Căng thẳng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung trên Biển Đông
Căng thẳng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung trên Biển Đông
Mới đây, quốc hội Mỹ nhận báo cáo cập nhật về cạnh tranh chiến lược giữa nước này với Trung Quốc ở 2 khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.
Được thực hiện bởi các đơn vị nghiệp vụ từ phía chính phủ và quốc hội Mỹ, bản báo cáo nhận xét dù tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông mới nhìn trông có vẻ giữa Trung Quốc với các nước lân cận, nhưng thực chất lại tồn tại cả các lợi ích quan trọng đối với Mỹ cả về nhiều mặt từ chiến lược, chính trị đến kinh tế.
Đấu trường cạnh tranh chiến lược
Cụ thể hơn, bản báo cáo nêu: Trong một môi trường an ninh đầy cạnh tranh giữa các cường quốc với nhiều đổi mới, Biển Đông nổi lên như một đấu trường cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc cạnh tranh với Bắc Kinh tại Biển Đông tạo thành yếu tố then chốt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cách tiếp cận đối đầu với Trung Quốc. Đây còn là một phần trong nỗ lực của Washington đối với việc thúc đẩy xây dựng khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng tăng cường xây dựng các hạ tầng, tiến hành quân sự hóa, triển khai vũ khí tại các thực thể mà nước này đang chiếm đóng trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Không những vậy, Trung Quốc còn thực hiện các hành động gây căng thẳng nhằm vào các nước lân cận như Việt Nam, Philippines. Điều đó khiến cho giới quan sát lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách thiết lập kiểm soát phần lớn Biển Đông. Bắc Kinh cũng đang tìm cách tăng quyền lực kiểm soát ở biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Nối kết các khu vực này, trong đó đặc biệt là Biển Đông, có thể gây tổn hại lớn cho lợi ích chiến lược của Mỹ về kinh tế, chính trị lẫn quân sự tại khu vực, khi Biển Đông là một tuyến hàng hải quan trọng.
|
Để giải quyết thực tế trên, báo cáo cho rằng mục tiêu của Washington là phải ngăn chặn tham vọng bá chủ khu vực Đông Á của Bắc Kinh. Để ngăn chặn hiệu quả, theo báo cáo, Mỹ cần thực hiện các biện pháp sau: cản trở việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng hạ tầng, tăng cường quân sự hóa các thực thể mà Bắc Kinh đang kiểm soát trên Biển Đông; Bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, biển Hoa Đông vốn được Bắc Kinh đưa ra cùng các đường cơ sở phân chia chủ quyền; Ngăn chặn Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các hành vi gây áp lực với các bên trong khu vực; Thực thi tự do hàng hải (FONOP) nhằm nhấn mạnh quyền tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế…
Căng thẳng dâng cao
Thực tế, Mỹ và Trung Quốc gần đây đã không ngừng tăng cường các hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông. Cụ thể, hai bên đều triển khai khá nhiều chiến hạm ở nhiều tầm mức. Kèm theo đó là những cuộc tập trận ở Biển Đông hoặc vùng biển gần Biển Đông.
Cạnh tranh Mỹ – Trung cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn sẽ vẫn còn căng thẳng nhiều mặt
TS Satoru Nagao
Mới đây, ngày 23.2, tài khoản trên Facebook của Hạm đội 7 – hải quân Mỹ đã công bố nội dung và hình ảnh về cuộc tập trận bắn đạn thật tại khu vực gần Biển Đông. Cụ thể, 2 tàu chiến thuộc Hạm đội 7 – hải quân Mỹ là tàu tuần dương USS Shiloh và tàu khu trục USS Barry tập trận bắn đạn thật (phóng tên lửa) ở vùng biển phía đông Philippines.
Ngày 26.3, nhận định về diễn biến cuộc tập trận vừa nêu khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên, TS.Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho đây là một phần trong diễn biến leo thang cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.
