Sẹo rỗ sau bị mụn, có bao nhiêu phương cách điều trị?
Sẹo rỗ sau bị mụn, có bao nhiêu phương cách điều trị?
Thời gian gần đây bệnh nhân tìm đến khoa Da Liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để điều trị sẹo rỗ khá đông. Nghe có vẻ ‘lạ tai’ vì dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Mụn trứng cá là rối loạn rất thường gặp, đặc biệt ở thanh thiếu niên, và thường gây sẹo rỗ. Sẹo có liên hệ với độ nặng của mụn trứng cá, thời gian điều trị sớm hay muộn, thời gian đáp ứng viêm nhiễm…
Nhiều tác nhân gây sẹo
Quá trình tạo sẹo có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của mụn trứng cá, tuy nhiên việc điều trị sớm mụn trứng cá viêm và nốt – nang là phương pháp hiệu quả trong ngăn ngừa sẹo.
Sẹo trứng cá nặng có liên quan tới căng thẳng tâm thần, chủ yếu ở thanh thiếu niên: tự ti, trầm cảm, lo lắng, thay đổi diện mạo, ngại ngùng, giận dữ, thất nghiệp. Hình dạng sẹo thường tệ hơn theo tuổi hay tổn thương ánh sáng.
Sẹo dẫn đến mất mô là loại sẹo thường gặp nhất sau mụn trứng cá. Tổn thương trứng cá khởi đầu viêm nhiễm ở sâu. Sau đó sẹo ảnh hưởng cấu trúc sâu hơn. Vì sẹo trưởng thành và co, chúng làm co rút lớp bề mặt và thể tích bằng các hóa chất gây viêm.
Điều trị sẹo phụ thuộc vào loại sẹo và nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Có nhiều điều trị hiện nay cho sẹo rỗ, nhưng không có điều trị nào có thể đạt được khỏi hoàn toàn sẹo.
Các phương pháp điều trị sẹo rỗ hiện nay gồm phương pháp xâm lấn và không xâm lấn. Tùy từng loại sẹo, tính chất sẹo mà có các phương pháp như: tái tạo bề mặt da (bằng laser dưới tác động của nhiệt và cơ học, hoặc bằng các phương pháp cơ học như lăn kim, mài mòn da, peeling…), tiêm chất làm đầy và PRP (huyết tương giàu tiểu cầu) để lấp đầy phần lõm của sẹo và kích thích tổng hợp collagen; kỹ thuật tách đáy sẹo nhằm nâng mô do cái mô xơ co kéo; kích thích tái tạo sợi collagen (RF, laser fractional không bóc tách..); phẫu thuật…
Việc chọn lựa phương pháp điều trị nào cũng như kết quả điều trị sẹo tùy thuộc vào tính chất sẹo rỗ, nhu cầu và sự chăm sóc sau điều trị của người bệnh.
Các loại sẹo nông hoặc sâu, sẹo mới hoặc cũ sẽ có những phương pháp khác nhau. Ví dụ các loại sẹo nông và dễ như sẹo đáy tròn sẽ cải thiện tốt với các phương pháp tái tạo da bề mặt đơn giản như lăn kim, laser xâm lấn tối thiểu… Còn các loại sẹo sâu hơn thì cần các phương pháp tái tạo và xâm lấn sâu hơn kết hợp làm đầy đáy sẹo, tách đáy sẹo…
Lúc nào đi trị sẹo?
Việc điều trị sẹo bằng các phương pháp tái tạo da bề mặt, xâm lấn sâu… đòi hỏi cần một quá trình chăm sóc kỹ lưỡng và để lại tình trạng da “khó coi” sau điều trị như: đỏ da kéo dài, sưng, đau, chảy máu, đóng mài… Cạnh đó còn có nguy cơ tăng sắc tố sau viêm và nhiễm trùng sau điều trị, khiến nhiều người – đặc biệt với những người làm ngành dịch vụ, đòi hỏi ngoại hình và trang điểm khi công tác, e dè khi lựa chọn điều trị sẹo.
Tuy nhiên thời gian gần đây bệnh nhân tìm đến khoa Da Liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược để điều trị sẹo rỗ khá đông. Nghe có vẻ “lạ tai” vì đang lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp kia mà?
Lý do rất đơn giản: thời gian này, việc mọi người thường xuyên đeo khẩu trang vốn phổ biến. Những người đi điều trị sẹo có thể dễ dàng che chắn dưới lớp khẩu trang mà không ngại bị mọi người “dòm ngó”.
Ngoài ra sau điều trị sẹo, da của bệnh nhân trở nên rất nhạy cảm, mỏng manh, sưng nề. Các bác sĩ sẽ tùy tình trạng da mà cho các loại thuốc thoa, uống để phòng chống các biến chứng sau điều trị sẹo như: nhiễm trùng, mụn, tăng sắc tố sau viêm…
Tuy nhiên một số thuốc làm da bệnh nhân nhờn rít, bệt màu… nên nhiều người có xu hướng không thoa đều đặn các sản phẩm thoa theo hướng dẫn của bác sĩ, hoặc sẽ dùng các sản phẩm che khuyết điểm bôi chồng lên làm giảm tác dụng của sản phẩm lành sẹo, cũng như khiến da dễ kích ứng, nhiễm trùng…
Lúc này, khẩu trang là “tấm khiên” an toàn giúp bệnh nhân tự tin, thoải mái hơn. Họ thoa các sản phẩm điều trị mà không cần dặm các sản phẩm che khuyết điểm lên, từ đó cũng làm vết thương sau điều trị lành nhanh hơn, cải thiện tốt hơn.