27/12/2024

Hết thời ô tô đậu ‘chùa’ lòng đường

Việc TP.HCM triển khai thí điểm thu phí tự động ô tô đậu dưới lòng đường với mức phí tăng gấp 5 lần trước đây khiến nhiều tài xế than phiền, thậm chí lớn tiếng với nhân viên thu phí…

 

Hết thời ô tô đậu ‘chùa’ lòng đường

Việc TP.HCM triển khai thí điểm thu phí tự động ô tô đậu dưới lòng đường với mức phí tăng gấp 5 lần trước đây khiến nhiều tài xế than phiền, thậm chí lớn tiếng với nhân viên thu phí…
 
 
 
 
Tuy nhiên, nếu được triển khai đồng bộ thì tình trạng xe đậu tràn lan ở lòng đường sẽ được chấn chỉnh.
 
 
Như Thanh Niên đã thông tin, kể từ 1.8, Sở GTVT TP.HCM triển khai đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu ô tô trên địa bàn TP. Có 23 tuyến đường đầu tiên thu phí tự động đậu xe theo giờ, thuộc địa bàn Q.1, Q.5 và Q.10 thông qua ứng dụng My Parking cài đặt trên điện thoại thông minh (smartphone). Mức phí tăng luỹ tiến theo thời gian với mức thu thấp nhất từ 20.000 – 25.000 đồng/xe/giờ đầu tiên; tiếp theo từ 20.000 – 40.000 đồng/xe/giờ, tùy từng khu vực…
 
Tài xế “sốc nặng”

Đường Lê Lai (Q.1), khu vực gần khách sạn New World, thường ngày lòng đường dài hàng trăm mét được sử dụng làm nơi đậu xe có thu phí. Với mức giá chỉ 5.000 đồng/lượt, khu vực này trước đây xe luôn đậu kín với gần cả trăm ô tô. Thế nhưng kể từ 1.8 thì nơi này vắng hoe. Một nhân viên thu phí ở tuyến đường này nói: “Do giá cao quá, nhiều tài xế tấp xe vào đậu nghe mình báo giá thì chạy tìm chỗ khác. Đối với mấy tài xế đóng tiền đậu 1 giờ (25.000 đồng) thì khi hết giờ mình đến nhắc di chuyển hoặc đóng thêm tiền cho giờ tiếp theo họ rất khó chịu. Nhiều người còn “xin” kiểu như thêm 10 phút, 20 phút nữa rồi đi. Mấy tài xế xe tỉnh nghe mình nói đậu 3 tiếng mất gần 100.000 đồng thì chạy mất dạng luôn”.

 
Theo các tài xế, mức thu phí đậu ô tô theo quy định mới quá “chát”, chưa kể áp dụng cách thu dựa vào công nghệ rườm rà, phức tạp khiến họ bối rối. Anh Võ Phú Thọ (42 tuổi, ngụ Tây Ninh) cho biết thường đi công việc ở Q.1 và đậu xe trên đường Lê Lai. “Trước đây, mỗi lần đậu chỉ mất phí 5.000 đồng, nhưng nay đậu 1 giờ đã tốn ít nhất gấp 5 lần khiến tôi sốc nặng. Giá như thu 20.000 đồng rồi cho đậu thoải mái mà không tính lũy tiến theo giờ, thì tôi nghĩ anh em tài xế sẽ chấp nhận. Với lại, nhiều khi mình chở khách đi công việc, chỉ đậu chừng 20 – 30 phút rồi đi nhưng vẫn phải trả cả giờ thì cao quá”, anh Thọ than phiền.
 
Hết thời ô tô đậu 'chùa' lòng đường - ảnh 2

Ô tô tràn qua đậu “lụi” ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM)  ẢNH: ĐỨC TIẾN

 

Tương tự, anh Đ.Q.S (30 tuổi, ngụ TP.HCM), tài xế xe công nghệ, cho rằng việc sử dụng phần mềm để thu phí đậu ô tô không gây khó khăn gì đối với giới tài công nghệ như anh, nhưng giá cả “đúng là sốc thật”. “Trước đây chỉ tốn có mấy ngàn đồng, giờ đứng chờ khách thôi cũng mất mấy chục ngàn đồng rồi. Con đường mưu sinh càng thêm chật vật”, anh S. nói.
“Đắt quá thì… chạy lòng vòng”
 
Đậu xe trên đường Tản Đà (P.11, Q.5) để đợi người thân đi khám bệnh, tài xế Lưu Quốc Vinh (ngụ Đồng Tháp) ngạc nhiên khi bị thu phí theo hình thức mới. “Hồi trước tôi đóng có 30.000 đậu xe cả ngày, nay thu 1 giờ 25.000 đồng, chúng tôi thấy bị sốc! Đậu ngoài đường bị thu phí cao mà chỉ là phí đậu xe, còn lại mình vẫn phải trông xe, sợ mất cắp các kiểu. Nếu mắc vậy thì lần sau tôi chạy lòng vòng hoặc kiếm chỗ khác đậu”, ông Vinh vừa lấy tiền nộp vừa “kể khổ”.
 
