10/01/2025

Thành công đâu chỉ là điểm số…

Hơn 5 năm trước, lớp tôi chủ nhiệm có một nữ sinh chẳng may thi rớt tốt nghiệp trung học phổ thông. Em khá xinh, nhưng sức học thì hạn chế.

 

Thành công đâu chỉ là điểm số…

1. Hơn 5 năm trước, lớp tôi chủ nhiệm có một nữ sinh chẳng may thi rớt tốt nghiệp trung học phổ thông. Em khá xinh, nhưng sức học thì hạn chế. 
 
 
 
 
Các em phải biết tự tin, biết khám phá những thế mạnh, sở trường, sở đoản của bản thân mình /// Ảnh minh họa: Khả Hòa

Các em phải biết tự tin, biết khám phá những thế mạnh, sở trường, sở đoản của bản thân mình  ẢNH MINH HỌA: KHẢ HOÀ

 
Sau kỳ thi năm ấy, em đã “mất hút”, đến cả bạn bè trong lớp cũng chẳng ai hay biết. Tình cờ một lần, tôi gặp lại em. Gặp tôi, em có vẻ e thẹn và hơi xấu hổ. Sau lần gặp ấy, tôi không còn thấy em đứng bán bánh tráng trộn bên góc đường tôi gặp ấy nữa. Phải chăng đoạn đường gần trường nơi em đứng bán có nhiều thầy cô và bạn bè cùng lớp thường qua?


Mới đây, khi vào cửa hàng bách hoá, tôi tình cờ gặp lại cậu học trò cũ. Mới gặp tôi nhận không ra, vì khuôn mặt cậu ta sạm đen vì nắng gió. Tôi còn nhớ khá rõ lý lịch của cậu: “Quê Đắc Lắk. Cha mẹ vào TP.HCM thuê ở trọ và làm nghề tự do. Trong hồ sơ thi tốt nghiệp ghi rõ: chỉ để xét tốt nghiệp chứ không có nguyện vọng vào đại học…”. Cậu ta vừa gãi đầu vừa ngượng nghịu với tôi: “Em lấy cà phê ở quê, đem lên bỏ mối cho các cửa hàng, quán cà phê. Suốt ngày long nhong ngoài đường nên vất vả…”. Trên nét mặt, nụ cười và trong giọng nói của cậu ta, tôi thấy có gì đó không được vui!

 
2. Tôi kể hơi dài hai câu chuyện trên là có lý do. Là vì muốn nhắn gửi đến các em học sinh và bạn trẻ vì hoàn cảnh, vì năng lực, vì nhiều lý do khác, rằng: không có gì phải tự ti, mặc cảm hay xấu hổ khi không được diễm phúc may mắn bước vào đời bằng con đường bằng phẳng êm ái. Nhắn với các em rằng phải biết tự tin, tự tôn, biết khám phá những thế mạnh, sở trường, sở đoản của riêng bản thân mình. Rằng mọi khởi nghiệp để đi đến thành công bao giờ cũng gian truân, vất vả. Rằng không có công việc gì khi đã đổ công sức lao động chính đáng mà xấu hổ cả… Thực tế đã có những tấm gương thành công khi trước kia họ phải dở dang việc học; có những người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng; nhiều thương hiệu lớn, nổi tiếng toàn cầu nhưng bắt đầu bán dạo, bán lẻ… Nhắn với các em rằng con đường tương lai đang rộng dài phía trước, và đường đến thành công luôn rộng mở nếu có đủ nghị lực và ước mơ.
 
3. Sau mỗi kỳ thi, người ta thường nhắc tên những người điểm tốt, và những người điểm không tốt tạm bị lãng quên. Nhưng sau mỗi cuộc đời, điểm số không còn ý nghĩa nữa. Điều quan trọng là thành công hay thất bại? Là đã làm được gì? Là đã sống một cuộc sống có ý nghĩa cho xã hội và thật sự thanh thản hay không?
 
Mời tham gia cộng tác chuyên mục ‘Người thầy’ trên Báo Thanh Niên
Độc giả thân mến! Người thầy có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của một nền giáo dục và từng cá nhân nói riêng. Nhiều vấn đề trong giáo dục ngày nay rất cần sự tiếng nói đóng góp của các giáo viên.
 
Dù ở vị trí nào, dù còn đi dạy hay đã về hưu, với những trải nghiệm của mình trong cuộc đời đi dạy, các thầy cô có thể góp thêm tiếng nói để nền giáo dục ngày càng tốt hơn; để học sinh được dạy dỗ, yêu thương và phát triển nên người.
 
Từ đó, Báo Thanh Niên mở chuyên mục Người thầy Trên Thanh Niên Online địa chỉ thanhnien.vn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự cộng tác, hỗ trợ của các thầy cô và bạn đọc khắp mọi miền cho chuyên mục này.
 
Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ [email protected]. Bài sẽ đăng trên báo in hoặc trên website của Báo Thanh Niên.
 
Các bài viết được đăng tải trên mục Thanh niên – Giáo dục của báo in và Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.

Thầy giáo TRẦN NHÂN TRUNG