17/11/2024

Nhiều người lao động bị “đẩy” ra đường trong tâm dịch

Nhiều người lao động bị “đẩy” ra đường trong tâm dịch

Trong khi nhiều doanh nghiệp cố gắng chia sẻ để giữ nhân viên thì cũng có không ít trường hợp doanh nghiệp đẩy nhân viên ra đường khi gặp khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài.
Trong bối cảnh dịch bệnh tràn lan, người sử dụng lao động không thể đẩy người lao động 
ra đường 	 /// Ảnh: Linh Linh

Trong bối cảnh dịch bệnh tràn lan, người sử dụng lao động không thể đẩy người lao động ra đường  Ảnh: Linh Linh

Ở lại chỉ “bao ăn” 2 bữa/ngày

Chiều 26.3, T.L – nhân viên phục vụ tại một cửa hàng ăn uống trong sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đăng tấm hình cửa hàng nơi cô phục vụ với lời tạm biệt “Ngôi nhà thứ 2 của mình. Hẹn gặp lại sau 2 tháng nữa”. Hỏi, T.L cho biết cửa hàng kinh doanh ăn uống nơi cô làm là đơn vị tư nhân, kinh doanh tại khu vực sân bay quốc tế. Sau khi các chuyến bay nhập cảnh từ nước ngoài tạm ngưng, các quầy phục vụ ăn uống tại khu vực này không có khách nên quản lý khuyên nhân viên viết đơn nghỉ không lương, sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. “Tụi em được khuyên viết thư lên công ty xin nghỉ làm không lương 2 tháng, đổi lại, công ty sẽ hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng/tháng”, T.L nói và cho biết trước lương cơ bản được 4,8 triệu, cộng thêm tiền ăn một bữa 60.000 đồng nữa và một vài khoản khác thì thu nhập một tháng cũng hơn 7 triệu đồng, nay chỉ được 1/7 số đó. “Hiện tại vợ chồng em thuê nhà ở, hai con nhỏ, không dám nghĩ tiếp tháng sau sẽ thế nào”, T.L nói, giọng thiểu não.
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 27.3 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cho DN vay vốn với lãi suất 0% để hỗ trợ trả lương cho người lao động. Đây được xem là giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội trước tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19

Trường hợp xảy ra với T.Bình và các bạn tại cơ sở may thời trang H.M ở Q.Tân Phú (TP.HCM) càng thê thảm hơn, khi chủ cơ sở tuyên bố chỉ bao ăn 2 bữa mỗi ngày từ đầu tháng 3 cho những người ở lại chờ, còn lại “tự thân vận động” từ các khoản tiền nhà, tiền xăng… không lương tiền gì cả, ai muốn nghỉ cứ việc nghỉ. “Chủ bảo họ không còn hàng để làm, nên không trả lương được nữa”, T.Bình nói.

Lương thợ cắt may có tay nghề như T.Bình cao nhất là 9,5 triệu đồng/tháng, lương nhân viên giao hàng 6,5 triệu đồng/tháng, lương nhân viên xếp đồ bỏ bao 5,5 triệu đồng/tháng. “6 đứa làm cho chủ, nay bỏ đi hết 4 đứa trong đó có em, chỉ 1 đứa giao hàng và 1 đứa đóng hàng còn ở lại để được nuôi ăn ngày 2 bữa. Tụi em còn tiền thuê nhà, tiền ăn sáng, xăng xe, tắm giặt… chủ không hỗ trợ cho đồng nào, cũng không có chỗ cho tụi em ở lại ngủ nên thôi, em bỏ về nhà người thân ở Bình Dương phụ nuôi gà. Còn mấy đứa kia về quê, có đứa xin phụ bán ở chợ Tân Bình chỉ được 3,5 triệu đồng/tháng nhưng nay cũng nghỉ luôn rồi, không biết đi đâu”, T.Bình cho biết.
Hàng chục giáo viên tại Trường mầm non quốc tế Hanoi Center Kids (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) lại “dở khóc dở cười” vì đã được hứa hỗ trợ, nhưng 2 tháng qua chưa nhận được đồng lương nào. Cô giáo T.T.H.T ký hợp đồng lao động chính thức với nhà trường vào giữa năm 2019, mức lương cố định mỗi tháng là 9 triệu đồng. Từ tháng 2 khi dịch bệnh bùng phát, trường mầm non này đóng cửa, T. và các giáo viên, nhân viên bếp… phải nghỉ làm. Đầu tháng 2, ban giám hiệu nhà trường nhắn tin thông báo sẽ hỗ trợ mỗi người 2 triệu đồng/tháng. Những người có nhiệm vụ vẫn phải lên trường trong mùa dịch để thực hiện công tác khử trùng, tập huấn sẽ được trả công theo số buổi với mức 300.000 đồng/buổi. Thế nhưng tới giữa tháng 3, vẫn chưa giáo viên nào nhận được tiền hỗ trợ và tiền công bổ sung. “Chúng tôi nhắn tin cho kế toán hỏi thì vị này trả lời tháng sau mới có, cũng không giải thích tại sao. Nhiều giáo viên rất bức xúc vì đã 2 tháng không có lương, không tiền hỗ trợ, không thông báo gì từ trường ngoài một lời hứa suông. Chúng tôi còn phải trả nhiều chi phí tiền nhà, tiền ăn, nuôi con… Khi cả nhóm đòi nghỉ việc thì nhà trường mới thông báo tuần tới sẽ thu xếp trả trước phần hỗ trợ lương 2 triệu đồng/người và 200.000 đồng tiền 8.3…”, T. cho biết.

Có thể làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết theo hướng dẫn mới nhất về trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động của Bộ LĐ-TB-XH, trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch Covid-19, trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch như lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại làm việc, người đang trong thời gian cách ly, người lao động làm việc cho bộ phận hoặc doanh nghiệp (DN) mà người đứng đầu đang phải chịu cách ly, thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Đối với trường hợp DN gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng. Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của DN thì hai bên có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. “Như vậy, trường hợp người lao động đã ký hợp đồng với công ty thì khi buộc phải nghỉ việc vì dịch Covid-19 sẽ được nhận tối thiểu là mức lương tiêu chuẩn.
Thời gian DN ngưng hoạt động thực tế mới chỉ từ 2 – 4 tuần, không thể lấy lý do không có nguồn thu để đuổi việc hay không trả lương cho nhân viên vì DN nào cũng có quỹ dự phòng, có thể duy trì từ 3 – 6 tháng. Trường hợp DN không trả lương hay đuổi việc nhân viên giai đoạn này vừa vi phạm quy định, vừa không hợp tình, thể hiện sự không chuyên nghiệp, mất uy tín. Những trường hợp DN đủ điều kiện chi trả nhưng cố tình lợi dụng lý do dịch bệnh để khất lương của người lao động thì cần có kiểm tra và xử phạt”, ông Hậu đề xuất.
Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM (Đoàn luật sư TP.HCM) bổ sung, với trường hợp người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, có thể làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp để trang trải chi phí qua mùa dịch. Hoặc DN và người lao động có thể thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo điều 116 bộ luật Lao động. “Đã gọi là thỏa thuận phải có sự đồng ý của người lao động, nếu không đồng ý, không thể áp dụng. Việc thỏa thuận mức chi trả lương không thấp hơn mức lương vùng do Chính phủ quy định. Hiện hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thuộc vùng 1 với mức lương tối thiểu 4,42 triệu đồng”, luật sư Nguyễn Quốc Toản bổ sung.
NGUYÊN NGA – HÀ MAI
TNO