất như kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch hầu như không có hoạt động, các đơn hàng đã đặt trước đều bị hoãn, hủy trong khi tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác vẫn phải thanh toán theo hợp đồng. Các DN vận tải không có khách hoặc có rất ít và bị hạn chế giao thương. Các DN sản xuất, xây dựng bị hạn chế không nhập nhẩu được nguyên vật liệu từ nước ngoài dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, mặt khác, hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất ra không xuất khẩu được, hoặc xuất đi rồi lại bị trả lại do đối tác hủy đơn hàng vì nằm trong vùng dịch bị cách ly.
Trong lúc hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ như vậy, khó khăn lại chồng chất khó khăn khi một bộ phận DN phải cho lao động tạm nghỉ việc, một bộ phận khác lại thiếu hụt nghiêm trọng lao động do lao động bị cách ly tại địa phương hoặc không dám trở lại doanh nghiệp trong vùng dịch do lo ngại dịch bệnh lây lan. Việc thiếu hụt lao động dẫn đến tiến độ thi công, sản xuất bị chậm lại, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao, thanh lý hợp đồng…
Đồng thời, hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” vẫn đang xảy ra. Chính phủ và các Bộ, ngành rất quyết liệt về việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, nhưng khâu thực thi còn chậm. Chẳng hạn, ở một số địa phương, DN muốn giãn nợ phải có xác nhận, chứng minh thiệt hại, báo cáo, xác nhận tồn kho…; một số DN vẫn nhận được lệnh kiểm tra của cơ quan quản lý thuế mặc dù đã có chỉ đạo của Chính phủ về việc tạm dừng thanh kiểm tra khi không có dấu hiệu vi phạm…
Trước tình hình cấp bách, giải cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản hoàng loạt, giảm thiểu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng, ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN cho biết Hội đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để trình bày một số giải pháp. Theo đó, các cơ quan ban ngành cần xem tất cả các ngành nghề đều bị ảnh hưởng và cần hỗ trợ, sau đó xem các ngành nghề không bị ảnh hưởng như thực phẩm (mì gói) và trang thiết bị y tế (khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn)… Sau đó, việc triển khai giải pháp hỗ trợ các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cần phải được thực hiện khẩn cấp và ngay lập tức như miễn giảm và giãn nợ thuế đến cuối năm 2020, giảm lãi vay đến 5%, thậm chí bằng 0, giãn nợ vay ngân hàng, tạm dừng đóng các loại bảo hiểm đến cuối năm. Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhẹ hơn có thể được giảm lãi vay ngân hàng 1 – 2%, cơ cấu lại thời gian trả nợ ngân hàng mà không bị chuyển nhóm nợ để có thể tiếp tục vay mới… Các giải pháp cần rõ ràng, cụ thể, đúng đối tượng và phù hợp tiềm lực để DN không thấy mông lung. Các DN chỉ cần gửi văn bản cho cục thuế và ngân hàng nêu rõ lý do là lập tức được giải quyết, được như vậy sẽ hạn chế được cơ chế “xin – cho”.
Ngoài ra, Hội Doanh nhân trẻ còn đưa ra một số kiến nghị về thủ tục nhập khẩu hàng hoá; hoãn, giảm, miễn một số loại thuế… Cơ quan Bảo hiểm xã hội VN và Bảo hiểm xã hội các địa phương xem xét miễn, giảm, giãn thời gian đóng bảo hiểm cho các doanh nghiệp. Sớm ban hành văn bản hướng dẫn trả lương người lao động trong trường hợp phải cách ly do dịch bệnh.
THANH XUÂN
TNO