Trên đường Cao Thắng (P.12, Q.10), một loạt ô tô đậu thành hàng dài dưới lòng đường. Cửa xe đóng kín mít, trước kính xe nào cũng kẹp một phiếu nhắc nhở vi phạm về việc đậu xe mà chưa nộp phí, kèm một tờ hướng dẫn cài đặt ứng dụng My Parking. Bần thần cầm phiếu thu phí, tài xế Nguyễn Hữu Huân (47 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) than vãn: “Giá “rát” quá. Tôi chở khách lên đây khám bệnh nên phải ngồi đợi 3 – 4 tiếng đồng hồ. Thu phí đậu xe kiểu này thì mất hàng trăm ngàn chứ có ít đâu. Lát tôi cũng không biết nói làm sao để khách hỗ trợ phí đậu xe đây”.
 
Có mặt trên đường An Dương Vương (Q.5), PV ghi nhận tình trạng ô tô đậu hàng loạt hai bên đường dọc theo các cơ sở dán decan và phụ kiện ô tô. Vừa đậu xe vào mua phụ kiện, ông Ngô Văn Đạm (50 tuổi, ngụ Tiền Giang) đã được nhân viên thu phí tới thông báo và yêu cầu đóng phí. Đi cùng nhân viên thu phí có hai nhân viên Viettel hướng dẫn cách cài đặt ứng dụng để thanh toán phí. Qua phút đầu bất ngờ, ông Đạm chấp nhận rút ví lấy tiền ra nộp. “Tôi ở dưới Tiền Giang lên gắn phụ kiện cho xe. Thấy phí dù hơi cao nhưng cũng chấp nhận, vì có chỗ đậu, không phải chạy tới chạy lui khi có trật tự đô thị đuổi. Tôi trả tiền mặt cho nhanh chứ cài đặt với sử dụng ứng dụng này kia rắc rối lắm”, ông Đạm nói.
 
Theo quan sát của PV, việc thao tác, sử dụng các ứng dụng của nhân viên thu phí cũng chưa thành thạo, mạng internet phập phù khiến thời gian xử lý thông tin, in phiếu kéo dài gây phiền hà cho người đậu xe. Điều đáng nói, các con đường như Trần Bình Trọng, Tản Đà (Q.5), Cao Thắng (Q.10)… khá nhỏ, ô tô đậu hai bên khiến mặt đường dành cho lưu thông giờ cao điểm trở nên rất khó khăn. Trong khi đó, để né mức phí quá “chát” ở các tuyến đường như Ngô Đức Kế, Đông Du, Đồng Khởi… nhiều tài xế chạy vào đậu “chui” ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé, Q.1).
 
Cần linh động hơn
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nói thẳng: “Đề án này đã đưa ra bàn lâu rồi, và khi đưa ra Uỷ ban MTTQ VN TP.HCM để phản biện, tôi cũng có tham gia. Vấn đề là cách thu, công nghệ, nhà mạng ra làm sao… thì chưa rõ lắm. Có nhiều ý kiến phản biện về nhiều vấn đề chưa được làm rõ nhưng không hiểu vì sao lại vội vã làm”.
 
Theo ông Sanh, trước đây thu 5.000 đồng/lượt xe đậu và không tính tăng lũy tiến theo giờ thì quá thấp, còn giờ lại tăng quá cao khiến tài xế bị sốc. Ông Sanh cũng cho rằng việc ứng dụng công nghệ để thay đổi phương thức quản lý đô thị theo hướng hiện đại là hết sức cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra đòi hỏi cơ quan quản lý phải tuân thủ, là đừng đẩy cái khó cho dân, đừng gây xáo trộn. “Mình thu cứng nhắc như thế thì tài xế lúng túng, né tránh đậu rồi cho xe chạy lòng vòng càng thêm kẹt xe. Cho phép đậu xe trên lòng đường phải kết hợp cả bãi đậu xe công cộng, tổ chức giao thông khu vực trung tâm… Từ đó có lộ trình ứng dụng công nghệ vào thu phí một cách phù hợp”, ông Sanh nói và đề nghị việc thu phí phải có đấu thầu, đấu giá bài bản để tránh lợi ích nhóm.
 
Chuyên gia giao thông Lâm Thiếu Quân cũng cho rằng phương án thu còn có bất cập về thời gian. “Mức phí mà HĐND TP.HCM thông qua chỉ nên áp dụng là mức tối đa, chứ không nên thu cào bằng về mặt thời gian. Thời gian thu phí cần phải uyển chuyển. Giờ cao điểm thu cao là đúng rồi, nhưng vào những giờ thấp điểm, ví như sau 7 giờ tối, thứ bảy và chủ nhật có thể giảm xuống để tạo điều kiện cho những người có nhu cầu đỗ xe, qua đó cũng góp phần tăng thu, đặc biệt là khuyến khích người dân đến khu trung tâm mua sắm, giải trí…”, ông Quân nói.
 
23 tuyến đường đầu tiên thu phí tự động
Q.1 (13 tuyến): Cao Bá Quát, Đông Du, Lê Lai, Trương Định, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Thủ Khoa Huân, Hai Bà Trưng, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa, Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp.
 
Q.5 (4 tuyến): An Dương Vương, Tản Đà, Trần Bình Trọng, Phạm Hữu Chí.
Q.10 (6 tuyến): Lê Hồng Phong, Cao Thắng, Nguyễn Giản Thanh, tuyến hẻm 2 bên công viên Vườn Lài (hẻm 781 Lê Hồng Phong và hẻm 16 Trần Thiện Chánh), hẻm 51 Thành Thái, tuyến hẻm xung quanh công viên Z756 (hẻm 283 và 285 Cách Mạng Tháng 8).

 

TIỂU THIÊN – ĐỨC TIẾN – ĐÌNH PHÚ