25/12/2024

Chạy đua sản xuất máy thở điều trị Covid-19

Chạy đua sản xuất máy thở điều trị Covid-19

Chính phủ các nước đang huy động toàn lực và nới lỏng quy định để tăng sản lượng máy thở điều trị bệnh nhân Covid-19.
Nhân viên kiểm tra máy thở tại nhà máy của Hãng Hamilton Medical AG ở Thụy Sĩ /// Reuters

Nhân viên kiểm tra máy thở tại nhà máy của Hãng Hamilton Medical AG ở Thụy Sĩ  Reuters
Đại dịch Covid-19 đang khiến ngành y tế của nhiều nước trong tình cảnh quá tải, đặc biệt là thiếu hụt máy thở cho các bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Nhân viên tiếp thị cũng sản xuất

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 24.3 tạm thời nới lỏng quy định về thiết kế, chất liệu và quy trình sản xuất máy thở, giúp các nhà sản xuất linh động hơn trong việc sử dụng thiết bị thay thế để chế tạo, đẩy nhanh năng suất nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu, theo trang Axios.
Hãng Hamilton Medical AG của Thụy Sĩ phải đưa luôn nhân sự mảng tiếp thị vào dây chuyền sản xuất để có thể tăng sản lượng từ 15.000 máy trong năm ngoái lên thành 21.000 máy trong năm nay. Ngoài ra, hãng này còn ưu tiên đơn hàng ở các nước đang cần gấp và đã bị một số nước khác phản ứng, dọa đưa vào danh sách đen, theo Reuters. Hãng Getinge của Thụy Điển cho biết sẽ tăng số lượng máy thở sản xuất trong năm nay lên 60% so với 10.000 máy hồi năm ngoái.
Dù có hệ thống y tế hàng đầu trong khu vực, chính phủ Đức mới đây đặt hàng thêm 10.000 máy thở của Hãng Dragerwerk AG, tương đương một năm sản xuất của công ty này. Tờ Financial Times dẫn lời đại diện Dragerwerk cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất và dồn nhân công mảng khác cho việc sản xuất thiết bị y tế.

Quân đội, hãng ô tô vào cuộc

Chính phủ Ý mới đây điều động 25 kỹ sư của quân đội hỗ trợ việc sản xuất của Siare Engineering, nhà sản xuất máy thở lớn nhất nước này. Bên cạnh đó, quân đội còn cử thêm nhân sự giúp cho các nhà cung cấp thiết bị của Siare Engineering nhằm đẩy nhanh việc sản xuất trong bối cảnh bệnh viện thiếu hụt nguồn lực.
Ông Gianluca Preziosa, Tổng giám đốc Siare Engineering, cho biết thông thường sản xuất 160 máy/tháng nhưng nay tăng lên gấp 3 lần, với mục tiêu là làm ra 2.000 máy trong 4 tháng tới. Điều này buộc công ty phải hủy toàn bộ đơn hàng ở nước ngoài để tập trung sản xuất trong nước. Mỗi máy thở có giá 17.000 euro. Các hãng xe hơi như Ferrari hay Fiat Chrysler đang hợp tác với Siare Engineering để chế tạo một số thiết bị cần thiết cho sản xuất máy thở, theo Reuters.
Tỉ phú công nghệ Elon Musk hôm qua thông báo đã mua 1.255 máy thở hiệu ResMed và Philips & Medtronic tại Trung Quốc và đưa về Mỹ tặng cho các bệnh viện có nhu cầu. Trước đó, Tổng thống Donald Trump thông báo trên Twitter rằng các nhà sản xuất xe hơi như Tesla, Ford hay General Motors đã được bật đèn xanh để sản xuất máy thở và các thiết bị khác. Dù thông báo đang hợp tác với nhà sản xuất máy thở, nhưng Tesla và General Motors được cho chỉ đóng vai trò hỗ trợ về nguồn cung cấp, hậu cần và kỹ thuật hơn là bắt tay vào sản xuất.
Tại Anh, chính phủ nước này thông báo đang có 12.000 máy thở nhưng phải cần đến 30.000 máy mới đủ để cứu bệnh nhân qua đợt dịch này. Tờ The Guardian dẫn nguồn tin cho biết chính phủ nước này đang chọn một mẫu thiết kế máy thở có thể sản xuất nhanh và đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể. Nhiều công ty hàng không và ô tô như Airbus, GKN, Renishaw, Thales, Meggitt, McLaren hay Nissan được cho là đã tham gia nghiên cứu phát triển. Mặt khác, Ngân hàng HSBC thông báo sẽ hỗ trợ các khoản vay ưu đãi cho những công ty tham gia dự án này.
Trở ngại oái oăm
Việc đóng cửa biên giới khiến nhiều công ty sản xuất máy thở bị thiếu hụt nhân công và nguồn cung thiết bị. Hãng ResMed đã cầu viện chính phủ Malaysia đặc cách cho lao động người Malaysia của công ty này sang nhà máy ở Singapore để làm việc. Hãng Hamilton Medical AG của Thụy Sĩ cũng đang nhờ chính phủ can thiệp để đưa một lô ống thở bị chặn tại Romania về nước trong khi Hãng Getinge cũng phải nhờ sự can thiệp của giới chính trị gia Thụy Điển để có đủ nguồn cung thiết bị.
VI TRÂN
TNO