24/12/2024

Mở rộng đối tượng giãn thuế?

Mở rộng đối tượng giãn thuế?

Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân sẽ được thực hiện nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
Xem xét giãn nộp thuế cho doanh nghiệp trong thời gian dịch  /// Ảnh: Ngọc Thắng

Xem xét giãn nộp thuế cho doanh nghiệp trong thời gian dịch  Ảnh: Ngọc Thắng

Hỗ trợ bằng tiền và tháo gỡ khó khăn

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho hay, phần lớn các doanh nghiệp (DN) gần đây gửi công văn lên cơ quan thuế xin được gia hạn nộp các loại thuế do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Theo quy định hiện nay, việc gia hạn thuế chỉ thực hiện khi TP có dịch. Thế nên trước đó, Cục Thuế TP.HCM đã có công văn đề nghị UBND TP.HCM kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch bệnh trên địa bàn TP để DN, hộ cá nhân kinh doanh đủ điều kiện hưởng hỗ trợ thuế. Nhưng hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch trên toàn quốc thì điều kiện này được đáp ứng. “Mở rộng tất cả những đối tượng được giãn nộp thuế mà không tính tiền chậm nộp thuế. Thời gian giãn nộp thuế đến khi nào TP công bố hết dịch”, ông Minh đề xuất.
Ngoài ra, ông Lê Duy Minh cũng cho biết Cục Thuế TP.HCM cũng có đề xuất Tổng cục Thuế thực hiện điều chỉnh ngay doanh thu khoán đối với cá nhân kinh doanh theo tỷ lệ giảm thực tế. Bởi theo quy định tại Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính, cơ quan thuế tính lại doanh thu khoán khi có căn cứ xác định doanh thu thay đổi từ 50% trở lên so với doanh thu khoán trước đó, căn cứ đánh giá mức độ giảm doanh thu từ UBND quận, huyện, ban quản lý chợ… để thực hiện điều chỉnh. Đồng thời, do chưa dự báo được thời gian kết thúc dịch bệnh Covid-19, Cục Thuế kiến nghị ban hành quyết định miễn thuế từng tháng áp dụng cho các tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, việc công bố dịch trên cả nước có ý nghĩa là sẽ áp dụng các chính sách phòng chống dịch như nhau.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các đối tượng được hỗ trợ sẽ mở rộng hơn. Ông Lịch phân tích: Dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 80.200 tỉ đồng cho các DN bị tác động trực tiếp vì dịch bệnh Covid-19, hộ gia đình, DN nhỏ và siêu nhỏ.
Hiện Chính phủ cũng đang xem xét để ban hành một nghị định về việc miễn, giảm một số loại thuế, phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên năng lực tài chính của nhà nước là có hạn nên chỉ ưu tiên một số đối tượng.
Nhưng các DN có thể kiến nghị nhà nước không chỉ hỗ trợ bằng tiền mà còn có thể tháo gỡ những khó khăn liên quan trong hoạt động để tạo điều kiện thuận lợi hơn. “Ví dụ có 1 đồng thì không thể chia bằng để hỗ trợ cho tất cả mà chúng ta phải lựa chọn để hỗ trợ các DN, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất trong giai đoạn đầu. Sau đó mới có thể tiếp tục xem xét và mở rộng việc hỗ trợ đến các DN bị ảnh hưởng gián tiếp và các đối tượng khác chứ không thể làm tràn lan”, TS Trần Du Lịch nói.

Không cào bằng hỗ trợ

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ, nhận xét: “Tất cả DN, cá nhân, tỉnh thành bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng mức độ khác nhau. Các chính sách hỗ trợ nếu thực hiện “đánh đồng” sẽ thiếu tính công bằng và nguồn lực bị hạn chế.
Quan điểm của tôi là cần có phương án làm kỹ hơn đối với một số lĩnh vực, địa phương, địa bàn. Chẳng hạn, việc đề xuất của Bộ Tài chính về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất hiện đã đủ chưa”. Theo đánh giá của ông Lực, các biện pháp hỗ trợ vừa qua về cơ bản đã tạm ổn, chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước khi ban hành Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện giãn, hoãn nợ, triển khai gói tín dụng 285.000 tỉ đồng cho tất cả khách hàng…
Tuy nhiên các ngân hàng mong muốn Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết hơn về đối tượng ngành nghề để nhất quán thực hiện. Còn đối với chính sách tài khóa, giãn nộp thuế, tiền thuê đất cần sớm được đưa ra và triển khai.
Gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB-XH đề xuất về cơ bản tạm ổn nhưng cần kỹ hơn về đối tượng được hưởng, nguồn ngân sách chi phí cũng cần được tính toán cụ thể để thấy được mức độ cần chuẩn bị ngân sách bao nhiêu.
“Không thể mang hết nguồn lực ra chỉ để hỗ trợ trong lúc này mà còn phải nghĩ đến giai đoạn sau dịch bệnh. Theo tôi, giai đoạn sau đó cũng cực kỳ quan trọng nên Chính phủ cũng phải lưu ý để có các quyết sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội…”.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế

Kiến nghị miễn tiền thuê đất 6 tháng cho doanh nghiệp gặp khó vì dịch

Ngày 1.4, Bộ trưởng Bộ TN-MT đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng nhiều giải pháp hỗ trợ ngành y tế và doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, ngoài chính sách hỗ trợ DN bằng hình thức gia hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất (SDĐ) trong nghị định được Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng để trình Chính phủ, Bộ TN-MT kiến nghị riêng một số ưu đãi để DN có điều kiện, nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh, như miễn tiền thuê đất 6 tháng đầu năm 2020 cho tất cả trường hợp thuê đất trả tiền thuê hằng năm do ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đến 30.6 tới, nếu chưa khôi phục sản xuất, xem xét để miễn các tháng còn lại của năm cho DN vẫn chưa phục hồi sản xuất.
Bộ này cũng kiến nghị cho phép nộp chậm 6 tháng tiền SDĐ kể từ ngày có thông báo nộp tiền SDĐ; xem xét giảm số tiền tương ứng với 6 tháng SDĐ cho DN. Sau khi kết thúc dịch bệnh, trên cơ sở điều kiện thực tế, sẽ xem xét việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ nêu trên để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch…
Lê Quân
THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG
TNO