Dừng hoặc lùi kỳ thi THPT quốc gia 2020: Học sinh nói gì?
Dừng hoặc lùi kỳ thi THPT quốc gia 2020: Học sinh nói gì?
Trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, nhiều học sinh (HS) lớp 12 cho rằng việc lùi kỳ thi THPT quốc gia 2020 là hợp lý, dù việc này sẽ ảnh hưởng đến thời gian và kế hoạch được các em chuẩn bị từ trước.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT cho biết với việc học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19, cũng sẽ lùi kỳ thi THPT quốc gia 2020 sang tháng 8. Học sinh lớp 12, những người ảnh hưởng trực tiếp, nói gì về chuyện này?
Kế hoạch thay đổi nhưng đồng tình
Những chuyến đi chơi, kỳ nghỉ hè đã được HS chuẩn bị từ trước sẽ bị ảnh hưởng do việc lùi kỳ thi THPT quốc gia 2020. Dù vậy, đa số HS đều tán thành quyết định này nhằm bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh.
Trần Nguyễn Thành Công, HS lớp 12A3, Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), chia sẻ: “Sau khi biết thông tin lùi lịch kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, em có chút hụt hẫng cùng với lo lắng. Hụt hẫng là vì tụi em mong muốn sớm hoàn thành kỳ thi quan trọng này. Lo lắng là đề thi sẽ ra sao khi tụi em có khá nhiều thời gian ôn tập”.
Tuy nhiên theo Công, HS áp lực căng thẳng một thì các cơ quan nhà nước, Bộ GD-ĐT căng thẳng mười. Mọi người luôn cố gắng đảm bảo cho HS có môi trường học tập tốt nhất. Việc lùi kỳ thi hoàn toàn hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho mọi người.
|
“Đa số các kế hoạch học tập của em đã được lên từ đầu năm lớp 12, nên việc lùi kỳ thi vì dịch Covid-19 cũng làm thay đổi ít nhiều. Nhưng tụi em luôn được cha mẹ, thầy cô dạy là luôn phải có kế hoạch dự phòng cho mọi chuyện nên em có thể nhanh chóng thay đổi kế hoạch để không ảnh hưởng nhiều đến việc ôn tập và cả các kế hoạch trong tương lai”, Công bày tỏ.
Cùng cảm xúc với Thành Công, Nguyễn Hoàng Long, HS lớp 12, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai), cho biết cảm thấy mệt mỏi khi biết tin lùi lịch thi THPT quốc gia. Nhưng Long nghĩ việc lùi này là hoàn toàn hợp lý. Vì có như thế nào đi nữa thì sức khỏe vẫn quan trọng hơn việc thi cử.
Trần Thị Trúc Đào, HS lớp 12 Trường THPT Phạm Thành Trung (Tiền Giang), cho biết việc lùi kỳ thi là cần thiết và hợp lý. Bởi nếu không lùi thì với lịch học bù sẽ dồn nhiều kiến thức trong một thời gian ngắn dẫn tới quá tải cho HS trước khi bước vào kỳ thi. Đồng thời, nếu không lùi kỳ thi thì lịch kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thi học kỳ gần như liên tiếp sẽ không ổn.
“Bản thân em cảm thấy ảnh hưởng không nhiều khi lùi lịch thi THPT quốc gia. Em chỉ ảnh hưởng một chút về mặt tâm lý”, Đào bày tỏ.
Nghỉ học lâu, có lợi thế ôn tập?
Thời gian nghỉ dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người cho rằng HS lớp 12 sẽ có lợi thế ôn thi hơn. Tuy nhiên, các bạn HS không đồng tình với quan điểm trên.
Trúc Đào suy nghĩ: “Em nghĩ điều đó không đúng. Nó chỉ thật sự là lợi thế cho một số ít bạn vừa thông minh vừa chăm chỉ có khả năng tự học. Không phải ai cũng ôm sách vở trong thời gian nghỉ. Có rất nhiều bạn đã và đang kiếm việc đi làm thêm hay sử dụng mạng xã hội rất nhiều. Với những bạn không chăm chỉ và không cố gắng thì thời gian này các bạn đang bị lùi lại phía sau. Hoặc đối với em, việc tự ôn tập là điều không dễ dàng, không ai hối thúc, không có những bài kiểm tra. Vì thế không nhận ra bản thân đang ở mức nào…”.
|
Ngược lại, theo Thành Công, HS khối 12 được nghỉ khá dài tạo điều kiện để ôn tập kỹ lưỡng hơn, nắm chắc kiến thức hơn. Tuy nhiên, trước mắt là kỳ thi quan trọng của 12 năm học tập, ai cũng muốn có thể hoàn thành sớm để có thể xóa bỏ áp lực, căng thẳng.
Thành Công cho biết: “Nếu dừng thi kỳ thi THPT quốc gia em sẽ có chút thất vọng. Bởi do em và nhiều bạn đã nỗ lực học tập để chuẩn bị cho kỳ thi này…”.
Lê Ngọc Hiền Mai (HS lớp 12A6, Trường THPT Ngô Quyền) không đồng tình với ý kiến cho rằng nghỉ dài ngày là một lợi thế, bởi thời gian kéo dài dễ làm nản lòng một bộ phận HS. Dù việc dời lịch thi là hợp lý, nhưng nó không phải là một lợi thế. Mỗi kỳ thi đều có thách thức riêng.
Theo Mai, nếu dừng thi THPT quốc gia 2020, không chỉ riêng Mai mà các bạn đồng trang lứa cũng sẽ hụt hẫng, vì đã bỏ công sức ra ôn từ đầu năm tới giờ. Bên cạnh đó là lo sợ vì không biết trường ĐH mà mình mong muốn vào sẽ tuyển sinh như thế nào, tiêu chí xét tuyển ra sao…
Hoàng Long bộc bạch: “Em vẫn nghĩ là nên tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để HS có thể biết được năng lực cũng như trường ĐH phù hợp với khả năng mình nhất”.
VŨ LÂM – THẾ NGUYÊN
TNO