G7 hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương
G7 hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương
Cuộc họp ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 25-3 được tổ chức trực tuyến theo đúng tinh thần chống dịch hiện nay là ‘giữ khoảng cách tiếp xúc xã hội để phòng ngừa virus corona’.
Đây không phải lúc để đổ lỗi. Đây là thời điểm để giải quyết vấn đề của toàn cầu.
Ông MIKE POMPEO (ngoại trưởng Mỹ, quốc gia nắm vai trò chủ tịch điều hành hội nghị G7 lần này, tuyên bố mở đầu hội nghị G7)
Theo đó, các ngoại trưởng từ các nước G7 và đại diện EU đã cùng trao đổi về thực trạng đại dịch COVID-19 qua màn hình. Theo Đài NHK của Nhật, đây là lần đầu tiên một hội nghị các ngoại trưởng G7 diễn ra theo hình thức này.
Hỗ trợ các nước đang phát triển
Theo Đài NHK, các ngoại trưởng G7 khẳng định nước họ sẽ chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm rút ra được từ các biện pháp chống dịch triển khai tại nước mình, hợp tác trong kiểm soát biên giới và cùng nỗ lực góp sức cho quá trình tìm kiếm, phát triển văcxin, thuốc điều trị COVID-19.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ triển khai sáng kiến hỗ trợ thêm những quốc gia đang phát triển có nguy cơ đối mặt với tình huống dịch bệnh lây lan.
Trong thông cáo sau khi tham dự hội nghị G7, ông Josep Borrell – phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh – cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận đa phương và có sự điều phối mạnh mẽ, tăng cường hợp tác quốc tế và hỗ trợ nhân đạo cho các nước bị ảnh hưởng dịch nặng nhất, với chú ý đặc biệt tới châu Phi.
Ông Josep Borrell nêu tình cảnh khó khăn của Iran giữa lúc dịch bệnh hiện nay, về nguy cơ lan rộng khủng hoảng đại dịch sang các nước láng giềng của Iran và đặt ra nhu cầu cần hỗ trợ người dân Iran như một ưu tiên lúc này.
Ông nhấn mạnh các dịch vụ hỗ trợ y tế và nhân đạo đều là những vấn đề nằm ngoài phạm vi lệnh trừng phạt áp dụng với Iran.
Thông cáo của EU cũng nhấn mạnh nhu cầu cần phải làm sao để người dân nhận được thông tin chính xác về đại dịch, đảm bảo các biện pháp chống dịch đặc biệt cũng phải phù hợp với những giá trị dân chủ và mọi quốc gia nên hợp tác đẩy lùi tin giả, tin thất thiệt.
Phải đoàn kết
Không kể tới những bất đồng chưa dứt và màn đấu khẩu qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh nguồn gốc virus corona chủng mới gây dịch COVID-19, tại hội nghị, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ vẫn luôn tìm kiếm sự hợp tác với các nước, bao gồm Trung Quốc, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
“Chúng tôi rất muốn hợp tác với mọi quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một đại dịch toàn cầu” – ông Pompeo nêu rõ.
Quan điểm này cũng đã được Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nêu trong thông cáo sau hội nghị: “Hôm nay, tôi đã nhất trí về việc hợp tác nhằm tăng cường phối hợp quốc tế để hỗ trợ các nước dễ tổn thương, tìm kiếm văcxin, bảo vệ nền kinh tế thế giới và giúp các công dân đang bị mắc kẹt có thể hồi hương an toàn”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh việc cần phải chống lại mọi âm mưu lợi dụng cuộc khủng hoảng này cho các mục đích chính trị trong thông cáo, rõ ràng có ý ngầm phản đối Mỹ và Trung Quốc.
Nhà ngoại giao cao nhất của Pháp cũng bày tỏ quan điểm sự đoàn kết để chống đại dịch hiệu quả lúc này cần phải được đặt cao hơn mọi vấn đề khác.
Kết thúc bất đồng vì tên virus
Hội nghị thượng đỉnh các ngoại trưởng G7 đã kết thúc ngày 25-3 mà không thể ra được tuyên bố chung, vì các thành viên không chấp nhận yêu cầu của Mỹ phải gọi tên virus corona chủng mới là virus Vũ Hán.
Mỹ đóng vai trò chủ tọa trong kỳ họp lần này và Bộ Ngoại giao Mỹ đã chủ động dùng mã chủ đề (hashtag #WuhanVirus trên Twitter). Và vì không ra được tuyên bố chung nên theo báo Wall Street Journal, các nước đã tự phát thông cáo của mình về những kết quả đạt được tại hội nghị. Và dĩ nhiên, trong các báo cáo của 6 thành viên khác là Anh, Canada, Nhật, Ý, Đức và Pháp, họ không dùng cách gọi “virus Vũ Hán” hay “virus Trung Quốc”.
G20 “ưu tiên hàng đầu” việc chống dịch
Trong tuyên bố chung ngày 26-3, các lãnh đạo G20 cam kết cùng chung tay chiến đấu với đại dịch COVID-19, đồng thời tuyên bố “ưu tiên hàng đầu” của họ là giải quyết các tác động về y tế, xã hội và kinh tế của dịch bệnh.
Các lãnh đạo G20, bao gồm 19 quốc gia hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU), đã có cuộc họp trực tuyến hôm 26-3.
G20 cũng cam kết cùng xây dựng lại niềm tin, giữ nền tài chính toàn cầu ổn định và khôi phục tăng trưởng toàn cầu.
Ngoài ra, nhóm quốc gia trên cũng cam kết nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, cũng như yêu cầu các bộ trưởng tài chính, thống đốc các ngân hàng trung ương và các tổ chức quốc tế cùng xây dựng kế hoạch hành động để đối phó đại dịch. (NGUYÊN HẠNH)