24/11/2024

Nở rộ ứng dụng trực tuyến làm việc online mùa dịch Covid-19

Nở rộ ứng dụng trực tuyến làm việc online mùa dịch Covid-19

Nhiều ứng dụng làm việc, dạy học trực tuyến đã tăng mạnh về tỷ lệ người dùng từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay, đặc biệt trong những ngày cả nước thực hiện cách ly xã hội.
Làm việc, dạy học trực tuyến đang trở thành xu thế chung không chỉ trong mùa dịch /// Ảnh CTV

Làm việc, dạy học trực tuyến đang trở thành xu thế chung không chỉ trong mùa dịch
Ảnh CTV
Khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu gia tăng vào đầu tháng 3, chị Nguyễn Thanh Huyền, giám đốc một công ty truyền thông tại Hà Nội, đã quyết định cho toàn bộ nhân viên làm việc online tại nhà.
Sau hơn 1 tháng áp dụng, công việc của chị vẫn trôi chảy, nhiều cuộc họp nhóm cũng như họp với các đối tác diễn ra thường xuyên, tất cả đều trên ứng dụng trực tuyến.
“Có những khó khăn nhất định khi phải làm việc tại nhà, nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người trong mùa dịch. Hiện mọi người đã quen với làm việc, kết nối online từ xa”, chị Huyền nói.
Không chỉ công ty của chị Huyền, hàng nghìn doanh nghiệp và hàng trăm trường học đã phải “cầu viện” đến các ứng dụng làm việc, dạy học trực tuyến để không bị gián đoạn do nghỉ dài để phòng, chống Covid-19.
Theo thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm, ứng dụng Zoom đã tăng 67% do các trường học, tổ chức và doanh nghiệp áp dụng nền tảng này cho làm việc, hội họp và đào tạo từ xa để đối phó với đại dịch Covid-19.
Zoom là phần mềm hội nghị trực tuyến đa điểm, cho phép người dùng triển khai các cuộc họp online do CMS (thành viên Tập đoàn CMC) là đối tác cung cấp bản quyền tại Việt Nam. Hiện ứng dụng này cho phép tải và sử dụng miễn phí, nhưng bản dùng miễn phí thường gặp một số trục trặc, gián đoạn. Tuy nhiên, các gói Pro, Business, Enterprise cho phép người dùng tổ chức hội họp, giảng dạy và học tập liên tục tới 24 giờ, không bị gián đoạn hay ảnh hưởng tới chất lượng hội nghị trực tuyến.
Đại diện CMS cho biết, với các tính năng mở rộng như Zoom Room, Zoom Connector hoặc Webinar, doanh nghiệp hay trường học có thể duy trì cuộc họp/lớp học ngay cả khi người khởi tạo mất kết nối internet, cho phép kết nối mạnh mẽ với các hệ thống hội nghị truyền hình khác hoặc tổ chức hội thảo lên tới 10.000 người xem và 100 người tham gia video tương tác…
Hiện, hàng nghìn trường học, trung tâm giáo dục cũng đã sử dụng Zoom để duy trì việc dạy và học cho giáo viên, học sinh sau hơn 2 tháng nghỉ dịch.
Nhiều ứng dụng trực tuyến khác cũng đã tăng mạnh về số lượng người dùng trong mùa dịch như VNPT iOffice và VNPT Meeting, bên cạnh các ứng dụng truyền thống như Skype…
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin – Truyền thông), lưu lượng dữ liệu tháng 3 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2, tập trung chủ yếu từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến…
Nhằm bảo đảm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông, Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng băng rộng, mở rộng dung lượng băng thông kết nối internet trong nước; mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế; tăng cường vùng phủ băng rộng tới cấp huyện, xã để đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến…
MAI HÀ
TNO