Chống dịch COVID-19 ở các nước Đông Nam Á
Chống dịch COVID-19 ở các nước Đông Nam Á
Đến nay có 8/10 quốc gia thành viên ASEAN đã ghi nhận các ca bệnh COVID-19. Một số hoạt động văn hóa, du lịch… phải tạm ngưng, trong khi các nước thực hiện loạt biện pháp quyết liệt để giảm sự lây lan của dịch.
Tháng 4 là thời điểm một số quốc gia ở Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar thường tổ chức lễ hội té nước lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, những cuộc vui từ đại chiến súng nước, chơi đùa cùng voi cho tới lễ hội âm nhạc năm nay có lẽ sẽ bị bóng đen của virus corona che khuất.
Chưa có dịch vẫn không chủ quan
Hôm 13-3, Myanmar thông báo cấm tất cả các cuộc tụ tập nơi công cộng, gồm cả lễ hội Thingyan – Tết té nước năm mới vốn được nhiều người dân Myanmar mong chờ vào giữa tháng 4 hằng năm.
Lệnh cấm tổ chức các lễ hội và sự kiện công cộng sẽ có hiệu lực tới ngày 30-4. Campuchia, Lào và Thái Lan cũng có các bước đi tương tự liên quan tới Tết té nước, nhưng chưa đưa ra lệnh cấm ngay như Myanmar.
Đến nay Myanmar vẫn chưa báo cáo bất kỳ ca bệnh COVID-19 nào. Tại Lào, quốc gia thứ hai trong khu vực chưa báo cáo ca bệnh, nhà chức trách đã chặn đứng các tuyến biên giới trên bộ ở vùng Tam giác vàng với Trung Quốc và Myanmar, đồng thời ngưng các chuyến bay tới Trung Quốc. Nước này cũng đã hoãn Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 11.
Bộ Thương mại Lào còn đặt ra mức giá trần cho khẩu trang, theo đó giá bán lẻ khẩu trang 3 lớp không được vượt quá 25.000 kip (65.000 đồng) cho mỗi hộp 50 cái, và mỗi chiếc khẩu trang không được bán nhiều hơn 1.000 kip.
Trong khi đó 8 nước thành viên ASEAN còn lại đã ghi nhận các ca bệnh, với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines nằm trong nhóm nước có ca nhiễm nhiều nhất ở khu vực.
Nhiều trong số những nước này đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để hạn chế lây lan dịch COVID-19, từ phạt nặng những trường hợp che giấu lịch sử đi lại, tạm dừng giải quyết nhập cảnh với người đến từ một số vùng dịch như Trung Quốc và Hàn Quốc, cấm một số du thuyền cập cảng, đóng cửa trường học, thậm chí cấm xuất khẩu khẩu trang như trường hợp Indonesia thông báo trong tuần này.
Cần phản ứng tập thể
Theo tạp chí Diplomat, khi dịch COVID-19 lây lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, các nước ASEAN hiểu rằng cuộc chiến chống dịch bệnh này sẽ đòi hỏi không chỉ những nỗ lực riêng của mỗi quốc gia.
Dịch COVID-19 đã gợi lại phản ứng tập thể của ASEAN với các bệnh truyền nhiễm từ động vật những năm qua.
Với những kinh nghiệm có được từ dịch SARS và các đợt bùng phát cúm gia cầm, tháng 5-2009, bộ trưởng y tế các nước ASEAN đã gặp mặt để thảo luận phản ứng với cúm H1N1 và một trung tâm điều phối sau đó được lập ra để giám sát các diễn biến liên quan cúm H1N1 trong khu vực.
Với dịch COVID-19, các quốc gia cũng cần phối hợp để giải quyết nhiều thách thức. Trong bài viết có tựa đề “Ngoại giao ASEAN được kiểm tra: Thách thức COVID-19” đăng trên báo Manila Times ngày 14-3, cây bút Amado S. Tolentino, JR. cho rằng ASEAN cần có phản ứng mang tính phối hợp nhiều hơn để kiểm soát bệnh truyền nhiễm này.
“Ngoài phản ứng của riêng các nước, ASEAN có thể có một cách tiếp cận khu vực để ngăn dịch bệnh gây thiệt hại cho hệ thống y tế và nền kinh tế của các nước thành viên” – tác giả viết.
Biến khủng hoảng thành cơ hội
Hôm 20-2, thời điểm hơn một nửa quốc gia thành viên ASEAN đã có ca nhiễm, ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đã có cuộc họp tại Lào để thảo luận những nỗ lực chung giúp đối phó mối đe dọa của dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, họ đã đưa ra các đề xuất gồm: tăng cường hợp tác trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh chung; đưa ra một tầm nhìn dài hạn và thiết lập các cơ chế hợp tác lâu dài; các quốc gia đối phó dịch bệnh và chế ngự sự hoảng sợ; biến khủng hoảng thành cơ hội và khuyến khích các lĩnh vực hợp tác mới.