24/12/2024

Nên san sẻ đều gói hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch

Nên san sẻ đều gói hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch

Bất luận thế nào cũng phải cố gắng để tồn tại qua khủng hoảng, nên doanh nghiệp cần thoát khỏi tình trạng “ngủ đông” như hiện nay.
Nên san sẻ đều gói hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch1

Ảnh: NVCC

Ông Đặng Hồng Anh (ảnh), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nêu quan điểm trên khi đề cập đến chuyện doanh nghiệp (DN) làm gì để vượt khó trong đại dịch Covid-19. Ông nói: “DN nên chuyển khỏi trạng thái “ngủ đông” thời khủng hoảng bởi doanh thu giảm sút hoặc doanh thu không có sẽ khiến DN sớm mất cân đối thu chi. Lợi nhuận âm phải chấp nhận lấy quỹ dự phòng để duy trì dòng tiền. Quan trọng hơn, DN cần tồn tại qua khủng hoảng; mất thanh khoản, mất vốn là mất hết. Ngoài ra, vấn đề quan trọng là DN cần chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng bởi thiếu nguồn lực thì mất cơ hội. Như vậy, một số chi phí có thể được thực hiện giảm bớt lúc này gồm chi phí nhân sự, chi phí điện nước, văn phòng phẩm, tiếp thị, thuế…”.
Cắt giảm chi phí lúc khó khăn là việc làm đầu tiên mà DN nào cũng nghĩ tới, nhưng thực tế không phải dễ dàng?
Như tôi nói ở trên, riêng chi phí về nhân sự có thể chia làm 3 nhóm gồm không thể cắt giảm, có thể cắt giảm và cắt giảm ngay lập tức. Nhóm không thể cắt giảm có thể là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, thâm niên, nên vận động họ tạm dừng nhận lương và phụ cấp trong 6 tháng, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu. Đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần. Nhóm có thể cắt giảm gồm những nhóm trực tiếp tạo ra doanh thu, tạm dừng nhận 50% lương và phụ cấp, giữ ở mức duy trì cơ bản cuộc sống, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu. Đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần. Thứ ba, nhóm chi phí thuế thì DN nên xin miễn giảm và hoãn nộp tất cả loại thuế, phí (BHXH, phí công đoàn, thuế GTGT…) đến khi kết thúc khủng hoảng và phục hồi kinh doanh. Đối với DN, điều tối kỵ là sử dụng các khoản vay ngân hàng (NH) để duy trì thanh khoản và dòng tiền trong lúc khủng hoảng.
Khu vực DN vừa và nhỏ đang bị tác động lớn trong đại dịch, theo ông, làm thế nào để gói kinh tế hỗ trợ DN đến được đối tượng này?
Nên san sẻ đều gói hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch2

Miễn giảm và giãn nợ thuế cần phải được thực hiện nhanh để giúp doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19   Ảnh: Phạm Hùng

Tôi nghĩ cách chọn một số DN và nhóm ngành hàng bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19 để hỗ trợ các gói tín dụng hiện rất khó để đến được tay các DN nhỏ và vừa nói chung trên mọi ngành hàng. Thực tế tất cả DN đều đang khó khăn. Thế nên, phải có cách tiếp cận ngược lại, tức là không phải từ Chính phủ đến các bộ ngành nghe các báo cáo thống kê, lập tức chọn các ngành chịu tác động nặng nề nhất như hàng không, du lịch để áp dụng hỗ trợ ngay. Rồi một thời gian sau, lại xuất hiện thêm một số ngành khác gặp khó khăn, sẽ tiếp tục hỗ trợ… Làm vậy khó hiệu quả.
Theo thực tiễn và kinh nghiệm đồng hành cùng các DN, tôi thấy điều đầu tiên là cần xem tất cả ngành nghề đã và đang bị ảnh hưởng và cần hỗ trợ. Kế đến, xem xét các ngành nghề không bị ảnh hưởng như thực phẩm (mì gói) và trang thiết bị y tế (khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn)… Sau khi phân loại ra, các giải pháp hỗ trợ nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cần phải được thực hiện khẩn cấp và ngay lập tức như miễn giảm và giãn nợ thuế đến cuối năm 2020, giảm lãi vay đến 5%, thậm chí bằng 0%, giãn nợ vay NH, tạm dừng đóng các loại bảo hiểm đến cuối năm. Còn lại, những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhẹ hơn có thể được giảm lãi vay NH từ 1 – 2%, cơ cấu lại thời gian trả nợ NH mà không bị chuyển nhóm nợ để có thể tiếp tục vay mới… Với các giải pháp rõ ràng chi tiết như thế, chúng ta sẽ chọn đúng đối tượng để hỗ trợ thiết thực hơn. Hình thức thì DN chỉ cần gửi văn bản cho cục thuế và NH nêu rõ lý do là lập tức được giải quyết. Được như vậy sẽ hạn chế được cơ chế “xin – cho”.
Hiện tại NH Nhà nước đã có chủ trương giảm lãi suất, nhưng thực hiện thế nào còn phụ thuộc vào các NH thương mại. Để chính sách này đến được tay các DN vừa và nhỏ, theo ông, thêm điều kiện đủ gì?
Như tôi nói ở trên, việc giảm lãi suất theo tôi phải chia theo lĩnh vực, cần đánh giá lại, như hàng không, du lịch thiệt hại nhiều thì ban hành cụ thể và giảm luôn. Với những ngành thiệt hại ít hơn thì giảm từ 0,5 hoặc 1 – 2%. Hiện nay DN nào cũng gửi hồ sơ, bài toán đặt ra là duyệt thế nào? Dù Thủ tướng đã nói rằng hạn chế “xin – cho” nhưng nếu không có giải pháp căn cơ, chắc chắn sẽ có bất cập này. Chẳng hạn, DN gửi hồ sơ vay vốn đến một NH thân thiết chắc chắn sẽ dễ duyệt hơn. Do đó, cần cụ thể hóa chính sách từ NH Nhà nước để có những giải pháp hạ lãi suất cơ bản, có cơ chế bù hoặc nới tăng trưởng tín dụng để các NH kiếm nguồn bù lại khoản đã giảm cho DN… Hơn thế, cần có những mệnh lệnh hành chính như có những ngành hàng nào không tính lãi hoặc chỉ tính lãi bao nhiêu phần trăm mới rõ ràng.
Ngoài ra, các NH phải trích ra bao nhiêu phần trăm để cho DN vừa và nhỏ vay, điều kiện vay ra sao… Chỉ có rõ ràng và minh bạch như vậy thì DN vừa và nhỏ mới có cơ hội tiếp cận, còn không sẽ rất khó có cơ hội. “Sức khỏe” DN đang được tính bằng ngày, không còn tính bằng tháng hay năm, nên biện pháp thiết thực nhất là giảm, giãn nợ để không sợ bị nhảy nhóm. Những giải pháp này phải nhanh chóng để áp dụng ngay vào thực tiễn cứu DN càng sớm càng tốt.
NGUYÊN NGA
TNO