“Nhìn từ khía cạnh quân sự, việc khai hỏa tên lửa SM-2 như trên mang thông điệp chống lại tên lửa, máy bay quân sự của Trung Quốc, bởi nội dung tập trận có thể hiểu là mô phỏng việc Mỹ – Trung đụng độ ở khu vực eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông. Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng phát triển tên lửa diệt hạm nhằm chống lại chiến hạm Mỹ, đặc biệt là tàu sân bay, ở khu vực Thái Bình Dương”, ông Nagao nhận xét và cho rằng: “Để chống lại nguy cơ từ hỏa tiễn Bắc Kinh, Washington phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa. Mặc dù tên lửa SM-2 vốn chuyên dụng để đánh chặn máy bay chứ không phải đánh chặn tên lửa đạn đạo, nhưng việc khai hỏa loại tên lửa SM-2 vẫn là một phần quan trọng trong phương án hành động của nhóm tác chiến tàu sân bay nếu xảy ra xung đột bùng nổ ở Biển Đông hay eo biển Đài Loan”.
Ông nói thêm, nhìn về khía cạnh chính sách đối ngoại, cuộc tập trận cũng là thông điệp răn đe Trung Quốc xét trong bối cảnh hiện tại. Những ca nhiễm Covid-19 trên tàu sân bay Mỹ có thể khiến hoạt động của hải quân nước này ở Thái Bình Dương bị ảnh hưởng đáng kể. Trong khi đó, dù cả thế giới đang ứng phó dịch bệnh, Bắc Kinh gần đây tiến hành liên tục nhiều hoạt động đáng quan ngại ở các vùng biển. Cụ thể như tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên xuất hiện quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông mà nước này đang tranh chấp với Nhật Bản, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đại lục va chạm với tàu của lực lượng bảo vệ biển Đài Loan. Bắc Kinh thông báo việc thiết lập một số cơ sở – được gọi là “nghiên cứu khoa học”, ở các thực thể mà họ đang chiếm đóng tại khu vực quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh xúc tiến nhanh việc hoàn thiện tàu thứ 2 thuộc lớp tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Type-075…
“Từ những động thái trên của Bắc Kinh, Washington cần có các hành động phản ứng, khẳng định sự cam kết tham gia vào tình hình khu vực”, TS Nagao nhận định.
Theo ông, đối với chính sách dài hạn, đây là giai đoạn căng thẳng trong cuộc cạnh tranh của Washington với Bắc Kinh. Cuộc cạnh tranh hiện đã leo thang nhanh khi có một yếu tố tác động là diễn biến bệnh dịch, thậm chí là tranh cãi căng thẳng về nguồn gốc của vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Trung Quốc đang cố đưa ra những nội dung truyền thông cho rằng vi rút trên không bắt nguồn từ nước này, nhưng Mỹ không đồng ý với điều đó. Tuy nhiên, dù vi rút có nguồn gốc từ đâu thì nếu chính quyền Trung Quốc không có những hành động che giấu thông tin dịch bệnh trong thời gian đầu, tình hình lây lan có lẽ đã không nghiêm trọng như hiện tại.
“Từ những yếu tố trên, cạnh tranh Mỹ – Trung cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn sẽ vẫn còn căng thẳng nhiều mặt”, TS Nagao dự báo.
Tự nhận quyền kiểm soát
|
Liên quan việc Trung Quốc vừa thông báo thiết lập 2 cơ sở nghiên cứu khoa học ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Xu Bi trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đánh giá đây là những động thái của Bắc Kinh nhằm tìm cách hợp pháp hóa việc kiểm soát các thực thể trên Biển Đông. Qua động thái trên, Trung Quốc đang cố tự cho mình quyền kiểm soát các bãi đá này. Đây cũng là cách thức dân sự hóa làm bình phong cho các hoạt động quân sự mà Trung Quốc đang tiến hành, rồi lấy cớ bác bỏ yêu cầu của các bên liên quan.
NGÔ MINH TRÍ
TNO