Vì sao bệnh nhân COVID-19 số 17 có 3 lần âm tính vẫn chưa được ra viện?
Vì sao bệnh nhân COVID-19 số 17 có 3 lần âm tính vẫn chưa được ra viện?
Đã có 2 bệnh nhân COVID-19 là bệnh nhân 17 và 27 có 3 lần xét nghiệm âm tính, như tiêu chuẩn trước đây là 2 lần âm tính được coi là khỏi bệnh, nhưng vì sao 3 lần vẫn chưa được ra viện?
Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế, đến nay đã có 26 bệnh nhân COVID-19 (trong số 131 người đang được điều trị) có kết quả xét nghiệm âm tính 1-3 lần. Trong số này có hai bệnh nhân số 17 và 27 đã có 3 lần xét nghiệm âm tính, nhiều người có 2 lần xét nghiệm âm tính nhưng chưa được ra viện. Trong khi tiêu chuẩn hiện hành, cứ 2 lần xét nghiệm âm tính được coi là khỏi bệnh.
Tuần trước, bệnh nhân số 18 cũng có 2 kết quả xét nghiệm âm tính, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, nơi điều trị, cho bệnh nhân xuất viện, nhưng sau đó chuyển tiếp tới theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, nơi bệnh nhân sinh sống.
Lý do vì sao mà bệnh nhân đủ tiêu chuẩn được coi là khỏi bệnh lại không được ra viện như trước đây? Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất (phiên bản 3), vừa được Bộ Y tế ban hành, người bệnh COVID-19 đủ điều kiện xác định khỏi bệnh là 2 lần xét nghiệm âm tính, nhưng vẫn phải theo dõi thêm 14 ngày. Điều này nhằm dự phòng tình huống tái nhiễm từng ghi nhận ở một số vùng dịch của Trung Quốc.
Bộ Y tế cũng chưa cho phép sử dụng các thuốc kháng virus đặc hiệu, trong đó có cả thuốc điều trị sốt rét (ngoại trừ sử dụng để nghiên cứu) do chưa có đầy đủ bằng chứng. Sau khi có đủ bằng chứng trong nghiên cứu tại Việt Nam và quốc tế, Bộ Y tế sẽ xem xét bổ sung các thuốc này.
Các điểm mới trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 vừa được Bộ Y tế ban hành:
1. Hướng dẫn này đã thay đổi định nghĩa ca bệnh nghi ngờ, vì tình hình dịch tễ đã thay đổi, có nhiều vùng dịch, ổ dịch tại các địa phương ở Việt Nam.
2. Bỏ các định nghĩa ca bệnh có thể, vì năng lực xét nghiệm cao hơn trước.
3. Về điều trị: Tập trung chính là điều trị suy hô hấp, cập nhật những khuyến cáo mới nhất theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về oxy liệu pháp và đích oxy máu.
4. Yêu cầu theo dõi sát bệnh nhân, đặc biệt ngày thứ 7-10 của bệnh, trong đó hướng dẫn này sử dụng các dấu hiệu lâm sàng, các thang điểm cảnh báo sớm, theo dõi tiến triển hằng ngày của X-quang phổi của bệnh nhân để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng/tiến triển nặng của bệnh. Theo các báo cáo trên y văn cũng như thực tế các ca bệnh nặng ở Việt Nam trong thời gian qua, đa số đều diễn biến nặng nhanh trong khoảng thời gian này.
5. Với bệnh nhân suy hô hấp nặng, nên đặt ống nội khí quản sớm và thở máy xâm nhập. Chỉ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập cho từng trường hợp cụ thể chứ không áp dụng thường quy và cần theo dõi sát bệnh nhân.
6. Về các thuốc kháng virus đặc hiệu (như Lopinavir/Ritonavir, Chloroquine, Hydroxychloroquine, Remdesivir…), do chưa có đủ các bằng chứng về hiệu quả và an toàn của những thuốc này trong điều trị COVID-19 nên chưa khuyến cáo áp dụng thường quy trong điều trị (ngoài phạm vi sử dụng trong các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam). Bộ Y tế sẽ ra các khuyến cáo bổ sung dựa trên những kết quả của các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam tới đây.
7. Tiêu chuẩn ra viện: cải thiện các dấu hiệu lâm sàng, cần có hai mẫu liên tiếp bệnh phẩm đường hô hấp (cả dịch tị hầu và dịch họng), lấy cách nhau tối thiểu 24 giờ âm tính với SARS-CoV-2.
8. Sau khi ra viện, người bệnh tiếp tục được cách ly tại nhà 14 ngày nữa. Người bệnh cần được ở phòng riêng thoáng khí, đeo khẩu trang, ăn riêng, vệ sinh tay, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình, và không được ra ngoài. Theo dõi sát thân nhiệt 2 lần/ngày, khám lại ngay nếu sốt hoặc có dấu hiệu bất thường khác.
Cập nhật tên bệnh và tên virus: hướng dẫn lúc trước không phải virus gọi là SARS-CoV-2 và bệnh là COVID-19, mà gọi chung là nCoV. Hiện nay, được gọi lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới là SARS-CoV-2.